Mở thêm làn ưu tiên cho xe buýt: Cần khảo sát kỹ lưỡng để đảm bảo tính kết nối

10/10/2019 03:28 412

Các chuyên gia cho rằng nếu tổ chức làn đường riêng cho xe buýt thì không thể để tuyến này hoạt động riêng lẻ, rời rạc.

Hà Nội sẽ mở thêm các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện.

Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được từ 20 – 25% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt vẫn là lực lượng chủ đạo.

Muốn đạt được mục tiêu đó, thành phố cần có ngay những giải pháp cấp bách để phát triển hạ tầng dành riêng, nhằm nâng cao năng lực vận hành cho xe buýt.

Bởi trên thực tế, việc tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố của Thủ đô hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô-tô, xe buýt, đường dành riêng cho xe buýt gần như không có.

Ngoài hơn 14km làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT thì thành phố chỉ có duy nhất 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt thường tại dải giữa đường Yên Phụ trong tổng số 500 km đường giao thông của Thủ đô.

Do vậy, nhu cầu về một làn đường riêng cho xe buýt là rất lớn.

Xe buýt ở làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ, Hà Nội. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, ban đầu có thể có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc hạ tầng không đáp ứng được phân tách làn đường dành cho xe buýt, có thể gây cản trở đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thực tế, chính làn đường riêng sẽ là yếu tố quan trọng giúp xe buýt lưu thông tốt hơn, từ đó người dân sẽ từ bỏ xe cá nhân để lựa chọn xe buýt, giúp kéo giảm ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết:

“Có thể thấy rõ đặc biệt là các đơn vị vận hành đang có nhu cầu rất cao về làn đường này. Vì chính làn xe buýt này sẽ tách xe buýt ra khỏi giao thông chung tạo ra sự vận hàng thông thoáng hơn, thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo giờ giấc tốt hơn”.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, riêng trong năm 2018 có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ.

Việc bỏ chuyến, quay đầu còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, thương hiệu của xe buýt. Minh chứng là sản lượng hành khách của xe buýt đã giảm liên tiếp trong các năm 2016, 2017; phải đến năm 2018 mới tạm thời ổn định và tăng dần trở lại.

Trước thực tế này, mới đây, TP Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện như: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; Tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7km; Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; Tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km;...

Cùng đó, TP Hà Nội sẽ rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn.

Được biết, trước đó, vào năm 2008 – 2013, Hà Nội có 5,3 km đường ưu tiên cho xe buýt trên trục Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, nhưng năm 2014 đã bị loại bỏ khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao.          

Đường Nguyễn Trãi – Hà Đông một trong những tuyến sẽ được tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Ảnh: Tiền Phong

 Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội cho rằng việc khôi phục làn đường dành riêng cho xe buýt trên trục Nguyễn Trãi là khả thi bởi hiệnđường Nguyễn Trãi có mặt cắt rất rộng, đảm bảo đủ không gian bố trí, cùng với đó, lưu lượng xe buýt trên tuyến này đang chiếm tới trên 30% lượng xe buýt trên toàn thành phố, nếu có điều kiện cho xe buýt lưu thông tốt sẽ thu hút lượng khách rất lớn, trực tiếp giảm ùn tắc giao thông cho toàn tuyến.

“Hiện nay, có một số tuyến đường mà chúng ta có thể khôi phục lại đường dành riêng cho xe buýt, đó là trục Nguyễn Trãi. Tuyến này mặc dù dự kiến có tuyến đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh sẽ được đưa vào hoạt động trong quý 3 năm nay nhưng tôi cho rằng vẫn không thể thiếu được vai trò của xe buýt trên trục tuyến này. Với việc mở rộng xây dựng tuyến đường sắt đô thị này, với mặt cắt đường được mở rộng sau khi loại bỏ hàng cây ở giữa thì tuyến này hoàn toàn đủ điều kiện để có thể tổ chức lại giao thông có đường dành riêng cho xe buýt”.

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn – Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cũng bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này của lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhưng lưu ý, nếu tổ chức làn đường riêng cho xe buýt thì không thể để tuyến này hoạt động riêng lẻ, rời rạc mà phải kết nối thành mạng lưới liên thông với nhau, cần thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ dự án BRT, khi không đồng bộ nhà chờ, cửa ra với xe buýt thường, do đó làn đường xe buýt BRT chưa phát huy được hiệu quả về năng lực và kết nối. 

“Một trong những tiêu chí quan trọng nhất là tính đúng giờ và tốc độ đáp ứng dịch vụ. Ngoài bố trí lưu thông làn đường ưu tiên, đường riêng thì chúng ta cần xem xét tính kết nối, không gian kết nối mạng lưới xe buýt, loại hình phương tiện khác với nhau”.

Có thể thấy rằng việc bố trí làn đường riêng cho xe buýt là vô cùng cần thiết để đảm bảo hành trình thông suốt, hiệu quả.

Để có thể triển khai thành công cần phải có những đánh giá chi tiết về điều kiện hiện tại, hiện trạng, cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông trên toàn mạng lưới từ đó đưa ra phương án phù hợp, đảm bảo tính kết nối.