Lê Thái Tổ - Vị vua lập quốc nhà hậu Lê

08/01/2021 11:09 28

Nhắc đến Lê Lợi, người dân đất Việt đều thuộc nằm lòng những câu chuyện về ông. Từ một người nông dân, Lê Lợi đứng lên tập hợp nhân dân đánh đuổi quân xâm...

Đầu thế kỷ 15, nhà Minh xâm lược Đại Việt, nhà Hồ tổ chức cuộc kháng chiến chống nhà Minh nhưng thất bại và đến năm 1414 về cơ bản nhà Minh đã bình định được Đại Việt.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, trên địa bàn của núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa diễn ra một cuộc hội thề mà sử sách gọi là hội thề Lũng Nhai giữa Lê Lợi và những người cùng chí hướng. Thông tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hiền tài đã thu hút các anh hùng hào kiệt ở khắp mọi miền đất nước. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa.

Giai đoạn đầu tiên, nghĩa quân chỉ có vài ngàn người, hoạt động chủ yếu ở vùng núi Thanh Hóa. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Các tướng Lê Lai và Lê Thạch tử trận. Quân Lam Sơn lúc bấy giờ chỉ có thể thắng những trận nhỏ.

Nghĩa quân bắt đầu giành thế thượng phong khi Lê Lợi tiến quân ra đất Nghệ An vào năm 1424. Sau nhiều trận đánh lớn với quân Minh, quân Lam Sơn giải phóng hầu hết vùng đất từ Thanh Hóa vào Thuận Hóa. Đặc biệt, với chiến thắng quyết định trong trận Tốt Động – Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được được thế chủ động trên chiến trường.

PGS.TS Hoàng Thanh Hải, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa cho rằng: chiến thắng Tốt Động - Chúc Động cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến cục diện của cuộc kháng chiến chống nhà Minh

Tiếp nối thắng lợi, cuối năm 1427, quân Lam Sơn triển khai chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang, đánh tan tác lực lượng viện binh quân Minh, buộc tướng chỉ huy quân Minh trên đất Việt cũ là Vương Thông phải xin giảng hòa và được phép rút quân về nước.

Và như ý kiến của PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ, trận Chi Lăng - Xương Giang gần như là trận quyết chiến để dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Lợi chính là linh hồn của cuộc khởi nghĩa này.

Với tài dùng binh, ông không chỉ tập hợp lực lượng từ những anh hùng hào kiệt mà ông còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc trong nhân dân. Lê Lợi là người chỉ đạo chiến lược kiệt xuất.

Lăng mộ vua Lê Thái Tổ ở Thanh Hóa

Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi đã sai Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, tuyên bố nước Đại Việt đã được khôi phục. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, đổi quốc hiệu từ Giao Chỉ tồn tại dưới thời nhà Minh trở thành Đại Việt, đổi kinh thành Thăng Long trở thành Đông Kinh. Dù chỉ tại ngôi có 6 năm nhưng Lê Lợi chính là người xây dựng nền tảng ban đầu cho nhà hậu Lê.

Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ, vua Lê Thái Tổ đã kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống quan chế, quan chức, pháp luật... Quan trọng nhất là những biện pháp về kinh tế, phục hồi sản xuất nông nghiệp, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền. Điều này đã tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho quốc gia Đại Việt.

Mặc dù thời gian trị vì không dài lại trong hoàn cảnh đất nước, vương triều còn ở giai đoạn phôi thai nhưng rõ ràng Lê Lợi đã làm nhiều việc hết sức quan trọng cho đất nước, cho nhân dân. Dù nhà hậu Lê sau này cũng trải qua không ít những thăng trầm nhưng vị vua lập quốc Lê Thái Tổ đã chấm dứt 20 năm thống trị của nhà Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, mở ra một thời kỳ độc lập của dân tộc với một triều đại kéo dài gần 400 năm sau đó.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-thai-to-vi-vua-lap-quoc-nha-hau-le-23907.vov2