Xử phạt tiếng ồn phương tiện giao thông thế nào?

10/06/2020 10:32 182

Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ có rất nhiều thay đổi đáng chú ý

Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ có rất nhiều thay đổi đáng chú ý. Một trong số đó là quy định cấm các phương tiện gây ồn. Vậy một phương tiện như thế nào thì được coi là gây ồn? Trên thế giới quy định xử phạt như thế nào với các phương tiện vi phạm?

Ô nhiễm tiếng ồn có một phần lớn tới từ tiếng động được tạo ra bởi các phương tiện giao thông. Ảnh minh họa

Với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị trong nhiều năm trở lại đây, ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm tiếng ồn là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu từ tiếng ồn ngoài trời như phương tiện giao thông, vận tải, xe có động cơ, máy bay và tàu hỏa.

Ông Barry Twomey, người đã sống gần 22 năm tại khu dân cư Mission Hill, gần một ngã tư tại thành phố Boston, bang Massachusett, Mỹ cho biết:  “Đây có lẽ đây là ngã tư ồn nhất tại Mỹ. Tôi từng tự nhủ với bản thân rằng đây là “bản giao hưởng” của thành phố. Nhưng đôi khi tất cả tiếng ồn diễn ra cùng lúc và thật khó để chịu đựng được."

Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra rất nhiều bệnh lý như: bệnh tâm thần, mất ngủ, rối loạn sinh lý, bệnh tim hay huyết áp cao cũng có tác nhân từ ô nhiễm tiếng ồn. Ngày 25/4 được thế giới chọn là Ngày Quốc tế phòng chống ô nhiễm tiếng ồn nhằm nâng cao nhận thức người dân khắp toàn cầu. 

Bà Eulalia Peris, chuyên gia của Cơ quan môi trường Châu Âu cho biết: "Nhiều báo cáo y tế đã chỉ ra rằng tiếng ồn, nhất là tiếng ồn từ phương tiện giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của hàng triệu người. Sức khoẻ của 20% người dân Châu Âu bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ các phương tiện giao thông."

Về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ phương tiện giao thông, những quốc gia phát triển đều có quy định chung như sau: Tiếng ồn phương tiện được xác định từ các hành động như bóp còi xe, phanh xe, nẹt bô hoặc tiếng ồn từ động cơ. Mỗi quốc gia có quy chuẩn riêng về giới hạn tiếng ồn phương tiện và các chủ xe cần tuân thủ. Ngoài ra, việc tùy ý thay đổi kết cấu phương tiện, khiến phương tiện gây ra tiếng ồn cao hơn cũng có thể bị phạt.

Australia là một trong những quốc gia có những quốc gia quy định chi tiết về hành vi và mức xử phạt về vi phạm tiếng ồn phương tiện. Giới hạn tiếng ồn cho các phương tiện tại quốc gia này trong khoảng từ 90 – 105 decibel. Vi phạm giới hạn này, tùy theo mức độ tiếng ồn quá mức quy định sẽ có mức xử phạt khác nhau: Phạt từ 150 – 300 đô-la nếu vượt quá dưới 5 decibel; 250 – 500 đô-la Australia nếu vượt quá từ 5 – 14 decibel; từ 15 decibel trở lên, phạt từ 600 – 1200 đô-la. Việc phương tiện gây tiếng ồn tại khu dân cư trong khoảng từ 8h tối tới 8h sáng hôm sau, lần 1 sẽ bị cảnh cáo; tái phạm sẽ bị mời hầu tòa và chịu mức phạt từ 200 – 400 đô-la. 

Việc bán các phương tiện có thể gây tiếng ồn cũng sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa: Pinterest

Ngoài ra, ở Australia, việc bán các phương tiện có thể gây tiếng ồn, hoặc bán phương tiện đã qua thay đổi kết cấu để tạo nên tiếng ồn cũng có thể bị xử phạt tùy theo mức độ tiếng ồn vượt quá mức quy định. Đơn cử như việc lắp thêm còi cho xe máy, nếu âm lượng còi vượt quá mức quy định, chủ phương tiện sẽ bị phạt từ 200 – 400 đô-la.

Tuy có quy định và mức phạt cụ thể, nhưng trên thực tế, lực lượng chức năng tại nhiều quốc gia lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định và xử phạt các phương tiện vi phạm Bởi lẽ, lực lượng tuần tra không có các thiết bị cần thiết để đo tiếng ồn của phương tiện. Dù có phát hiện một phương tiện gây ồn, lực lượng tuần tra cũng phải mất nhiều thời gian và công sức để đo lường, xác định hành vi vi phạm. 

Danielle Minerve, cảnh sát tuần tra bang Victoria, Australia chia sẻ: “Chúng tôi có thiết bị để đo tiếng ồn, nhưng mỗi lần sử dụng thì phải lắp đặt trước tại các chốt tuần tra. Khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu gây ồn, chúng tôi ra tín hiệu dừng xe. Sau đó dùng thiết bị để đo mức độ âm thanh phát ra của phương tiện, sau đó là xác định loại phương tiện, so sánh với thang quy chuẩn để xác định chủ xe có vi phạm hay không”.

Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia như Pháp và Anh hiện đang thử nghiệm camera giao thông tích hợp với hệ thống nhận diện tiếng ồn để phát hiện ra phương tiện nào đang có tiếng ồn quá mức cho phép, từ đó đưa ra mức xử phạt. Các nhà chức trách hi vọng trong tương lai, việc xử phạt các trường hợp gây ồn có thể dễ dàng và nhanh chóng như cách xử lý các phương tiện chạy quá tốc độ hiện nay.

Còn tại Việt Nam, nếu quy định cấm phương tiện gây ồn tại Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ được áp dụng, cơ quan chức năng vẫn cần giải quyết những bài toán đi kèm như phân loại tiếng ồn, trang thiết bị đo tiếng cho lực lượng chức năng; cách thức xử phạt v.v…

Ngoài ra, ý thức của các chủ phương tiện cần phải được nâng cao hơn nữa, tránh tạo ra tiếng ồn không cần thiết, ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh. 

https://vovgiaothong.vn/xu-phat-tieng-on-phuong-tien-giao-thong-the-nao - Nguồn vov.vn