Họa sĩ Dương Bích Liên - Một ánh chớp thầm lặng

18/07/2024 15:06 538

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên, sáng 13/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra chương trình Art talk “Họa sĩ Dương Bích Liên -...

Trong nhóm Tứ kiệt của nền hội họa nước nhà: “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), họa sĩ Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông muốn lặng lẽ dâng đời mình cho nghệ thuật, lặng lẽ sáng tạo cho cuộc đời những tác phẩm đẹp.

Họa sĩ Dương Bích Liên dành tất cả thời gian làm nghệ thuật của mình để nghiên cứu các phong cách, trào lưu nghệ thuật thế giới. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn mầu và chì than. Ông thiên về vẽ chân dung. Nhìn vào những tác phẩm Dương Bích Liên để lại có thể dễ dàng nhận thấy, mảng đề tài Chân dung thiếu nữ của Dương Bích Liên được xem là thành công hơn cả.

Tác phẩm "Cô Mai" bằng chất liệu sơn dầu Tác phẩm "Cô Mai" bằng chất liệu sơn dầu

Chia sẻ tại sự kiện, Họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) - người có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với “Tứ kiệt: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" cho biết, phong cách hội họa của Dương Bích Liên kiên định với cái nhìn duy mỹ, hoài cảm với ký ức. Tranh của ông là một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Dấn thân vào lý tưởng của mình, Dương Bích Liên tham gia kháng chiến và cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho nghệ thuật. Những kỷ niệm kháng chiến được ông lưu giữ, đặc biệt là những tháng ngày ở chiến khu, được nung nấu hàng thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê Họa sĩ Đặng Thị Khuê

Dương Bích Liên là bậc thầy về hình họa cổ điển. Hình của ông không táo bạo quả quyết như Nguyễn Sáng, không xô lệch như Bùi Xuân Phái, nó mực thước, ổn định mà không thô cứng, nó nhẹ nhõm mà vững chắc, siêu thoát bởi bên trong nét vẽ dụng công là tình cảm yêu mến thực sự của ông với đề tài. Ông vẽ sơn dầu giỏi, màu của ông trong trẻo, vang động. Sơn mài của ông với bút pháp nghiêng về hiện đại, chỉ trung thành với năm màu cơ bản truyền thống như sơn then, vàng bạc, son và cánh dán nên nó đậm đà bản sắc cổ kính, tạo ra phong cách rất Dương Bích Liên.

Nói về bậc tiền bối, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Nhớ đến họa sĩ Dương Bích Liên, không thể không kể đến các tác phẩm như “Chiều vàng”, “Mùa gặt”, “Hào”… và đặc biệt là tác phẩm “Hồ Chủ tịch qua suối”. Tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên cũng là đóng góp quan trọng, lưu giữ dung nhan đẹp đẽ của phụ nữ Việt qua thời gian... Ông là một họa sĩ tài ba, tâm huyết, ngay cả trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Sự nghiệp hội họa của Dương Bích Liên là một tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm "Bác Hồ qua suối" được họa sĩ Dương Bích Liên thể hiện trên chất liệu sơn mài là Bảo vật Quốc gia. Tác phẩm "Bác Hồ qua suối" được họa sĩ Dương Bích Liên thể hiện trên chất liệu sơn mài là Bảo vật Quốc gia.

Tên tuổi và sự nghiệp của họa sĩ Dương Bích Liên đã được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và tác phẩm sơn mài “Bác Hồ qua suối” của ông được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hoa-si-duong-bich-lien-mot-anh-chop-tham-lang-49223.vov2