Đi xe máy buông hai tay, đóng bảo lãnh phương tiện tới 8 triệu đồng

12/05/2020 11:40 894

Phương tiện có thể bị tạm giữ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm giao thông với thời gian tạm giữ tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt

Theo Luật sự Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, căn cứ quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc tạm giữ phương tiện chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, chỉ cần phát sinh trường hợp thật sự cần thiết phải tạm giữ phương tiện thì cho dù là lỗi vi phạm nào thì phương tiện vẫn có thể bị tạm giữ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, vẫn có một số lỗi được quy định cụ thể về việc sẽ bị tịch thu phương tiện; phương tiện có thể bị tạm giữ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm giao thông với thời gian tạm giữ tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Vậy, mức tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện được tính như thế nào khi người vi phạm bị tạm giữ phương tiện với những lối nêu trên?

Trao đổi với PV Kênh VOV Giao thông, Luật sư Phạm Thành Tài cho biết: "Căn cứ theo Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định, thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm."

Ví dụ cụ thể, đối với trường hợp “mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm”, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe (Điểm a Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Như vậy mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt cho một hành vi “buông cả hai tay khi đang điều khiển xe” là 8.000.000 đồng.

Còn đối với trường hợp “thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm”, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mắc 2 lỗi gồm: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) có mức phạt từ 4.000.000-5.000.000 đồng và điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh (Điểm d Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) có mức phạt từ 6.000.000-8.000.000 đồng thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm là:  13.000.000 đồng (tổng của 5.000.000 đồng và 8.000.000 đồng).