Hạn chế chè chén, ngày Tết an toàn hơn

03/02/2020 16:04 143

Khi đặt lên bàn cân giữa việc uống vài chén rượu xã giao ngày Tết, với việc có thể bị phạt ‘mất trắng’ chiếc xe máy, hoặc không được lái xe tới 2 năm.

Chuyển biến TNGT liên quan rượu bia ngày Tết

Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, theo ghi nhận của PV Kênh VOV Giao thông tại một số chốt kiểm tra nồng độ cồn khu vực nội đô TP. Hà Nội, đa số các trường hợp khi được lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra đều chấp hành nghiêm chỉnh.

Các tài xế nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh và thực hiện kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Quang Hùng

Trong quá trình kiểm tra, một số tài xế có nghi vấn về chất lượng ống thổi đều được lực lượng CSGT giải thích rõ ràng. Mỗi trường hợp đều sử dụng ống thổi riêng, sau khi sử dụng 1 lần thì thay ống mới, không tái sử dụng. Các thao tác kiểm tra cũng được CSGT hướng dẫn cụ thể, đồng thời cho người dân xem máy đo trực tiếp để xác nhận kết quả kiểm tra.

Tương tự, trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, phần lớn lái xe qua trạm soát vé đều chấp hành tốt quy định về nồng độ cồn. Một số tài xế cho biết:

“Từ hôm nghị định 100 đề ra tôi thấy rất tốt, những tài xế như chúng tôi cũng xác định rồi đây là chuyện làm đúng và làm tốt, chủ trương thực hiện cũng rất tốt, tốt cho xã hội và tốt cho cả bản thân mình”.

“Cái này chúng ta phải làm từ lâu rồi. Bởi vì có rất nhiều vụ tai nạn xuất phát từ rượu bia”

"Phạt theo nghị định mới nâng cao, tôi nghỉ Tết cũng không dám uống rượu vì sợ bị phạt. Khi về quê anh em họ hàng cũng chỉ dám uống nước ngọt thôi”.

Không chỉ ở Hà Nội, các địa phương khác cũng có những chuyển biến hết sức tích cực về ATGT. Chia sẻ với VOV Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức của người dân về lạm dụng rượu bia sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.

Minh chứng là dịp Tết năm nay, địa bàn tỉnh Quảng Ninh không xảy ra vụ TNGT nào.

“Dịp Tết Canh Tý vừa rồi từ vùng thôn quê đến đô thị chúng tôi rất phấn khởi là đến nhà nhau chúc Tết là không mời nhau rượu nữa và mời trà, cà phê. Còn nếu đã tổ chức uống rượu thì phải bố trí một người để lái xe. Đây là mừng, chúng tôi cũng tin tưởng rằng nghị định 100 sẽ thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân, chắc chắn khẩu hiệu đã uống rượu bia là không lái xe sẽ đi vào cuộc sống”.

Trong khi đó, tại Lào Cai, một tỉnh miền núi, tình hình TNGT vẫn khá phức tạp. Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh văn phòng ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết, trong tuần lễ Nghỉ tết Nguyên đán, Lào Cai xảy ra 3 vụ TNGT, làm 2 người chết, 2 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 1 vụ, tăng 1 người chết và giảm 5 người bị thương.

Mặc dù vậy, tác động của việc xử phạt nặng vi phạm nồng độ cồn vẫn rất rõ nét trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số:

"Trước đây chúng tôi rất khổ khi đi chúc Tết, thăm hỏi đồng bào vì Tết đều phải uống rượu. Nghị định 100 rất vào lòng người, họ đều ủng hộ cả. Họ bảo là, nếu Nghị định 100 ra đời sớm hơn thì thói quen uống bia rượu sẽ thay đổi sâu rộng hơn, và sẽ thành một nếp sống văn hóa. Ngay người dân tộc người ta cũng nhận thức được chứ không phải chỉ có người trình độ cao nữa. Chúng tôi vào vùng sâu vùng xa, ở đâu cũng thế, người ta uống rượu là không đi xe”

Theo ông Trần Ngọc Sơn, có ý kiến cho rằng, Nghị định 100 ảnh hưởng đến thu nhập của các quán nhậu, nhưng đây là ý kiến một chiều. Bởi pháp luật chỉ điều chỉnh những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông thì không được uống rượu bia.

Sử dụng rượu bia chỉ là thói quen, không phải nét văn hóa của người Việt Nam.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa tin rằng, sử dụng rượu bia chỉ là thói quen, không phải nét văn hóa của người Việt Nam. Khi nhiều người sử dụng không đúng mức mà vượt ngưỡng, dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, vì vậy, khi pháp luật đã quy định thì những thói quen sinh hoạt đó cũng phải điều chỉnh.

Đơn cử như ở nhiều vùng quê, Tết người ta cúng phải có rượu, “phi tửu bất thành lễ”. Sau đó phải thưởng cái lễ đó, phải uống rượu. Rất nhiều người nghỉ ở nhà sau khi uống rượu, đến buổi chiều hoặc ngày hôm sau họ mới đi thăm chúc Tết họ hàng.

“Luật pháp càng là một chất xúc tác mạnh mẽ để cho những phong tục tập quán tốt đẹp được hình thành. Đó là mình uống rượu thì phải cân nhắc xem sẽ đi đâu làm gì, có điều khiển phương tiện không. Những phong tục tập quán không phù hợp nữa, không phải xấu nhưng mà là không phù hợp thì anh phải thôi. Nghĩa là tôi đã uống rượu bia rồi thì không điều khiển phương tiện, kể cả là xe đạp.”

