Người gìn giữ và nâng tầm cánh diều sáo Việt Nam ra thế giới
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm, người đã gìn giữ, nâng niu cánh diều sáo làng Bá Dương Nội, đưa nghệ thuật chơi diều của Việt Nam lan tỏa đến bạn bè qu...
Năm nay, ở tuổi 77 nhưng Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm vẫn tràn đầy nhiệt huyết với cánh sáo diều cổ. Sinh ra và trưởng thành tại vùng đất cổ Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm đã được đắm mình trong truyền thống chơi sáo diều, thả diều từ các thế hệ ông, cha và của làng. Được trao truyền những kinh nghiệm quý báu về làm diều, thả diều, ông đã tiếp tục phát huy thú chơi dân gian này trong đời sống đương đại với mong ước gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Năm 2005, ông Nguyễn Hữu Kiêm vinh dự được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhiều năm liền, ông được Ban tổ chức Liên hoan Diều quốc tế mời đích danh tham gia các cuộc thi, qua đó, đưa những cánh diều, tiếng sáo diều độc nhất vô nhị của Việt Nam tung bay, gây tiếng vang trên bầu trời quốc tế. Với những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 12 năm 2022, ông tiếp tục vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và hiện là Nghệ nhân Nhân dân duy nhất trong loại hình này.
Nghe câu chuyện về Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm tại đây :
00:00 29:22Phóng viên: Thưa Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, trước hết, ông có thể cho biết, niềm đam mê đối với cánh sáo diều của ông bắt đầu từ khi nào ?
Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Hữu Kiêm: Tôi rất vinh dự và may mắn được sinh ra và lớn lên ở một quê hương có truyền thống chơi diều. Người dân làng Bá Giang (từ các cháu từ bé 9-10 tuổi cho đến các cụ già) đều thích chơi diều. Tôi thì chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ cha ruột của mình, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngọ. Cụ là người có rất nhiều tài hoa, rất đam mê chơi diều và cũng có bàn tay khéo. Diều của cụ có hình dáng rất là đẹp và tiếng sáo hay. Dân làng rất nhớ đến cánh diều và tiếng sáo của cụ. Được sinh ra trên quê hương như thế nên tự nhiên niềm đam mê và yêu thích đã ngấm vào tôi lúc nào không hay.
Phóng viên: Có một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng nói rằng, ở mỗi địa phương, sáo diều thường gắn với những tích truyện dân gian rất thú vị. Vậy thì ở làng Bá Dương Nội có không và câu truyện đó là gì ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Ở làng Bá Giang chúng tôi, các cụ kể lại rằng, ngày xửa ngày xưa trời và đất còn giao hòa nên bầu trời và trái đất rất gần gũi nhau. Mỗi khi dưới đất có những Lễ hội thì các nàng tiên, người nhà trời thường hay xuống dự hội cùng. Đến một ngày bỗng trời long đất lở, tối tăm mịt mù và bầu trời cứ cao lên mãi. Từ đó, người nhà trời đã không còn xuống với người trái đất nữa. Người trái đất rất nhớ người nhà trời nhưng không làm thế nào để mà liên lạc được thì mới nghĩ ra cách là làm ra cánh diều bay lên.
Cánh diều như là sợi dây nối liền giữa trời và đất. Nhưng mà, chỉ có cánh diều thì nó cũng đơn lẻ nên mới gắn vào đấy những ống tre, ống trúc nhờ gió phát ra những tiếng kêu giống như lời mời gọi người nhà trời xuống với trái đất. Cái diều sáo ra đời là như vậy. Đây là một câu chuyện dân gian, hư cấu thôi nhưng mà trong đó bao hàm rất sâu về nguyện vọng, tâm tư tình cảm của con người đối với thiên nhiên, con người với trời đất.
