Các nước có mấy giai đoạn cấp bằng lái?

04/06/2020 09:23 383

Để lấy được tấm bằng lái chính thức, các tài xế phải trải qua rất nhiều công đoạn, thậm chí kéo dài 4-5 năm

Để lấy được tấm bằng lái chính thức, các tài xế phải trải qua rất nhiều công đoạn, thậm chí kéo dài 4-5 năm. Những quy định nghiêm ngặt này được đặt ra nhằm đảm bảo các tài xế có đầy đủ kỹ năng lái xe an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn.

bằng lái xe ở Úc

Australia là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất thế giới. 

Anh Trịnh Bảo Trung, công tác tại Ban thương hiệu, Văn phòng Hội đồng quản trị, Ngân hàng Vietinbank, từng có thời gian học tập 4 năm tại Australia chia sẻ: Bằng lái xe ở Australia là một trong những loại bằng khó lấy nhất thế giới.

Quy trình để một người bắt đầu học lái cho đến khi được cấp bằng lái xe chính thức (còn gọi là bằng Full) ở Australia thường kéo dài khoảng 4 năm.

Trước hết, bạn sẽ cần phải qua một giai đoạn gọi là giai đoạn bằng L (learner), tức là người mới học lái. Để được cấp bằng L thì đầu tiên là bạn phải từ 16 tuổi trở lên và đã phải có kết quả “đạt” của một bài thi tìm hiểu Luật giao thông.

Người lái xe bằng L đi trên đường phải luôn có một người lái xe bằng Full bên cạnh và phải giữ bằng L trong ít nhất là 12 tháng với 120 giờ lái xe an toàn, có một nhân viên được ủy quyền giám sát và ký vào sổ nhật ký đủ 120 giờ, trong đó có 20 giờ lái buổi tối.

Sau 12 tháng, tài xế sẽ trải qua kỳ thi lái xe để được cấp bằng P1 (còn gọi là bằng P đỏ), lúc này, bạn không cần phải có người bằng Full ngồi bên cạnh nữa.

Sau 1 năm giữ P1 thì bạn đủ tiêu chuẩn để thi lên P2 (còn gọi là bằng P xanh). Sau khi giữ bằng P2 trong vòng 2 năm thì bạn sẽ được thi lên bằng Full.

Anh Bảo Trung có một số lưu ý: “Có những điều kiện hạn chế đối với những người mà giữ bằng L, P đỏ, P xanh. Ví dụ như bằng L là phải có một người có bằng Full ngồi bên cạnh; bằng P đỏ, P xanh không được phép sử dụng các  thiết bị di động khi đang lái xe, kể cả thiết bị chỉ đường. Và những người lái xe bằng L  thì không được chạy quá vận tốc 80 km/h như thế thường là người là không được ra xa lộ. Tất cả những người lái xe bằng L, P đỏ, P xanh khi lái xe phải treo biển đánh dấu hạng lái của mình ở cả biển số phía trước và cả biển số phía sau để cảnh sát và những người tham gia nội dung khác có thể nhận ra được có ứng xử phù hợp”.

Theo anh Trung, nhờ quy trình đào tạo và cấp bằng lái quy củ như vậy nên khả năng kiểm soát phương tiện và nhận diện, xử lý tình huống nguy hiểm khi lưu thông trên đường của người dân Australia rất tốt, rất hiếm khi xảy ra trường hợp “xe điên”, xe mất lái gây tai nạn.

“Mình cũng rất ấn tượng với với người Úc khi mình theo dõi giao thông trên đường ở 2 điểm. Một là người ta đi rất đúng làn, kể cả những chiếc xe to mà làn rất hẹp nhưng xe không bao giờ vượt làn. Thứ hai là khả năng đỗ song song, tức là thông thường đi trên đường người ta chỉ xi nhan khi người ta muốn vào đỗ và chỉ cần đánh 1 lái là vào ngay được điểm cần đỗ trên đường. Khả năng đỗ xe và khả năng kiểm soát phương tiện mình thấy là điểm khác biệt nhất so với những người học lái xe và có bắng lái trong thời gian quá nhanh”, anh Trung cho biết.

Chữ L (learner) gắn lên xe giống như bảng "xe tập lái" ở Việt Nam.

Tương tự, tại Trung Quốc, sau khi được cấp bằng lái, người lái sẽ phải trải qua 12 tháng thực tập tính từ ngày được cấp bằng. Trong giai đoạn này, xe của tài mới phải có chữ "Thực tập" dán vào phía sau, nếu không sẽ bị phạt từ 3 đến 30 USD.

Trong một năm thực tập, nếu bằng lái bị trừ từ 1 đến 11 điểm, tài xế sẽ phải nộp phạt, sau đó bị gia hạn thêm một năm thực tập nữa, và bằng sẽ tự động được khôi phục lên 12 điểm. Cũng trong giai đoạn này, nếu bằng lái bị trừ hết 12 điểm, tài xế sẽ bị huỷ bỏ kỳ thực tập và tư cách điều khiển xe, phải đăng ký cấp giấy phép lái xe lần nữa.

Khi kỳ thực tập kết thúc, tài xế không phải đổi bằng. Nếu tính từ khi kết thúc thực tập đến 6 năm tiếp theo, bằng lái bị trừ chưa đến 12 điểm, sẽ được đổi sang bằng lái có hiệu lực 10 năm. Nếu trong 10 năm này bằng lái vẫn chưa bị trừ hết 12 điểm thì sẽ được đổi sang bằng có hiệu lực vĩnh viễn.

Còn tại Brazil, sau khi đỗ các kỳ thi phổ quát, các tài xế sẽ nhận được bằng lái tạm thời trong một năm. Chỉ đến khi cam kết không có bất cứ vi phạm nào trong năm đó họ mới được cấp bằng chính thức.

Còn tại Việt Nam, sau khi trải qua phần thi lý thuyết và thực hành, người lái sẽ nhận được ngay bằng lái xe chính thức mà không cần trải qua giai đoạn thực tập.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng mỗi quốc gia tùy theo tình hình thực tế để đưa ra một quy trình đào tạo, sát hạch lái xe cho phù hợp. Vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng người điều khiển phương tiện khi được cấp bằng có đầy đủ kỹ năng, kiến thức để xử lý các tình huống giao thông. 

“Mô hình chúng ta cấp ngay bằng cũng không phải là điều gì khác biệt cả bởi vì cũng có rất nhiều quốc gia trên thế giới cấp bằng ngay. Nhưng vấn đề ở chỗ là quá trình đào tạo và quá trình sát hạch làm sao phải thật khó, nghiêm. Muốn như vậy chúng ta phải thiết lập một hệ thống rất chặt chẽ, đặc biệt trong quá trình sát hạch để làm sao khi nhận bằng đủ kiến thức và kỹ năng. Đó mới là cái quan trọng”, TS Trần Hữu Minh nói.

https://vovgiaothong.vn/cac-nuoc-co-may-giai-doan-cap-bang-lai - Nguồn vov.vn