Dân nghèo Ấn Độ: 'Giãn cách xã hội chỉ dành cho tầng lớp trung, thượng lưu'

01/04/2020 14:57 797

Hàng chục triệu người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp tại Ấn Độ đang phải đưa ra lựa chọn

Chật vật mưu sinh tại thành phố trong mùa dịch

Jeetender Mahender, 36 tuổi, làm nghề dọn vệ sinh và là người Dalit – tầng lớp nằm dưới đáy của xã hội Ấn Độ. Đã 2 ngày Mahender không ra khỏi căn nhà của mình tại khu ổ chuột Valmiki, phía bắc thành phố Mumbai. Tình cảnh của anh đang dần trở nên tuyệt vọng. Ngôi nhà không có nguồn nước hay nhà vệ sinh, thức ăn đã hết và nếu không đi làm, Mahender sẽ không có thu nhập.

Mahender chỉ là một trong số hàng chục triệu người đang tìm cách mưu sinh trong 21 ngày phong tỏa toàn quốc theo lệnh của thủ tướng Narendra Modi, trong nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia 1,3 tỷ dân. “Giãn cách xã hội không chỉ cho riêng người bệnh, mà cho tất cả chúng ta, bao gồm cả bạn và gia đình bạn” – Trích lời phát biểu của thủ tướng Modi.

Ở nhà cách ly dường nhà là chuyện bất khả thi với tầng lớp dân nghèo Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Việc ở nhà cách ly đối với những người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu, có lẽ không quá khó khăn với lương thực dự trữ đầy ắp cùng mạng internet, thiết bị công nghệ cao để có thể làm việc tại nhà. Nhưng đối với khoảng 74 triệu người dân lao động đang sống tại các khu ổ chuột ở các đô thị, điều này tưởng chừng như bất khả thi.

“Đường phố quá đông đúc. Chúng tôi phải huých vào vai nhau để đi. Chúng tôi phải dùng chung nhà vệ sinh công cộng. Và có ít nhất 20 hộ dân sống sát nhà tôi. Có thể hiểu rằng, chúng tôi đang sống chung với nhau. Nếu một người bị ốm, tất cả sẽ cùng bị” – Mahender chia sẻ.

Ấn Độ hiện có 1.251 ca nhiễm Covid-19, trong đó có ít nhất 1 trường hợp đang sống tại khu ổ chuột. Lo sợ trước nguy cơ bị lây nhiễm, nhiều người dân lao động đang tìm cách rời thành phố, trở về quê bằng xe buýt, hay thậm chí là đi bộ. Việc này dấy lên lo ngại dịch Covid-19 sẽ tìm được đường tới các vùng quê Ấn Độ.

Trên sóng phát thanh ngày 28/3 theo giờ địa phương, thủ tướng Modi đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân vì lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người. Nhưng ông Modi nhấn mạnh, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác.

1 nhà vệ sinh mỗi 1.440 người

Đối với tầng lớp hạ lưu tại Ấn Độ, nguồn nước dùng cho sinh hoạt là điều đầu tiên mà họ phải lo khi một ngày mới bắt đầu.

Sia, một cư dân tại khu ổ chuột và là công nhân xây dựng tại Gurugram, gần New Delhi. Mỗi ngày, cô thức dậy từ 5 giờ sáng và ra ngoài bất chấp lời kêu gọi của thủ tướng Modi. Lí do vì cô cần đi bộ khoảng 100 mét để tới bồn nước máy, nơi tập trung ít nhất 70 người dân lao động như cô, để tắm rửa và xách nước về nhà.

Sia không phải là người duy nhất làm như vậy. Hầu hết phụ nữ thuộc tầng lớp lao động của Ấn Độ phải làm việc này mỗi ngày. Không nhà tắm, không nhà vệ sinh tại ngôi nhà của mình, người dân nghèo Ấn Độ phải sống phụ thuộc vào các vòi, bể nước máy công cộng.

Ấn Độ đang trong cơn khủng hoảng thiếu nước sạch. Ảnh: CNN

Trước cơn khủng hoảng nước sạch và nhà vệ sinh, Ấn Độ đã khởi động chiến dịch “Ấn Độ trong sạch” từ năm 2014 để cải thiện cơ sở hạ tầng các nhà vệ sinh, tuyên bố rằng 100% các hộ dân tại Ấn Độ đều có nhà vệ sinh. Nhưng thực tế, theo Puneet Srivastava, chuyên gia tại tổ chức WaterAid India, chiến dịch này tập trung vào xây dựng các nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí, có một số lượng đáng kể khu ổ chuột, khu dân nghèo không được đề cập tới. Theo một nghiên cứu, 78% nhà vệ sinh công cộng tại Ấn Độ hoạt động mà thiếu nguồn nước; và trung bình 1 nhà vệ sinh phục vụ tới 1.440 người dân. 

Sania Ashraf, nhà dịch tễ học, cho rằng chiến dịch “Ấn Độ trong sạch” đã góp phần tăng một số lượng đáng kể nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, thì nhà vệ sinh lại không phải là lựa chọn tốt. Chưa kể, nếu các nhà vệ sinh này không được dọn dẹp thường xuyên, nguy cơ lây nhiễm lại càng gia tăng. 

Người lao động nghèo, tầng lớp có nguy cơ lây nhiễm cao

Lí do chính khiến nhiều người không chịu ở nhà để “giãn cách xã hội”, đơn giản vì họ cần phải làm việc để có thu nhập.

