Anh xem xét lại đặc quyền miễn trừ khi nhân viên ngoại giao gây TNGT
Vấn đề miễn trừ ngoại giao trở thành đề tài nóng tại Anh nhiều ngày trở lại đây
Sự việc xảy ra ngày 27/8/2019, khi một chiếc ô tô vừa rời khỏi căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Croughton tại Northamptonshire nơi các lực lượng Mỹ đang đóng quân, đi nhầm làn đường và va chạm với chiếc mô tô do thanh niên 19 tuổi, người Anh tên Harry Dunn điều khiển khiến thanh niên này tử vong.
Người lái chiếc ô tô gây tai nạn là bà Anne Sacoolas, vợ một nhân viên chính phủ Mỹ làm việc tại căn cứ này. Bà Anne Sacoolas đã bị cảnh sát thẩm vấn; nhưng lại quay trở về Mỹ ngay sau đó. Rất có thể sự việc sẽ được khép lại và bà Sacoolas không phải chịu án phạt vì được hưởng đặc quyền miễn trừ ngoại giao. Tức giận trước diễn biến này, gia đình người thanh niên thiệt mạng yêu cầu cảnh sát và toà án tiếp tục điều tra và dẫn độ bà Sacoolas về Anh để chịu trách nhiệm.
Cha mẹ của nam thanh niên bị thiệt mạng trong vụ tai nạn liên quan tới bà Anne Sacoolas thể hiện tức giận trong một cuộc phỏng vấn tại TP New York, Mỹ
Cha mẹ của nam thanh niên bị thiệt mạng trong vụ tai nạn liên quan tới bà Anne Sacoolas thể hiện tức giận trong một cuộc phỏng vấn tại TP New York, Mỹ
Cha mẹ của Dunn đã được mời sang Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ nỗi buồn cũng như mong muốn của mình. Tại Nhà Trắng, sau cuộc gặp với Tổng thống Trump, bà Charlotte Charles – mẹ của Harry Dunn nói trong nỗi xúc động:
“Bà Anne Sacoolas cần phải làm điều đúng đắn, quay trở lại Anh, đối diện với những gì bà đã làm, với chúng tôi – một gia đình đang đau đớn vì mất con, đối mặt với luật pháp của Anh. Bà cần làm gương cho các con rằng người lớn chúng ta không thể bỏ chạy sau khi làm điều tệ hại như vậy. Chúng tôi muốn biết rằng bà Sacoolas sẽ được đưa trở lại Anh để chịu tội”.
Không chỉ có gia đình nạn nhân Dunn, nhiều chính trị gia Anh bao gồm cả Thủ tướng Boris Johnson cũng yêu cầu Mỹ phải từ bỏ đặc quyền này và đưa người gây TNGT quay trở lại Anh để chịu truy tố.
Thủ tướng Anh nói:
“Tôi cho rằng, việc áp dụng quyền miễn trừ ngoại giao trong trường hợp này là không phù hợp. Tôi hy vọng bà Sacoolas sẽ quay trở lại Anh và tham gia vào các tiến trình pháp lý đang áp dụng hiện nay tại Anh”.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết: “Tôi đã chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra, đánh giá lại hoạt động miễn trừ đối với nhân viên Mỹ làm việc tại căn cứ không quân Croughton và thân nhân của họ”. Ông Dominic Raab cho rằng, các quy định miễn trừ ngoại giao với trường hợp này không hợp lý và sẽ tập trung xem xét làm thế nào để luật miễn trừ không bị lạm dụng.
Phản ứng tức giận từ gia đình nạn nhân, công chúng về những sự phức tạp và bất cập của vụ việc làm dấy lên 2 vấn đề chính về đặc quyền miễn trừ. Vậy đặc quyền này là gì? Đầu tiên cần phải hiểu việc tại sao bà Sacoolas nằm trong đối tượng được miễn trừ ngoại giao; Hai là liệu vấn đề miễn trừ ngoại giao đó có hợp lý hay không và đã đến lúc cần phải xem lại để hạn chế bị lạm dụng hay chưa?
Harry Dunn (trái) đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: standard.co.uk
Theo luật pháp quốc tế, đặc quyền miễn trừ này được quy định trong Công ước Vienna về các quan hệ ngoại giao năm 1961 (VCDR) và được quy định trong Luật ưu tiên ngoại giao 1964 của Anh. Về bản chất, một nhà ngoại giao đương nhiệm và người nhà được miễn trừ trước tất cả các vụ kiện hình sự và hầu hết các vụ kiện dân sự.
Quyền miễn trừ nhằm bảo vệ các nhà ngoại giao thực hiện nhiệm vụ mà không bị cản trở. Tuy nhiên, với các vi phạm về giao thông (từ đỗ xe sai vị trí, vượt tốc độ, lái xe gây tai nạn…) đã không ít lần quyền miễn trừ ngoại giao bị lạm dụng.
Do đó, vụ tai nạn giao thông gây chết người của vợ nhân viên Mỹ tại Anh dù đang được điều tra; nhưng nó cũng khiến dư luận cùng nhiều chính trị gia một lần nữa hối thúc phải xem xét lại và thay đổi để tránh bị lạm dụng.
Còn tại Việt Nam, Khoản 2, Điều 28 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế quy định: Viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự khi thực hiện chức năng của mình được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự, trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng; họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và xử phạt hành chính, trừ trường hợp liên quan đến vụ kiện dân sự, trong đó có: Về tai nạn giao thông xảy ra tại Việt Nam mà bên thứ ba đòi bồi thường thiệt hại.
Quyền ưu đãi miễn trừ được áp dụng cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó, cũng như thành viên gia đình họ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan và thành viên của các cơ quan nói trên thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính thức với tư cách đại diện tại Việt Nam.