Ứng dụng chia sẻ xe ‘xoay trục’: Các loại hình vận tải cùng tồn tại và phát triển

20/03/2020 14:49 475

Thay vì đối đầu gay gắt với các dịch vụ vận tải truyền thống

Năm 2017, các quan chức Bộ giao thông Thái Lan tuyên bố, sử dụng ô tô cá nhân để cung cấp dịch vụ vận chuyển trực tuyến là bất hợp pháp. Điều này đồng nghĩa: Uber, Grab không được công nhận tại Thái Lan.

Tuyên bố được đưa ra sau hàng loạt cáo buộc cho rằng, taxi công nghệ phá giá, xáo trộn thị trường vận tải, gây phức tạp an ninh trật tự.

Đáp lại, Grab khẳng định, sẽ nỗ lực để thuyết phục chính phủ. Và trên thực tế, suốt 2 năm kể từ tuyên bố của Bộ Giao thông Thái Lan, dù hoạt động ngầm, không có luật quy định, Grab vẫn “sống khỏe” tại đất nước Chùa Vàng.

Grab vẫn chưa được phép hoạt động chính thức tại Thái Lan. Ứng dụng gọi xe này đang tìm mọi cách hợp tác với chính quyền địa phương để nhận được sự thừa nhận.

Một tài xế Grab Van cho hay, Grab vẫn chưa được phép hoạt động chính thức tại Thái Lan. Ứng dụng gọi xe này đang tìm mọi cách hợp tác với chính quyền địa phương để nhận được sự thừa nhận.

Trao đổi với PV VOVGT, Chuak-Toon, một nhân viên văn phòng làm việc tại khu trung tâm Chang Wat, thành phố Chiang-Mai, phía Bắc Thái Lan cho biết, anh không gặp rắc rối nào khi làm thêm bằng việc chạy Grab Car. Thu nhập của anh khoảng 10.000-20.000 Bạt (khoảng 7 triệu-15 triệu đồng) mỗi tháng.

“Khi lái Grab, xe của tôi cũng giống như mọi xe cá nhân khác. Tôi có thể chạy Grab bằng xe 4 chỗ, xe Van, và không có dấu hiệu nào để nhận biết Grab ở bên ngoài đâu. Vì nó chạy ngầm thôi, chưa có luật quy định nào cho Grab ở Thái Lan. Cứ thế chạy thôi”.

Ở Chiang Mai, ước tính có khoảng vài nghìn tài xế Grab như Chuak-Toon. Chính họ giúp các du khách có thêm lựa chọn di chuyển, phần nào khắc phục được điểm yếu về giao thông công cộng ở thành phố này.

Sở dĩ Chiang Mai “bật đèn xanh” cho Grab là do, họ đang có ý định hợp tác với ứng dụng chia sẻ xe này. Chiang Mai, cùng với 6 tỉnh, thành phố khác vừa được điền tên vào danh sách các đô thị thông minh trong mô hình thí điểm của chính phủ Thái Lan. Nhưng bản thân thành phố này lại đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Đây chính là cơ hội vàng cho Grab trong nỗ lực tiến gần hơn với chính quyền xứ Chùa Vàng!

Những chiếc Tuk-tuk truyền thống đang dần được thay thế bởi Grab Tuk-tuk chạy điện tại Chiang Mai, Thái Lan

Những chiếc Tuk-tuk truyền thống đang dần được thay thế bởi Grab Tuk-tuk chạy điện tại Chiang Mai, Thái Lan

Tháng 6/2019, Grab ký biên bản ghi nhớ với TP Chiang Mai để thành lập “Liên minh Di chuyển thông minh Chiang Mai”, một dạng liên kết đầu tiên ở thị trường Đông Nam Á của Grab. Ngay sau đó, Grab ra mắt dịch vụ Xe điện Tuk Tuk có thể đặt thông qua ứng dụng.