Thu nhập của một người lao động nghèo Ấn Độ dao động trong khoảng 138 – 449 rupee (tương đương 1.84 – 5.97 đô la Mỹ), theo Tổ chức lao động Quốc tế. 

“Nếu không đi làm, họ sẽ không được trả tiền. Quan trọng hơn, người lao động nghèo không chỉ mất thu nhập từ lúc lệnh phong tỏa bắt đầu, mà tình trạng này đã manh mún trước đó khoảng 20 ngày” – CNN trích dẫn lời của Arun Kumar, nhà kinh tế học. 

Theo ông Kumar, trước khi có lệnh phong tỏa, nhiều cửa hàng, dịch vụ đã phải đóng cửa. Nhu yếu phẩm thì trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Những người có thu nhập cao có thể dễ dàng tích trữ thực phẩm từ trước. Nhưng với người nghèo, thu nhập của họ chỉ đủ để sống chật vật qua ngày, không thể tích trữ nhu yếu phẩm.

Sonia Manikraj, giáo viên, 21 tuổi, sống tại một khu ổ chuột, chia sẻ: “Giờ tôi vẫn buộc phải ra ngoài hàng ngày để mua thức ăn. Cửa hàng chỉ mở từ 11 giờ trưa tới 3 giờ chiều. Và trong khung giờ đó, chuyện chen lấn, tắc đường là điều đương nhiên”.

Người lao động Ấn Độ hiện buộc phải đưa ra lựa chọn: Ở nhà và chứng kiến bản thân cùng gia đình dần rơi vào cơn đói, hoặc bất chấp tất cả và ra ngoài làm việc. 

Một số người thậm chí còn không có lựa chọn. Những người làm nghề dọn dẹp vệ sinh được xem là thiết yếu và được phép miễn trừ khỏi lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, họ lại không được cung cấp thiết bị bảo hộ khi làm việc. 

Một cảnh sát dùng gậy đánh cảnh cáo người không đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters

Trong gói kích thích kinh tế trị giá 22.5 tỷ đô-la Mỹ của chính phủ Ấn Độ, có một khoản được sử dụng để trang thiết bị cho các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và người dọn dẹp tại các bệnh viện nhà nước, trị giá khoảng 66 nghìn đô-la Mỹ mỗi người. Nhưng Raju Kagada, một lãnh đạo công đoàn vệ sinh ở Mumbai cho biết: “Số tiền này có thể hỗ trợ cho các nhân viên y tế, nhưng còn những người khác sinh sống xung quanh các cá nhân này thì sao? Cả những người có nguy cơ mắc bệnh từ họ?”.

Một vấn đề khác là những người lao động nghèo không thể tự chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19. Trong khi số lượng được xét nghiệm tại bệnh viện nhà nước thì hạn chế, thì việc đi xét nghiệm tại các viên tư sẽ tốn khoảng 60 đô-la Mỹ cho 1 lần test. 

Đối với người như Mahender, một lần xét nghiệm này sẽ tiêu tốn 1 tháng thu nhập của anh. Công việc quét dọn cho một khu dân cư tại Mumbai giúp Mahender có khoảng 5 nghìn rupee, tương đương 66 đô-la Mỹ/ tháng. Nhưng anh lại là trụ cột trong gia đình gồm 1 vợ, 3 con và một người cha 78 tuổi. 

Chỉ mới 2 ngày ở nhà, tâm trí của Mahender đã dao động: “Điện thoại của tôi liên tục rung chuông. Họ gọi tôi đi làm. Nhưng nếu đi làm, tôi dễ có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19. Tôi không được cấp đồ bảo hộ, khẩu trang hay thậm chỉ chỉ là một bánh xà phòng để rửa tay trước khi ăn. Tôi lo rằng, hết ngày hôm nay, nếu vẫn không đi làm, họ sẽ tìm người khác thay thế, và tôi sẽ mất việc”.

Nhiều bang tại Ấn Độ đã sắp xếp xe buýt để đưa người dân về quê. Ảnh: CNN

Tìm đường về quê

Theo CNN, chỉ trong cuối tuần vừa rồi, ước tính có hơn 100 nghìn người lao động Ấn Độ đã bắt đầu chuyến hành trình dài và giản khổ để trở về quê. Khi hệ thống đường sắt đã ngưng hoạt động, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi bộ cả trăm cây số. Họ không còn lí do để ở lại thành phố khi vừa mất việc làm lại vừa có nguy cơ lây nhiễm từ các khu ổ chuột. 

Trước tình trạng này, nhiều bang tại Ấn Độ như Uttar Pradresh, Bihar, Haryanna đã sắp xếp hàng trăm chuyến xe buýt để chở người lao động về nhà, gây nên cảnh tượng hỗn loạn khi dòng người chen lấn, xô đẩy để lên xe. Trong khi đó, ngày 28/3, thủ tướng Modi đã kêu gọi các bang tại Ấn Độ tìm cách ngăn chặn dòng người đổ về nông thôn; đồng thời lên danh sách những người đã về quê để thực hiện cách ly 14 ngày.

Không bắt được xe buýt nên Sia, công nhân tại khu Gurugram buộc lòng phải ở lại. “Đã 20 ngày tôi không có thu nhập. Dù chỉ là 5 đô-la một ngày, đó vẫn là số tiền nuôi sống cả gia đình tôi. Giờ khi tất cả mọi thứ đã ngưng hoạt động, lựa chọn duy nhất hiện giờ là ở lại trong khu ổ chuột này”.