Phóng viên: Trong rất nhiều năm trời, ông không chỉ dành thời gian phục dựng, gìn giữ và phát huy cánh sáo diều truyền thống mà còn nghiên cứu rất sâu về thú chơi này. Điều này đã gây ngạc nhiên lớn đối với nhiều người bởi trước đây chưa từng có ai làm như vậy cả. Vậy qua quá trình nghiên cứu, ông thấy sáo diều làng Bá Dương Nội có điều gì đặc biệt ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Quê hương Bá Dương Nội chúng tôi thích chơi diều, làm diều và còn có cả một Lễ hội thả diều từ xa xưa vào ngày rằm tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội đã được các nhà văn hóa Việt Nam cũng như thế giới đánh giá rất là cao. Có một điều người Bá Giang khác những những nơi khác là chúng tôi thích làm diều, chơi diều nhưng không mưu sinh về diều, không phải dùng diều để kiếm sống mà chỉ thích làm diều chơi, qua vụ là có thể bỏ, đến năm khác lại chơi, nó đặc biệt thế.
Khái niệm chơi diều ở Bá Giang chúng tôi thì nó đã sâu đậm vào con người của làng Bá rồi. Mỗi khi Lễ hội thả diều thành công, diều bay cao, tiếng sáo kêu hay thì coi như năm đấy là sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu tán. Đấy là văn hóa tâm linh và văn hóa tín ngưỡng của con người ở đây, cho nên người ta rất hào hứng đến ngày rằm tháng Ba được mở hội thi diều, toàn dân tham gia.
Những cánh diều sáo rất đẹp của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu KiêmPhóng viên: Tôi được biết trước đây ông vốn công tác trong ngành diện lực và việc được đi đây đi đó để làm công trình cũng chính là dịp để ông có cơ hội tìm hiểu và sưu tầm cánh sáo diều của nhiều địa phương ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Thực ra nó là cái thú, cho nên đi vừa tìm hiểu, vừa học hỏi. Tôi đã có điều kiện đi các vùng quê Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.... những nơi mà nghe nói ngày xưa các cụ có chơi diều thì tôi tìm đến. Thấy là nơi nào có diều thì mình học hỏi, động viên thêm người dân ở đấy chơi diều, nó cũng có cái thú, mỗi một nơi có một nét chơi riêng. Từ những năm 2003-2010, đi đến các vùng quê, tôi đã sưu tầm được rất nhiều những bộ sáo của các cụ để lại.
Điều thú vị ở đây là khu vực Nghi Xuân - Hà Tĩnh sáo ở đấy rất là đặc biệt; Thái Bình, Lạng Giang - Bắc Giang; Kinh Môn - Hải Dương; Hải Phòng... mỗi một vùng quê cũng những nét riêng độc đáo. Tại sao mà tôi muốn đi sâu và bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu? Thực ra cũng vì truyền thống yêu sáo diều của quê hương, gia đình nên nghe thấy ở đâu có chơi diều là sướng lắm, thích lắm, muốn được đến xem người dân ở đó chơi như thế nào. Chính vì vậy đến bây giờ mới có một cái vốn gọi là hiểu biết về diều, hiểu về sáo diều và cách chơi như thế nào, lễ hội ở mỗi vùng có cái gì đặc biệt.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm giới thiệu về một số bộ sáo mà ông làm và sưu tầm ở một số địa phương
Phóng viên: Để làm được một chiếc diều bay và đứng, đẹp mắt đã là khó, huống chi lại còn gánh thêm cả một dàn sáo nặng phía sau. Điều này chắc hẳn phải có bí quyết và kỹ thuật đặc biệt nào đó, thưa nghệ nhân ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Vẫn cứ học tập của các cụ ngày xưa thôi. Vật liệu thì vẫn bằng ống tre, ống nứa nhưng riêng sáo thì phải bằng ống tre càng già càng tốt. Mặt sáo thì thường làm bằng gỗ vàng tâm vì nó nhẹ, mềm, dễ làm, dễ đục khoét và không bị nứt nẻ khi gặp trời nắng to. Các cụ cũng truyền lại là lấy được những cây tre già, tự chết nhưng mà cũng đừng ải quá thì mình lấy làm sáo sẽ đanh, tiếng rất hay.