Anh Kha-li-ak, một trong những tài xế Grab-TukTuk đầu tiên ở Chiang Mai cho biết, loại xe điện này rất tiết kiệm nhiên liệu, giúp tài xế nâng cao thu nhập:

“Nếu dùng xăng dầu thông thường, thì tôi đi hết 100 Bạt/ngày, khoảng 3.000 Bạt/tháng. Còn bây giờ, tiền sạc điện chỉ tốn khoảng 500 Bạt/tháng”.

Với Grab, đây có thể coi là phép thử với chính phủ Thái Lan về việc ứng dụng này có được hoạt động chính danh hay không. Còn với Chiang Mai, như lời Phó Thống đốc Wirun Panthewee, sự kiến giúp thành phố tiến gần hơn tới thành phố thông minh, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Cũng như Grab ở Thái Lan, Go-Jek và các ứng dụng chia sẻ xe ở Indonesia từng lâm vào tình cảnh tương tự. Năm 2015, cựu Bộ trưởng GTVT Indonesia Ignatitus Jonan ký lệnh cấm toàn bộ các ứng dụng gọi xe với lý do: không đủ điều kiện để trở thành phương tiện vận tải công cộng.

Phải đến năm 2016, Indonesia mới xây dựng một bộ luật giúp các công ty taxi, dịch vụ cho thuê xe và các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe có thể cùng tồn tại.

Động lực để chính phủ Indonesia có bước đi như vậy xuất phát từ thực trạng phức tạp của thị trường vận chuyển khách, cũng như từ chính nỗ lực xích gần lại nhau của Ứng dụng chia sẻ xe và các loại hình vận chuyển truyền thống.

Năm 2017, Go-Jek và Blue Bird – Tập đoàn taxi truyền thống số 1 Indonesia cùng ra mắt ứng dụng Go-Blue Bird. Hành khách có thể đặt hàng chục nghìn xe taxi thương hiệu Blue Bird bằng ứng dụng Go-Jek.

Ông Nadiem Makarim – CEO kiêm nhà sáng lập Go Jek chia sẻ:

“Đây là ví dụ cho sự hợp tác tốt, dài lâu vì lợi ích cộng đồng, vì người lao động ở những lĩnh vực phi chính thức, và là động lực để cả hai công ty chúng tôi cùng phát triển”.

Gojek và Blue Bird chấm dứt cuộc chiến giữa taxi công nghệ với các loại hình vận chuyển khách truyền thống ở Indonesia bằng thỏa thuận hợp tác ra mắt dịch vụ Go- BlueBird

Gojek và Blue Bird chấm dứt cuộc chiến giữa taxi công nghệ với các loại hình vận chuyển khách truyền thống ở Indonesia bằng thỏa thuận hợp tác ra mắt dịch vụ Go- BlueBird

Trong khi đó, ông Adrianto Djokosoetono – Giám đốc Blue Bird cũng rất kỳ vọng vào việc hợp tác này:

“Cả Blue Bird và Go-Jek đều có chung sứ mệnh mang lại sự thuận tiện và hiệu quả cho khách hàng. Tôi hy vọng, Go-Blue Bird sẽ thu hút nhiều hơn nữa khách hàng và khuyến khích các tài xế hoàn thành tốt sứ mệnh của mình”.

Chứng kiến việc hạ nhiệt căng thẳng giữa các công ty, Bộ trưởng Bộ GTVT Indonesia Budi Karya Sumardi tỏ ra khá hài lòng. Ông cho rằng, các loại hình vận tải khác nhau hoàn toàn có thể chung sống, tạo ra thị trường lành mạnh theo đúng định hướng đã đưa ra.

Tại Việt Nam, Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải trải qua 11 lần dự thảo nhưng còn nhiều điểm gây tranh cãi về việc đối xử như thế nào với các ứng dụng gọi xe?

Hy vọng, các nhà làm chính sách có thể xây dựng được một bộ luật hài hòa lợi ích các bên, để các loại hình kinh doanh khác nhau cùng tồn tại, phát triển và đóng góp vào mục tiêu “Giao thông thông minh” mà các đô thị lớn ở nước ta đang hướng đến.