Gây rối trên máy bay: Nguyên nhân không chỉ từ phía hành khách

08/07/2020 09:01 657

Bất kì hành khách nào khi chọn đi máy bay đều mong muốn có một chuyến bay suôn sẻ, bình yên và an toàn

Mới đây, Cảng vụ hàng không miền Bắc xử phạt một nữ hành khách 4 triệu đồng; vì trên chuyến bay số hiệu VJ139 của hãng hàng không Vietjet hôm 19/6, khi chuẩn bị cất cánh, nữ hành khách được tổ bay nhắc nhở, yêu cầu tắt điện thoại. Tuy nhiên, nữ hành khách này không tuân thủ, dẫn đến cãi vã với tổ bay. Nữ hành khách này sau đó đã được an ninh sân bay Nội Bài đưa xuống khỏi máy bay. Vì sự cố này mà chuyến bay đã bị trễ giờ khởi hành. 

Không chỉ ở Việt Nam, hàng không thế giới cũng có những trường hợp tương tự. Như vào năm 2017, 1 nữ hành khách Trung Quốc đã bị tạm giữ vì liên tục sử dụng điện thoại và máy tính bảng vào lúc máy bay cất cánh, bất chấp cảnh báo từ phi hành đoàn. 

Hay mới đây, hãng hàng không Jet2 của Anh cấm bay vĩnh viễn một hành khách, nộp phạt tới 106.000 USD và bị cấm bay vĩnh viễn vì tìm cách mở cửa máy bay.

Số lượng vụ việc hành khách gây rối, mất trật tự trên máy bay đang tăng dần theo từng năm. Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, trong khoảng 10 năm từ 2007 đến 2017, có 66.000 trường hợp gây rối trên máy bay. Nếu vào năm 2016, trung bình mỗi 1.434 chuyến bay sẽ có 1 trường hợp gây rối, thì con số này đã tăng lên thành 1 vụ trên mỗi 1.053 chuyến vài năm 2017.

Trong khi vấn đề chủ yếu vẫn được bàn tán xoay quanh văn hóa ứng xử của hành khách trên máy bay, các chuyên gia lại đang cố gắng phân tích, tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những hành vi gây rối đó.

Hiện hầu hết chuyến bay nội địa của Mỹ áp dụng hình thức “overbook”, tức là cho phép số người đặt vé vượt quá số ghế của máy bay. Khi một chuyến bay có số lượng hành khách quá mức quy định, sẽ có người phải tình nguyện hoặc bị ép buộc rời chuyến, đương nhiên đi kèm với đền bù.

Theo Andrew Robert Thomas, tác giả của cuốn sách “Cơn thịnh nộ trên không” hình thức overbook giúp các chuyến bay không thừa ghế, từ đó, tạo lợi nhuận tối đa cho hãng, nhưng bù lại rất dễ khiến hành khách có cảm xúc tiêu cực, chưa kể tạo thêm áp lực cho các tổ bay khi họ phải cố gắng “mời” một vài hành khách rời chuyến.

Hành vi gây rối của một bộ phận hành khách có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh minh họa: CNN

Còn tiến sĩ Daniel Lieberman từ Đại học George Washington, Mỹ có góc tiếp cận khác: “Hàng không hiện nay đang bó hẹp không gian bằng cách tăng số lượng ghế. Khi chỗ ngồi của bạn quá hẹp, các bó cơ sẽ căng lên, từ đó khiến não hiểu rằng ta đang trong tình thế phải tự vệ. Khi đó, con người sẽ dễ bị kích động hơn, gây nên những hành động mà thậm chí sau này, ta sẽ phải tự hỏi tại sao lúc đấy ta lại cư xử như vậy”.

Yếu tố thứ hai dẫn đến thay đổi hành vi của hành khách, đó là đồ uống có cồn. Dù hàng không có quy định giới hạn lượng cồn hành khách có thể dùng, nhưng khó khăn nằm ở việc tổ bay không nắm được việc trước đó, hành khách đó đã uống bao nhiêu.  Allie Malis, tiếp viên của hãng hàng không American Airlines chia sẻ, đôi khi việc từ chối phục vụ thêm rượu bia chính là ngòi châm dẫn đến cơn thịnh nộ của một hành khách say xỉn.

Tiến sĩ David Powell, chuyên gia y tế của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế chia sẻ: “Nhiều người chọn đồ uống có cồn khi đi máy bay, đôi khi không phải do họ nghiện chúng mà có thể do tâm trạng hồi hộp, áp lực từ trước khi đi máy bay. Tuy nhiên, hãy hạn chế bia rượu. Nếu có uống, hãy uống thêm nước để tránh những ảnh hưởng tới cơ thể như việc mất nước”.

Yếu tố thứ ba, mới xuất hiện vài năm, nhưng lại có ảnh hưởng không hề nhỏ, đó là mạng xã hội. Dù không phải là nguyên nhân hay có ảnh hưởng tức thì tới chuyến bay, nhưng những đoạn băng ghi lại cảnh cãi vã, xô xát trên máy có thể tác động tới suy nghĩ, hành vi của người xem.

Theo ông Achilleos từ Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu, việc đăng tải clip ghi cảnh gây rối trên máy bay có thể xuất phát từ mục đích tốt như lên án hành vi đó. Nhưng đôi khi việc này lại đem tới tác dụng phụ như cổ súy những hành vi tương tự; hoặc cộng đồng mạng sẽ có những góc nhìn khác, tiêu cực hơn so với mục đích ban đầu. 

Đơn cử như chính vụ việc của Vietjet mới đây, nhiều cư dân mạng lại tranh cãi về quyết định của tổ bay, cho rằng họ đã thổi phồng vụ việc mà quên rằng, hành vi sai phạm của nữ hành khách mới là điều đáng lên án. 

Theo ông Achilleos, khi gặp trường hợp gây rối, mọi người nên hạn chế quay phim, thay vào đó là giữ bình tĩnh, báo cáo vụ việc với tổ bay, bởi họ đã được đào tạo để xử lý những tình huống như vậy.

Trên tất cả, chính ý thức, văn hóa hành xử của chúng ta mới là yếu tố quan trọng nhất. Thay vì cố chấp, cãi vã vì những yêu cầu nhỏ nhặt như tắt điện thoại, đơn giản hãy chấp hành quy định, và chúng ta sẽ có một chuyến bay yên bình và an toàn, không chỉ với bản thân, mà với tất cả mọi người xung quanh.

https://vovgiaothong.vn/gay-roi-tren-may-bay-nguyen-nhan-khong-chi-tu-phia-hanh-khach - Nguồn vov.vn