Luật di sản văn hóa (sửa đổi): Để di sản văn hóa trở thành nguồn lực phát triển
Sáng nay, nhiều vấn đề của dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) như: Xã hội hoa nguồn lực để bảo tồn di sản, tạo cơ chế cho “hồi hương cổ vật”, khuyến khích
Các đại biểu đều nhất trí cao việc phải sửa đổi Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Bởi qua hơn 20 năm có hiệu lực, Luật Di sản văn hóa đã bộc lộ một số những bất cập, một số nội dung chưa có tính định hướng cụ thể. Chính vì thế, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển.
Thực tiễn diễn ra trong lĩnh vực di sản đòi hỏi cấp thiết có những sửa đổi, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn thì việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa là vô cùng cần thiết.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng còn khá nhiều điểm nghẽn về chính sách về pháp luật để huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước cùng tham gia quá trình bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa. “Việc tháo gỡ nguồn lực cho di sản không chỉ liên quan đến một luật ví dụ như luật di sản mà còn liên quan đến nhiều luật khác nhau. Chính yếu tố này khiến cho việc sửa đổi luật di sản lần này phải kết nối với việc sửa đổi các luật khác hay là chúng ta cũng phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau thì mới có thể huy động được nguồn lực xã hội”.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Ở nước ta hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền, nhiều bảo tàng không phát huy được hiệu quả, công tác lưu trữ có khi dẫm chân vào hoạt động bảo tàng, bảo tồn di sản… Chính vì thế, làm thế nào để hài hòa được vấn đề bảo tồn và phát triển là bài toán khó cần phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, ở các địa phương cụ thể. Tại dự thảo Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, các vấn đề đã được cụ thể hóa. Đơn cử, như khuyến khích các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có các cơ chế để huy động tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Mở đường, tăng cơ chế, chính sách cho “hồi hương cổ vật”.
Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), việc đăng ký di vật, cổ vật được quy định tại Điều 39, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Quy định này là cần thiết để dễ dàng quản lý, nhận diện, hình thành bộ dữ liệu di sản, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký.
Chính sách “hồi hương cổ vật” cũng là vấn đề được nhiều đại biểu cho rằng hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm lưu giữ niềm tự hào và truyền thống lịch sử dân tộc, nên đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cơ chế khuyến khích, động viên hoạt động này bằng việc điều chỉnh quy định thuế…
Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.
Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tình Hải Dương cũng cho rằng chính sách “hồi hương cổ vật” hết sức có ý nghĩa và đúng với tinh thần “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Thời gian qua do hoàn cảnh lịch sử, do chiến tranh,… nên hiện nay có nhiều cổ vật quốc gia đang nằm rải rác ở nước ngoài. Chính sách “hồi hương cổ vật” là hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm lưu giữ niềm tự hào dân tộc và truyền thống lịch sử.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bảo tàng tư nhân
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại hội trường sáng nay là hoạt động của bảo tàng tư nhân. Chính sách đối với bảo tàng tư nhân được quy định tại Chương 5 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đây là chương mới, các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng.
Hiện nay hệ thống bảo tàng đã phát triển với gần 200 bảo tàng, trong đó có tới 70 bảo tàng ngoài công lập đang bảo quản, trưng bày và phát huy trên 4 triệu hiện vật là cổ vật, di vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, Quốc gia. Đặc biệt, các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú, đã mở ra một xu thế mới tạo ra sự đa dạng trong quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển. Hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập. Bên cạnh đó, các bảo tàng tư nhân cũng gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập được quy định tại khoản 2 Điều 64 vẫn còn chung chung. Điều này sẽ gây khó cho các cá nhân, doanh nghiệp xin mở bảo tàng. Đại biểu đề xuất “Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng nhưng đồng thời tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý”.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Các vấn đề: Bổ sung quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của công viên địa chất; Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để khuyến khích cho những nỗ lực vượt bậc của các thành phố đã được vinh danh ; Bổ sung quy định cụ thể về chính sách bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số; Xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích hay thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa cũng được thảo luận sôi nổi tại hội trường.
Có thể nói, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhận được nhiều sự kỳ vọng bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, đồng thời điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/luat-di-san-van-hoa-sua-doi-de-di-san-van-hoa-tro-thanh-nguon-luc-phat-trien-48964