Trao đổi với VOV Giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT đã liên tục kiểm tra các tài xế lái xe vào cao tốc trong dịp Tết, kết quả rất ít lái xe vi phạm, người dân đều vui vẻ hợp tác khi bị kiểm tra. Đây là thành quả của quá trình tuyên truyền, xử lý đồng bộ, xuyên suốt, lâu dài trong thời gian qua về vi phạm nồng độ cồn.

“Từ thành phố đến nống thôn, từ uống nước đến ăn cơm, người dân đều nhắc đến nghị đinh 100, nếu không chấp hành quy định về nếu điều khiển phương tiện giao thông thì không được sử dụng rượu bia được mọi người bàn luận và chấp hành nghiêm. Chúng tôi cũng thấy rằng không có sự ép nhau trong uống rượu bia, đồng thuận của xã hội với nghị định 100 thì chúng tôi cho rằng quan trọng nhất là nhận thức của từng người thấy an toàn cho mình và xã hội”

Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá hiệu quả mà Nghị định 100 mang lại trong dịp Tết vừa qua:

“Nó điều chỉnh hành vi của rất nhiều người trong xã hội, không còn cái việc đi làm về, gặp bạn bè là uống tràn lan. Sử dụng rượu bia trong đời sống cũng thay đổi. Những người nào biết là họ phải lái xe thì không uống nữa. Đây là sự thay đổi rất lớn. Việc giảm lạm dụng rượu bia bên cạnh cải thiện trật tự ATGT thì giúp giảm bạo lực gia đình, đặc biệt là mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân. Chắc chắn các gia đình, đời sống xã hội sẽ vui tươi, hạnh phúc hơn”.

Dù số vụ TNGT giảm khoảng 18%, nhìn chung, người dân được đón một cái Tết bình yên, nhưng số người tử vong do TNGT, đặc biệt trong hai ngày 29 và Mùng 2 Tết, lại tăng đột biến. Vụ TNGT nghiêm trọng ở Đắc Lắc khiến 3 người tử vong vẫn là vi phạm nồng độ cồn.

“Chứng tỏ vấn đề rất lớn vẫn là nồng độ cồn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Địa bàn đấy thì người dân về nghỉ Tết rất đông trong khi lực lượng chức năng, CSGT còn tương đối mỏng. Đây là vấn đề cần rút bài học kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai trong thời gian tiếp theo”.

Nghị định 100 giải tỏa nỗi niềm “nam vô tửu”

Cách đây 1 năm, dư luận vẫn còn tranh cãi nhau về việc có hay không thứ gọi là “văn hóa rượu bia”. Một bộ phận công chúng, trong đó có một số chuyên gia về lịch sử, văn hóa vin vào khái niệm này, cho đó là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ để bảo vệ ngành công nghiệp rượu bia. Tuy nhiên, bây giờ thì đã rõ: Đó chỉ là một xảo ngữ.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến từng chia sẻ: ‘Nói là văn hóa rượu bia, vậy người không uống rượu bia là không có văn hóa hay sao?’ Thực tế đã chứng minh, lạm dụng rượu bia đang là một vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy về sinh mạng và gánh nặng xã hội hơn cả nguồn thu mà ngành sản xuất mặt hàng này mang lại.

Sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, rồi Nghị định 100 ra đời, tăng nặng các chế tài vi phạm nồng độ cồn, xã hội vẫn ổn, thậm chí trở nên an toàn hơn khi ít người uống rượu bia hơn. Tuần lễ nghỉ Tết Canh Tý vừa qua, số vụ TNGT, số người chết và bị thương liên quan đến rượu bia đều giảm, đặc biệt có một số địa phương không xảy ra TNGT.

Ở các đô thị, người dân sợ điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tất yếu, khi các chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn được bố trí dày đặc. Ở nông thôn cũng tương tự, dù các chốt thưa hơn, số lượt xử lý vi phạm ít hơn.

Có được điều này là nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, mà tất cả bắt nguồn từ tinh thần xử lý nghiêm minh, công bằng, không có ngoại lệ trong công tác thực thi Nghi định 100. Một người nông dân ở Phú Thọ, một viên chức ở Thái Bình, một Phó trưởng Phòng GD-ĐT ở Quảng Bình hay một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ở Hà Tĩnh… ai cũng như ai, cứ vi phạm là bị xử lý. Không có can thiệp, không ai được phép can thiệp.

Và khi đặt lên bàn cân giữa việc uống vài chén rượu xã giao ngày Tết, với việc có thể bị phạt ‘mất trắng’ chiếc xe máy, hoặc không được lái xe tới 2 năm, đa phần đã chọn việc không uống rượu bia khi đi xe cá nhân.

Nếu như trước đây, việc khích bác, chê bai nhau về tửu lượng là phổ biến, thì giờ, hiếm ai còn lặp lại thành ngữ “Nam vô tửu như kỳ vô phong” một cách trịnh thượng nữa. Bởi như diễn giả Trần Đăng Khoa từng phân tích: Chất đàn ông thật sự không nằm trong việc chúng ta tự biến mình thành nô lệ của rượu bia, mà nằm trong việc chúng ta lựa chọn làm chủ bản thân mình.

Có thể nói, Nghị định 100 đã mang lại chuyển biến tích cực về tình hình TNGT liên quan đến rượu bia, và xa hơn, nó phần nào giải tỏa cho những người vốn bị định kiến là “nam vô tửu”, giúp phá lớp vỏ bọc ngôn ngữ mỹ miều của cái gọi là “văn hóa rượu bia”.