Điều gì xảy ra, nếu tách hạ tầng khỏi ATGT theo đề xuất của Bộ Công an?

12/12/2019 13:56 988

Có nhiều ý kiến cho rằng việc tách bạch Luật đảm bảo TTATGT đường bộ rất dễ gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và khó tạo sự giám sát trong thực thi…

Phân tích cơ sở đề xuất tách Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, lâu nay quan điểm của Đảng và Nhà nước đã xác định nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ của các cấp, các ngành chứ không phải chỉ là sự nghiệp của Bộ Công an hay Bộ GTVT. 

Dẫn chứng về điều này, ông Quyên cho rằng theo đề xuất của Bộ Công an, kể cả việc thiết lập các biển báo, quy định tốc độ, tổ chức giao thông được quy định trong Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Điều này sẽ mâu thuẫn với quy định chức năng nhiệm vụ của công tác quản lý hệ thống giao thông, tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ khâu về đầu tư xây dựng cho đến suốt quá trình duy tu, bảo trì đường thì các đơn vị quản lý đường bộ phải thực hiện. Còn nếu giao cho lực lượng công an thì lực lượng công an có lực lượng để nghiên cứu, tổ chức thực hiện việc đó. 

Thêm vào đó, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT là tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm trên đường. Còn khi muốn tổ chức thanh tra về việc thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở trong các doanh nghiệp vận tải, từ quản lý lái xe đến quản lý phương tiện thì phải có lực lượng thanh tra thực hiện. Ông Quyền cho biết thêm: 

“Nếu như tất cả mọi công việc liên quan đến an toàn giao thông chỉ do một cơ quan, một ngành làm thì tính chất khách quan, sự giám sát là nó sẽ bị không đầy đủ. Tôi thấy vẫn cần thiết phải duy trì các quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện nay”.

Về phía người dân và doanh nghiệp vận tải, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn với đề xuất này:

“Không cần thiết phải tách thành một bộ Luật riêng, Luật Giao thông đường bộ hiện nay đang được thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện có phát sinh một số vấn đề thì sửa lại cho phù hợp với tình hình phát triển giao thông của cả nước chứ không cần tách ra một bộ Luật riêng”.

“Theo ý kiến Bộ Công an đang xây dựng thì lại quay lại việc quản lý như trước 1/8/1995 thì mình thấy nó lại quay lại một việc trước kia đã làm nên việc đấy cần cân nhắc kỹ càng”.

Về phía Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cho rằng, các quy định để đảm bảo an toàn của kết cấu hạ tầng, an toàn của phương tiện, an toàn của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông phải đồng bộ và do một cơ quan quản lý. Công an làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nếu công an cũng tiến hành kiểm định phương tiện, tổ chức sát hạch thì sẽ không có cơ quan kiểm soát, kết quả khó khách quan:

“Chúng ta phải tách bạch giữa một cơ quan thực hiện và một cơ quan giám sát. Nếu anh vừa xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vừa thực hiện, rồi kiểm tra giám sát cũng ngay trong nội bộ thì tôi cho rằng cái đấy là chưa phù hợp”.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, nếu đưa thành một Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì có lẽ là không phù hợp, bởi những yếu tố mấu chốt tạo nên việc mất ATGT gồm 3 yếu tố: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. 

Từ ba mấu chốt đó thì việc xây dựng nên Luật hay các quy tắc, hay việc thực hiện công tác quản lý thì cần một cơ quan chuyên ngành nhưng cũng cần sự phối hợp đa chiều. Ví dụ như việc đào tạo sát hạch lái xe thì Bộ GTVT chỉ đứng ra chủ trì cần sự phối hợp của tất cả các bộ ngành, trong đó có cả Bộ Giáo dục và Đào tạo để đóng góp trong việc tạo dựng ý thức của người tham gia giao thông:

“Ở Mỹ, Ủy ban ATGT có vai trò như một Bộ, để xâu nối các vấn đề và việc ban hành sẽ thuộc Ủy ban ATGT Mỹ để ban hành các đạo luật làm nền tảng cho việc quản lý ATGT. Đề xuất điều chỉnh theo hướng giao thêm quyền lực cho ngành công an để xây dựng Luật thì càng không tốt nhưng cần giao Bộ Công an thẩm định để mang tính thực tiễn cao hơn vì đây là lực lượng thực thi trên đường”.