Tre để làm khung diều cực kỳ quan trọng. Phải dùng tre ta, tre gai vì nó đặc thớ, rất cứng nhưng lại rất dẻo, độ đàn hồi tốt thì khi lên gặp gió to sẽ không bị gãy. Thường tre phải chặt vào mùa Đông, tầm tháng 9-10. Tre mùa Đông rút nước, khô thân, còn nếu chặt vào mùa Hè nó rệu thịt, lên là nó gẫy ngay, nó ải lắm. Tre chặt về phải gác lên chỗ cao ráo, 3 tháng sau đem xuống chẻ ra để làm nan thì sẽ được những bộ xương diều rất là tốt. Cẩn thận lắm, trò chơi cũng lắm công phu là như thế. Được những bộ xương tre như thế là rất quý. Để con diều lên cao và đứng thì vật liệu phải chuẩn và người làm kỹ thuật cũng phải chuẩn.
Bộ sáo từng được Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm tham gia nhiều Festival diều trong nước và quốc tếPhóng viên: Không ngờ làm được một cánh diều sáo lại cầu kỳ như thế. Vậy thả diều vào thời tiết nào để diều đứng và sáo kêu hay chắc cũng không phải đơn giản, thưa ông ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Để chơi được sáo diều cho chuẩn thì thường là có độ gió cấp 3 hoặc cấp 4 thì sáo sẽ kêu tốt nhất, nhưng nếu quá hơn thì cũng khó, diều không đứng được mà sáo cũng khó kêu. Ở phía Bắc, kinh nghiệm của các cụ ngày xưa là thả vào cuối Xuân đầu Hạ. Đặc biệt, trong mùa Hạ thì có gió Đông Nam, gió từ ngoài biển thổi vào, gió đấy trên cao, ổn định, nó không phải là gió giật thì cánh diều nó đứng, sáo nó kêu và đổ hồi du dương lúc bổng, lúc trầm thể hiện được cái âm của nó. Còn các mùa khác gió Đông Bắc bị xoáy, gió giật thì chắc chắn tiếng sáo cũng không hay. Cho nên, ở đồng bằng trung du Bắc Bộ thả diều vào cuối Xuân đầu Hạ là tốt nhất.
Phóng viên: Quan sát việc chế tác và thú chơi diều thì thấy rằng, dường như ở mỗi địa phương lại có bí quyết riêng của mình, đặc biệt là sáo. Có chỗ chỉ chơi sáo 1, sáo đôi, nhưng lại có nơi sáo dàn, to nhỏ khác nhau. Ông có thể giải thích về điều này được không ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Mỗi một vùng cách chơi khác nhau, cách thể hiện và cách làm khác nhau. Ở làng Bá chúng tôi nghệ nhân trong làng mỗi một người làm ra cái sáo nó đã có tiếng kêu khác nhau rồi. Không của ai giống của ai đâu. Một nét cơ bản mà tôi thấy và đúc rút được là từ vùng Việt Trì dọc theo Đồng bằng Châu thổ sông Hồng cho đến Thái Bình ra đến biển thì khu vực này người dân chơi diều gần như nhau, cánh diều không có đuôi, diều thường ngắn và chơi sáo đơn, sáo đôi hoặc sáo 3 là cùng thôi.
Từ mạn Lạng Giang dọc theo xuống Phả Lại, Kinh Môn - Hải Dương, xuống Kiến An - Hải Phòng thì các cụ lại chơi sáo dàn, phải sáo 5 trở lên, nó như một dàn kèn. Đi sâu vào trong miền Trung đến Nghi Xuân - Hà Tĩnh thì sáo ngắn hơn sáo ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tiếng rất đanh. Cách chơi ở mỗi vùng miền khác nhau là ở chỗ đó. Bá Giang chúng tôi hiện nay vẫn duy trì truyền thống diều không đuôi và sáo 3 trở xuống thôi. Không phải là các cụ không làm nhiều sáo đâu mà cái cách chơi là như thế.
