Đền thờ vua Lê Thái Tông: Linh thiêng miền sơn cước

26/10/2020 14:29 991

Đền thờ vua Lê Thái Tông nằm ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được xem là chốn linh thiêng miền sơn cước, đã và đang trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn

Nằm trên thế đất địa linh “sơn kỳ thủy tú”, đền thờ vua Lê Thái Tông tựa lưng vào núi Cằm tạo nên sự vững chắc, uy nghiêm, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Ngôi đền có diện tích hơn 800m2, theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả, hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung…

Ở sân đền có rất nhiều tượng voi, ngựa gắn với những trận truy đuổi quân phiến loạn. Ông Đỗ Minh Chính, là 1 trong những người con của TP Sơn La, có vinh dự được tham gia vào đội đắp phù điêu voi, ngựa ở sân đền. Từng nét chạm khắc, tạo hình cho ngôi đền đều được ông làm với sự tỉ mỉ chau chuốt vốn có của người làm nghề, nhưng quan trọng hơn là cái tâm của ông muốn gửi gắm để tri ấn đối với vị vua vì nước vì dân: "Ban đầu khi mới bắt tay vào làm, tôi thực sự lo lắng, bởi mỗi 1 ông voi, ngựa lại phải tương ứng với tầm cỡ và cách đứng của mỗi 1 vật linh thiêng. Sau đó, tôi cũng tìm hiểu qua sử sách và nghiên cứu kỹ 1 số di tích trong nước để quyết định đắp 2 ông voi, ông ngựa như thế này, thể hiện được sự uy nghi hùng tráng. Tôi tự hào vì tâm huyết của mình đã được đền đáp".

Đền vua Lê Thái Tông có tòa đại bái gồm 3 cửa, bên trong có 3 ban thờ chính và 2 ban thờ phụ, mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí tứ linh: Long, Li, Quy, Phượng và Hổ phù... là những con vật gắn với tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Cung giữa thờ “Hội đồng triều Lê”, hai bên đặt bộ bát bửu và chấp kích, biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, giúp cai quản miền đất thiêng và ban phát tài lộc cho du khách hành hương. Cung tả (bên trái) thờ đương cảnh thành hoàng Lê Thái Tông. Cung hữu (bên phải) thờ “Sơn thần bản thổ” là các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ Ngài.

Với nhiều người dân Sơn La, đền vua Lê Thái Tông đã trở thành chốn linh thiêng gắn bó, dù đi đâu làm gì họ cũng nhớ về để thắp nén hương thơm tri ân tiền nhân. Bà Nguyễn Thị Mười, ở thành phố Sơn La tự hào: "Đền vua Lê Thái Tông là 1 nơi thắng cảnh tuyệt đẹp, 1 di tích lịch sử mà đời đời con cháu phải khắc ghi, tưởng nhớ đến công ơn của các Ngài".

Thẳm Báo Ké hay còn gọi là "hang trai già" trên đỉnh ngọn núi nơi đặt đền thờ vua Lê Thái Tông là nơi nhà vua và quân sĩ từng dừng chân sau khi chinh phạt tù chưởng Thượng Nghiễm dẹp loạn vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ yên bờ cõi nước nhà. Tại nơi phong cảnh hữu tình này, nhà vua đã làm bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán. Chị Cầm Thị Mây, hướng dẫn viên ở Bảo tàng Sơn La cho biết: "Khi thấy phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp, vị trí địa lý lại vô cùng thuận lợi nên vua Lê Thái Tông khi ấy cảm thấy trong lòng thư thái, đã khắc 1 bài thơ với lời tựa: “Quế lâm động chủ ngự chế” bằng chữ Hán với nội dung: Nghĩ đến người xa đêm khổ tâm/ Thổ tù sao lại dám quên thân/ Thế gian đã có anh hùng chúa/ Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần/ Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm/ Hang cùng đã ấm áp khơi xuân/ Yên được dân lành nhơ nhớp hết/ Dân xa được hưởng tấm lòng nhân...".

Bài thơ được viết trên phiến đá cao, nét khắc nhỏ, sâu, không có hoa văn trang trí  mà chỉ có 2 vạch khắc chìm chạy xung quanh. Trải qua mưa nắng và hơn 500 năm tồn tại, từng nét chữ của bài thơ vẫn còn rõ nét, minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh chống giặc Ai Lao và quân phản loạn Thượng Nghiễm của vị vua hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cùng quân sĩ. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng Sơn La cho biết thêm: "Bài thơ bằng chữ Hán 140 chữ như một lời khẳng định chủ quyền giang sơn gấm vóc, thể hiện ước mong về một thiên hạ thái bình".

Ngày nay, đền thờ vua Lê Thái Tông đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, gắn với đời sống tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Về đây, để tưởng nhớ công đức của vị vua Lê Thái Tông, cùng tìm hiểu về một thời kỳ giữ yên bề cõi biên cương, cảm nhận sự yên bình nơi chốn linh thiêng, để càng thấy yêu và tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.

Nguồn: theo vov.vn - http://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-tho-vua-le-thai-tong-linh-thieng-mien-son-cuoc-22302.vov2