Canada gọi vốn tư nhân cho cao tốc và kinh nghiệm cho Việt Nam
Nói đến PPP, rất nhiều người cho rằng đây là một nguồn vốn mới. Nếu đi theo quan điểm đó
Khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng, chính cộng đồng sẽ phải trả lại số tiền xây dựng thông qua trả phí hoặc đóng thuế.
Lần đầu tiên Canada áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) là tvào năm 1997
Để phát triển kinh tế, hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông phải đi trước đón đầu. Tuy nhiên, ngân sách chính phủ không thể đảm đương toàn bộ. Do đó, để kêu gọi vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng đường cao tốc Canada đã và đang áp dụng thành công mô hình hợp tác công tư (PPP) dù là nước biết đến hình thức này khá muộn.
Lần đầu tiên Canada áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) vào năm 1997 đối với dự án xây dựng cầu liên bang dài 13km, nối eo biển Northumberland. Tuy nhiên, một trong những thành công tiêu biểu phải kể đến dự án nâng cấp, mở rông đường cao tốc 4 làn xuyên Canada 4 làn.
Dự án này hoàn thành vào ngày 1/11/2007 kịp tiến độ và tiết kiệm chi phí. Chỉ trong 27 tháng, 98 km đường cao tốc 4 làn mới được xây dựng và 128km trên hiện có được nâng cấp với tổng chi phí lên tới 544 triệu USD.
Ông Romeo Poitras, Giám đốc quản lý của Tập đoàn Brun-Way chịu trách nhiệm hoạt động, duy trì và tái thiết dự án đường cao tốc xuyên Canada cho biết: Với mô hình PPP, Tập đoàn thiết lập quan hệ làm việc với các chuyên viên Bộ Giao thông; qua đó hợp tác và thực hiện thành công dự án đường cao tốc được đánh giá là xương sống của nền kinh tế .
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Denis Landry đánh giá: Dự án này là kiểu mẫu cho các dự án hạ tầng đường cao tốc khác tại Canada”
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Canada thành công trong áp dụng hợp tác công - tư, để hút vốn cho hạ tầng giao thông, đó là các tỉnh đều thành lập cơ quan chuyên biệt chịu trách nhiệm đánh giá, cơ cấu và thu mua các dự án.
Ông Mark Romoff Chủ tịch và Giám đốc Điều hành (CEO) Hội đồng Quan hệ Công-tư Canada cho biết: “Mặc dù cách giới chức quốc gia, tỉnh thành sắp xếp cấu trúc hợp đồng hợp tác công - tư rất đa dạng (các công ty tư nhân có thể chỉ cung cấp vốn hoặc vừa cấp vốn, vừa xây dựng, quản lý, bảo trì và vận hành, tuỳ theo từng dự án); nhưng giới chức phải đảm bảo rằng họ muốn mang đến giá trị cho người đóng thuế và chắc chắn sẽ chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân.”
Các tỉnh của Canada đều thành lập cơ quan chuyên biệt chịu trách nhiệm đánh giá, cơ cấu và thu mua các dự án.
Riêng chính phủ Canada thành lập cơ quan hợp tác công - tư (PPP) vào tháng 2/2009; chịu trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá và cố vấn khả năng áp dụng hợp tác công - tư với các dự án hạ tầng và đầu tư được đề xuất lên Quỹ Xây dựng liên bang.
Cơ quan này còn quản lý quỹ trị giá 1,2 tỉ USD cung cấp tới 25% vốn cho các dự án hợp tác công - tư của các địa phương; tất cả các dự án có vốn dự kiến hơn 100 triệu USD đều phải qua quỹ này rà soát, đánh giá tính khả thi. Nếu nhận thấy có khả năng thành công, các chủ dự án tiếp tục phải làm việc với cơ quan PPP Canada để phân tích các bước tiếp theo.
Ông John McBride - Giám đốc điều hành cơ quan hợp tác công - tư Canada cho rằng, có 3 kinh nghiệm mà các nước khác có thể tham khảo:
Kinh nghiệm thứ nhất: không coi PPP là công cụ chỉ để kêu gọi vốn. “Nói đến PPP, rất nhiều người cho rằng đây là một nguồn vốn mới. Nếu đi theo quan điểm đó, bạn sẽ mắc sai lầm vô cùng nghiêm trọng. PPP không phải là nguồn tài chính tư nhân. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng, chính cộng đồng sẽ phải trả lại số tiền xây dựng thông qua trả phí hoặc đóng thuế. Không có bữa trưa nào miễn phí! Nhưng việc thu hút tư nhân đầu tư vốn sẽ giúp việc quản lý, sử dụng vốn có kỷ luật hơn” – ông McBride nhấn mạnh.
Kinh nghiệm thứ hai: Tạo môi trường cạnh tranh. Đây là yếu tố giúp giảm chi phí và thúc đẩy sáng tạo. Nhiều nước có xu hướng đóng cửa thị trường đối với các đối thủ nước ngoài; Còn, Canada rất cởi mở trong việc cạnh tranh, tạo sân chơi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất nhiều công ty Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha… đang thực hiện các dự án hạ tầng của Canada theo PPP.
Kinh nghiệm thứ ba: Xây dựng thị trường vốn. Canada đã phát triển thị trường tài chính trái phiếu dự án rất thành công để gọi vốn cho các dự án hợp tác công - tư. Thị trường này không hề biến động khi trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính.
>>> Hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy dự án PPP giao thông
Còn tại Việt Nam, mới đây Bộ GTVT huỷ kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam và điều chỉnh đấu thầu rộng rãi trong nước. Trả lời Kênh VOV Giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên trường Đại học GTVT cho biết:
“Luật đầu tư chung thì có nhưng chi tiết cho từng loại hình thức cần phải được luật hóa. Trong đấy, người ta yêu cầu chính phủ phải cam kết về giải phóng mặt bằng chẳng hạn, cam kết về lưu lượng xe tối thiểu chừng này, tối đa chừng này. Vượt trần thì đương nhiên kiểm soát rất dễ, nhưng không đủ chuẩn của hợp đồng lúc chính phủ cam kết, thì vấn đề đấy chưa được luật hóa chặt chẽ.”
Việc hủy thầu quốc tế tuyến cao tốc Bắc- Nam nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận và các chuyên gia cho rằng đây là cơ cho các nhà đầu tư trong nước.