Ở góc độ khác, TS Phan Lê Bình, giảng viên Kỹ thuật Hạ tầng, Đại học Việt - Nhật cũng cho rằng, đề xuất xây dựng riêng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an phần nào cũng có ý nghĩa, nhưng mặt khác, khi tách hẳn ra như vậy thì việc điều phối sẽ khó khăn hơn. Do vậy, chuyên gia Phan lên Bình cho rằng, cần thận trọng trong việc thay đổi này bởi việc thay đổi này sẽ dẫn tới sự xáo trộn lớn, thời gian, công sức để chúng ta sắp xếp lại cũng phải là ít:

“Khi mà chúng ta tách ra như vậy chắc chắn hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ xuất hiện thêm nhiều cuộc họp, nhiều bàn luận về việc bố trí các thiết bị, hạ tầng liên quan đến an toàn giao thông. Trong quá trình thi công tôi cũng e ngại điều này sẽ khiến quá trình chậm hơn”.

Các chuyên gia cũng khẳng định, xu thế trên thế giới là những nhiệm vụ nào do dân sự đảm nhiệm được thì do dân sự đảm nhiệm, còn lực lượng công an chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia. Muốn đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì công tác tuần tra, kiểm soát phải nhanh chóng được hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát toàn bộ hoạt động giao thông.

Tách bạch yếu tố đầu tư xây dựng hạ tầng là một hướng đi đúng. Song, cần được giám sát một cách kỹ lưỡng của toàn xã hội nhằm đảm bảo không có sự cài cắm lợi ích

Tách bạch yếu tố đầu tư xây dựng hạ tầng là một hướng đi đúng. Song, cần được giám sát một cách kỹ lưỡng của toàn xã hội nhằm đảm bảo không có sự cài cắm lợi ích

Mặc dù đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đầu có thể vấp phải những ý kiến trái chiều và lo ngại, nhưng về cơ bản là một hướng đi đúng đắn, giúp tạo sự minh bạch và hiệu quả hơn trong công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn. 

“Một đề xuất hướng đến sự minh bạch” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc VOV Giao thông) 

Đề xuất của Bộ Công An về xây dựng Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó tách bạch các hoạt động đầu tư xây dựng quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ với lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ, như thường lệ, không khỏi vướng phải những tranh luận trái chiều của dư luận.

Hiện tại, tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường bộ đều nằm chung trong Luật giao thông đường bộ, nay tách bạch hai vấn đề trên, dĩ nhiên rất nhiều thói quen, thông lệ chấp pháp sẽ phải điều chỉnh. Đó là lý do chính khiến đề xuất trên gặp sự phản ứng nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tách bạch các yếu tố hạ tầng đảm bảo an toàn giao thông và việc kiểm soát hành vi tuân thủ luật pháp về an toàn giao thông là cần thiết để đảm bảo tính chuyên môn trong các loại hình công tác khác nhau.

Khi tách bạch yếu tố hạ tầng và yếu tố kiểm soát tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngành giao thông sẽ chịu trách nhiệm chuyên môn của mình trong việc cung cấp hạ tầng giao thông đường bộ một cách chuẩn mực để đảm bảo an toàn, ngành công an sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Khi đó, các yếu tố đảm bảo an toàn giao thông sẽ rõ ràng, lỗi của người tham gia giao thông, hay lỗi của đơn vị cung cấp hạ tầng sẽ được phân định một cách minh bạch.

Sự minh bạch này sẽ giúp loại bỏ định kiến của người tham gia giao thông khi cho rằng cơ quan chức năng vừa đá bóng vừa thổi còi, khi áp đặt hạ tầng giao thông khiến người dân khó thực hiện việc tham gia giao thông một cách an toàn, buộc phải vi phạm luật.

Khi lực lượng chấp pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông độc lập với đơn vị cung cấp hạ tầng giao thông, họ sẽ áp dụng luật pháp một cách rõ ràng mà không vướng phải những xung đột về tâm lý, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp.

Khi tách công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông với công tác đầu tư cung cấp hạ tầng giao thông, lực lượng chấp pháp có thể xử phạt người tham gia giao thông cũng như đơn vị cung cấp hạ tầng nếu không đảm bảo các quy định của pháp luật.

Bộ công an đề xuất Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, tách bạch yếu tố đầu tư xây dựng hạ tầng là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, những quy định cụ thể trong đề xuất xây dựng bộ luật này cần được giám sát một cách kỹ lưỡng của toàn xã hội nhằm đảm bảo không có sự cài cắm lợi ích, tạo sự dễ dãi cho lực lượng chấp pháp đồng thời gây khó khăn cho các bên liên quan.