Làm sao để không còn xe buýt nhả khói đen trên đường?
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tập trung kiểm tra đối với các xe buýt, ô tô khách, xe tải xả khói đen làm ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM.
Không thể chấp nhận được việc những chiếc xe bus chạy dầu mỗi lần ra vào bến tài xế tăng ga là 1 lượng khói đen bốc lên mù mịt từ động cơ dầu xả thẳng vào mặt người đi đường, đồng thời xả một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường như thế này...
Không thể chấp nhận được việc những chiếc xe buýt chạy dầu mỗi lần ra vào bến tài xế tăng ga là 1 lượng khói đen bốc lên mù mịt từ động cơ dầu xả thẳng vào mặt người đi đường, đồng thời xả một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường như thế này.... Ảnh: Quang Hùng
Chị Hoàng Trang (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hàng ngày chị thường di chuyển bằng xe máy từ nhà đến nơi làm việc ở quận cầu Giấy. Đường đi làm tới hơn 15km và phải đi qua nhiều điểm ùn tắc, chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nhất là khi phải đi sau những phương tiện xả khói đen mù mịt.
“Mỗi ngày tôi phải đi một quãng đường dài, đã rất mệt rồi nhưng sợ nhất là gặp phải những chiếc xe buýt, xe khách xuống cấp, động cơ nóng hầm hập, mỗi lần tăng ga hay vào bến đón khách thì xả khói đen ngòm, tiếng phanh rít lên chói tai, khiến không chỉ tôi mà rất nhiều người cảm thấy sợ hãi”.
Trên thực tế, trong những năm qua, tình trạng xe buýt xả khói đen ra môi trường đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại một lượng không nhỏ các phương tiện chưa đảm bảo tiêu chuẩn phát khí thải khi vận hành, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Theo Cục đăng kiểm Việt Nam, tiêu chuẩn khí thải đối với hệ thống ô tô nói chung và xe buýt nói riêng tại nước ta hiện còn khá thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tại Hà Nội đang có hơn 1400 phương tiện buýt hoạt động, nhưng mới có 53% số xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro3, trong khi đó các thành phố của các nước trong khu vực và quốc tế đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro4, Euro5 từ khá sớm.
Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là cần nhanh chóng đổi mới, thay thế xe cũ, nâng cao chất lượng phương tiện, ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt theo hướng giảm ô nhiễm môi trường, an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết phát xả khí thải trong giao thông hiện nay là một vấn đề rất lớn, theo đó, xu thế sử dụng những phương tiện sạch, thân thiện môi trường đang được nhiều nước trên thế giới lưu tâm và xe buýt cũng không nằm ngoài xu thế đó.
“Hiện nay, mong muốn của đơn vị quản lý, thành phố và các đơn vị vận hành là được đưa những phương tiện chất lượng cao vào vận hành để cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tiện nghi, giảm ô nhiễm môi trường”.
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), trong vòng 2 năm trở lại đây, tổng công ty đã đầu tư trên 500 xe và theo kế hoạch, sẽ đầu tư xấp xỉ 200 xe nữa vào năm 2019 để tiếp tục đổi mới đoàn phương tiện đồng thời kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện đang hoạt động.
“Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục có kế hoạch đầu tư, thay mới phương tiện. Các phương tiện với các tiêu chuẩn Euro 4, và thậm chí đến năm 2021 là tiêu chuẩn Euro 5 theo tiêu chuẩn của chính phủ. Các phương tiện mới theo tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 này sẽ là một đóng góp rất quan trọng cho việc cải thiện, giảm ô nhiễm môi trường”.
Nhả khói đen mù mịt trên phố Kim Mã, quận Ba Đình
Các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt cần siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ cho mỗi chiếc xe, đảm bảo an toàn khi ra tuyến phục vụ hành khách. Ảnh: Nhân Trần
Ngoài việc đầu tư thay mới phương tiện, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt cũng cần siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ cho mỗi chiếc xe, đảm bảo an toàn khi ra tuyến phục vụ hành khách.
Với đặc thù phải hoạt động liên tục gần 20 tiếng/ngày trong điều kiện giao thông phức tạp, khi vận hành, xe buýt thường có tải trọng không ổn định, hành khách lên, xuống xe liên tục, thậm chí bị quá tải trong giờ cao điểm, cộng với việc cách vài trăm mét xe lại phải phải dừng, đỗ, dẫn tới tình trạng lái xe không đi hết số, sử dụng phanh liên tục. Đây là những yếu tố khiến xe buýt xuống cấp một cách nhanh chóng, do đó, việc bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ cho xe buýt là một khâu vô cùng quan trọng.
Ông Đào Minh Khanh – Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết để đưa một chiếc xe buýt ra vận hành được trên tuyến, đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn bởi đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, khả năng vận chuyển của hệ thống xe buýt công cộng. Chính vì thế, tổng công ty đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, kiểm tra và nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện đảm bảo không có hiện tượng xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn ra tuyến hoạt động.
“Tổng công ty cũng như các đơn vị đều có quy trình đào tạo thường xuyên và kiểm tra tay nghề thường xuyên, kiểm tra nâng bậc theo quy định của nhà nước. Trong công tác quản lý từ trên tổng công ty cũng như các hệ thống kỹ thuật các đơn vị cũng đều có các tuyến để kiểm tra thường xuyên trình độ kỹ năng cũng như hàng ngày, hàng kỳ chúng tôi đều có cán bộ giám sát kiểm tra quy trình thực hiện của anh em thợ, từng bước, thay thế vật tư phụ tùng và sau khi xe làm xong thì cũng được kiểm tra”.
Để giảm thiểu tình trạng xe buýt nhả khói đen trên đường phố gây bức xúc cho người dân, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải cùng cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì đồng thời góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm gia tăng không khí tại các đô thị trong thời gian gần đây.
Có thể bạn thích
-
Liên hoan Sâu khấu Hà Nội mở rộng 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ
-
Có nên tiến đến hôn nhân khi gia đình người yêu khó khăn?
-
Vì sao tiến độ cấp hộ chiếu vắc xin chưa đạt mục tiêu đề ra
-
Nguồn lực đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
-
New Zealand quan ngại khả năng quân sự hóa khu vực Thái Bình Dương