Hàng nghìn lái, phụ xe buýt bị giảm tới 70% thu nhập

29/04/2020 14:34 876

Hàng nghìn lái, phụ xe buýt bị giảm tới 70% thu nhập, trong khi các doanh nghiệp xe buýt phải gồng mình lo lương nhân viên

Gắn bó với công việc lái xe buýt gần chục năm nay, anh Nguyễn Văn Nam, lái xe buýt tuyến số 08 chạy lộ trình Long Biên – Đông Mỹ thuộc Xí nghiệp Xe buýt Liên Ninh, chia sẻ anh hiện là thu nhập chính của gia đình, mỗi tháng nhận được hơn 9 triệu đồng tiền lương nếu làm đủ 26 ngày công, nhưng nay, do ảnh hưởng dịch Covid 19, anh phải nghỉ việc ở nhà cả tháng nay và hiện anh vẫn chưa biết sẽ nhận được mức trợ cấp ra sao.

Theo anh Nam, không chỉ nhân viên mà bản thân xí nghiệp của anh cũng đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy mà hiện anh mới được tạm ứng 2 triệu đồng tiền lương tháng 3 và theo kế hoạch anh sẽ nhận nốt phần còn lại vào cuối tháng này.

“Thực sự hiện tôi nghỉ ở nhà không có nguồn thu nhập gì, cả xã hội đang cách ly nên mình cũng không thể xin đi đâu làm cả, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập cá nhân. Thời gian nghỉ mình vẫn phải ăn, phải chi tiêu rồi con cái, cho nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cá nhân tôi và cả tổng công ty”, anh Nam nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hà, nhân viên bán vé thuộc Xí nghiệp Xe khách nam Hà Nội, cho biết, trung bình mỗi tháng làm đủ ngày công, anh nhận được hơn 6 triệu tiền lương. Trong thời gian công việc bị ảnh hưởng của dịch Covid 19, các con của anh cũng đều đang nghỉ học nên gánh nặng học phí được giảm đi phần nào, thế nhưng, sắp tới khi trường học mở cửa trở lại thì anh chưa biết tính sao.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình anh xác định thắt chặt chi tiêu, ăn uống tiết kiệm. Rất may, anh vừa nhận được trợ cấp của xí nghiệp, dù số tiền không nhiều nhưng cũng khiến anh cảm thấy phấn chấn hơn phần nào.

“Bây giờ trên Tổng công ty thì chưa biết nhưng Xí nghiệp xe khách Nam thì cũng có lương tạm ứng, đợt 1 là phụ xe, nhân viên bán vé được 700.000 đồng, lái xe được 1 triệu đồng”, anh Hà cho biết. 

Với 13 tuyến buýt, trong đó có 7 tuyến xe chạy khí nén CNG, Công ty Bảo Yến hằng ngày vận hành 400 xe, với 800 lái, phụ xe. Ngoài ra, công ty có khoảng 500 nhân viên làm các việc gián tiếp, như thợ kỹ thuật, sửa chữa, điều hành, giám sát, và các công việc phụ trợ… Riêng lương cho nhân viên mỗi tháng công ty chi hết khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo Yến, cho biết, toàn bộ 400 xe vừa được thay mới, trong đó có khoảng 100 xe CNG 3,5 tỷ đồng/chiếc, trong đó 70% số tiền này là vay ngân hàng. Mỗi tháng doanh nghiệp phải trả cả chục tỷ đồng tiền lãi. Mặc dù vậy để hỗ trợ nhân viên trong thời gian nghỉ dịch, công ty vẫn cố gắng chi trả mức lương cơ bản để họ đảm bảo cuộc sống. 

“Phương tiện thì không chạy được, trong khi đó, lương công nhân vẫn phải hỗ trợ, chi phí quản lý của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Công ty lại là một doanh nghiệp xã hội hóa chính vì vậy nên ảnh hưởng rất lớn, có những khoản lãi suất ngân hàng công ty vẫn phải chi trả. Vì vậy tình hình rất khó khăn. Rất mong tình hình dịch bệnh qua đi, thành phố Hà Nội cũng có hỗ trợ để doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Các doanh nghiệp xe buýt phải gồng mình lo lương nhân viên, trả lãi vay ngân hàng, gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tùng

Trong khi đó, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chuyên kinh doanh vận tải, cung ứng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt lớn nhất của Hà Nội với trên 1.000 phương tiện.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 22/3, đơn vị đã cắt giảm 20% số chuyến xe buýt (trên 1.000 lượt/ngày), đến ngày 28/3 tạm dừng toàn bộ. Hoạt động vận tải khách liên tỉnh, xe du lịch, xe hợp đồng, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cơ bản dừng hoạt động. Sản lượng đưa đón công nhân các khu công nghiệp giảm 30%; hoạt động vận tải liên tỉnh hầu như không có khách và cũng đã tạm dừng từ ngày 1/4.

Dịch vụ khai thác điểm đỗ xe, bến xe khách liên tỉnh giảm 20 - 30%. Từ ngày 1/4 đơn vị tạm dừng toàn bộ hoạt động của các Bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ khác của Transerco cũng gặp nhiều khó khăn trong quý I/2020, nhất là khi dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1/4. Doanh thu kinh doanh của Transerco sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả lương, chế độ cho hàng nghìn lao động.

Theo đại diện Hà Nội Transerco, từ ngày 28/3, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã sắp xếp cho gần 7.500 người lao động tạm nghỉ việc, trong đó có 6.000 lao động phục vụ trên các tuyến xe buýt; khoảng 1.500 lao động trong lĩnh vực kinh doanh.

Đối với gần 7.500 người lao động nghỉ việc, Tổng công ty đã chủ động bằng mọi nguồn lực, chi trả các khoản theo chế độ, chính sách theo đúng quy định, bảo đảm ổn định nội bộ và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Đặc biệt, Hà Nội Transerco đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong việc cắt giảm 20 - 40% tiền lương của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Tổng Công ty và cấp đơn vị trực thuộc…, nỗ lực bảo đảm đời sống vật chất cho đội ngũ công nhân lao động.

Trước những khó khăn này, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội mới đây đã đề xuất thành phố xem xét, hỗ trợ Tổng công ty 50% chi phí tiền lương cho người lao động làm việc trong khối vận tải công cộng để giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Có thể nói, bên cạnh nỗ lực chống dịch, các doanh nghiệp xe buýt cũng đang phải đối diện với thách thức bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Do đó, Nhà nước và thành phố cần sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó có kinh phí để trả lương cơ bản, giúp ổn định cuộc sống của người lao động, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi hết dịch bệnh.