"Ở làng tôi, chiều đến có một cánh diều bung lên không trung, tiếng sáo nó phát ra là biết ngay đấy là của nghệ nhân nào. Tinh đến mức độ như thế. Các cụ có câu rằng, làm diều đã khó, làm sáo còn khó hơn nhiều, có người chơi cả đời cũng không có bộ sáo hay...".
- Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm -
Phóng viên : Để gìn giữ và phát huy được cánh sáo diều truyền thống thì ông là người đã tích cực vận động thành lập CLB sáo diều xã Hồng Hà. Điều này đã giúp cho cánh sáo diều truyền thống làng Bá Dương Nội được gìn giữ và lan tỏa như thế nào?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Thành lập CLB là điều rất cần thiết để hội tụ những người có đam mê với nhau, từ đó, tạo điều kiện giúp nhau, cùng nhau chia sẻ kỹ thuật để làm được những cánh diều và bộ sáo cho nó tốt. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2004, CLB thả diều truyền thống Hồng Hà được thành lập. Lúc bấy giờ chỉ có 15 người nhưng toàn là những người tâm huyết. Đây cũng là CLB được thành lập sớm nhất ở miền Bắc.
Năm 2005 được Trung ương Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam quyết định là địa chỉ văn hoá của Hội. Từ đấy, được sự động viên rất lớn của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa thì CLB chúng tôi dần phát triển, hiện tại đã có 35 thành viên. CLB vẫn hoạt động đều và đã đi giao lưu ở nhiều địa phương trên cả nước để cọ xát và học tập. Đến bây giờ, CLB đã có 3 Nghệ nhân Dân gian do TW Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng, 3 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân được Nhà nước phong tặng. Đấy là điều mà chúng tôi rất tự hào bởi chưa có một CLB diều nào trên cả nước mà số nghệ nhân được công nhận nhiều như thế.
Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm là thành viên Ban tổ chức Lễ hội thả diều tại Mỹ Đình. Trước đó, 5 lần Festival diều Quốc tế tổ chức tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ông đã được mời làm tư vấn cho thành phố. Ông cũng là thành viên tham gia thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa diều Việt Nam thuộc Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL; từng tham gia Festival diều Huế, Festival diều ở Thái Lan, Inđônêsia, Singapores, Malaysia, Pháp… Mỗi lần như thế, ông đều mang tinh hoa nghệ thuật chơi sáo diều của quê hương đi giao lưu, quảng bá và được bạn bè quốc tế thán phục, nể trọng.
Phóng viên: Thưa nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, những lần "mang chuông đi đánh xứ người" chắc hẳn là sẽ có nhiều điều thú vị. Nhất là lần tham gia Lễ hội diều lớn nhất hành tinh tổ chức ở Pháp thì cánh diều sáo của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận và đánh giá thế nào, thưa ông ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Trước đây, thế giới không hiểu hết diều sáo của Việt Nam đâu. Người ta chỉ biết đến cánh diều Huế nhưng mà cánh diều sáo mới là truyền thống của người Việt thì người ta lại ít biết. Cho nên, chúng tôi rất trăn trở và cũng phấn đấu làm sao để đưa được cánh diều sáo của mình ra nước ngoài.
Năm 2012, tôi và 4 bạn nữa được sang thả diều ở Lễ hội Diều lớn nhất hành tinh, tổ chức ở phía Bắc nước Pháp, gần biển Manche. Lễ hội này diễn ra 10 ngày liền, có 50 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Lúc đầu, người ta chưa hiểu, nói rằng diều Việt Nam còn rất là non yếu, thế nhưng, chỉ sau 1-2 ngày chúng tôi thả, người ta mới thấy và hiểu được sáo diều của Việt Nam nó kêu như thế nào. Sau đó, người ta đã đánh giá rất là cao và thậm chí nói rằng "Festival Diều thế giới từ nay trở đi không thể thiếu diều Việt Nam".
Đấy là điều mà chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đánh giá về diều thì cánh diều của chúng ta rất đơn sơ mộc mạc, chỉ là một cánh diều khung bằng tre hình thoi nhưng mà riêng cái sáo thì toàn thế giới tôi thấy không có nước nào có sáo diều như Việt Nam đâu. Đấy là cái đặc biệt nhất và đấy cũng là cái mà mình tự hào nhất.
Mang một cánh diều đi biểu diển ở nước ngoài thật không dễ bởi nó khá cồng kềnh...Và đây là cách mà Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm đã từng áp dụng
Phóng viên: Tôi đang tò mò là để tạo ấn tượng trước bạn bè quốc tế thì những cánh diều mà đoàn mang đi có điều gì đặc biệt ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Khi sang đó thả diều thì chúng tôi rất trăn trở với việc đem cánh diều nào? Đem sang như thế nào? Vì đó là lần đầu tiên được sang châu Âu tham gia Lễ hội thả diều lớn nhất hành tinh. Cuối cùng, chúng tôi đã làm một con diều là một lá cờ thần, bề mặt vuông 4x4m, khi thả lên trời nó là một lá cờ thần đặc trưng luôn. Để mọi người hiểu, chúng tôi còn đem theo một lá cờ thần thật và giải thích rằng, đây là lá cờ thần của Việt Nam, chúng tôi thường sử dụng trong những Lễ hội. Khi hiểu ra, người ta rất là kính phục.
Cái thứ 2, chúng tôi đã làm cánh diều chú Tễu cao 9 m, đường kính phồng ra là 1m50, có bờm tóc, cởi trần, đóng khố. Khi thả lên thì quả thật nó chả có giống một nước nào cả, nó là Việt Nam chính hãng. Còn cánh diều sáo thì đưa lên trên đó hình ảnh "Đám cưới chuột" trên nền tảng bức tranh Đông Hồ. Chúng tôi cũng phải đem sang cả bức tranh Đông Hồ để giải thích cho người ta rằng đây là hình ảnh truyền thống của Việt Nam chứ không phải là tự bịa đặt ra thì người ta hiểu và rất khoái, rất thích. Các phóng viên truyền hình và người dân vỗ tay ầm ầm.
Khi có các đoàn khách đến thăm nhà, Nghệ Nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm luôn vui vẻ hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật làm sáo diềuPhóng viên: Sau nhiều năm đeo đuổi, đam mê và cống hiến cùng cánh sáo diều truyền thống, điều mà ông cảm thấy tâm đắc là gì ?
NNND Nguyễn Hữu Kiêm: Từ bé, tôi đã rất thích và tâm huyết với thú chơi sáo diều. Cho đến bây giờ vẫn vậy, không có lúc nào rời được diều đâu, đó cũng là một điều rất là hạnh phúc với tôi. Rất may mắn là được Nhà nước phong tặng cho danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Tôi nghĩ cái này nó cũng quá giấc mơ và tưởng tượng của tôi rồi. Ngày xưa cũng chả nghĩ đến việc mình phải được cái này cái kia đâu.
Bây giờ, được Nhà nước quan tâm và có ghi nhận như thế thì tôi nghĩ rằng trách nhiệm của mình còn nặng nề hơn nhiều. Được Nhà nước công nhận thì phải xứng đáng với cái đó, phải nghĩ đến chuyện truyền dạy cho các cháu như thế nào? Hiện nay, tôi vẫn đang dạy cho hàng trăm cháu. Ngoài ra, tham gia cùng với các Viện Bảo tàng, với mục đích truyền đạt được cho thế hệ trẻ. Cái đấy tôi thấy rất là quan trọng. Chắc chắn là tuổi tác nó không thể chờ mình mãi được, nhưng thôi thì tôi xác định là còn sức khoẻ lúc nào thì sẽ tham gia hết mình, làm sao xây dựng, giữ gìn được cái thú chơi này. Mình cũng phải thấy được cái tự hào với thú chơi truyền thống của dân tộc mình để cho thế giới người ta thấy được.
Phóng viên: Xin cảm ơn Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm!
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-gin-giu-va-nang-tam-canh-dieu-sao-viet-nam-ra-the-gioi-45327.vov2