Phạm Hùng - Vị lãnh đạo tài năng mẫu mực

10/06/2022 09:59 514

Đồng chí Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình trung nôn...

Sinh ra ở một vùng đất Nam bộ giàu truyền thống, Phạm Hùng tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi 16 tuổi. Ông được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học năm 18 tuổi và được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi 19 tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng là lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản khi thành lập. Trong cao trào cách mạng những năm 1930-1931, đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt rồi xử trong vụ án 120 chiến sĩ cộng sản, bị tòa án đế quốc kết án tử hình.

Thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Phạm Hùng được đánh dấu bằng sự kiện ông lãnh đạo 3.000 người dân của xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho xử án và bắn chết tên Hương quản Trâu, một tay sai đắc lực của Pháp. Sau sự kiện này, đồng chí Phạm Hùng bị thực dân Pháp bắt và kết án ông với 2 án tù: 3 năm tù, 3 năm biệt xứ và một bản án tử hình. Do dư luận xã hội và cả dư luận trong chính giới Pháp đối với việc kết án tử hình một học sinh, nhất là cuộc vận động rầm rộ của Đảng Cộng sản Pháp đòi xóa bỏ án tử hình cho tù chính trị ở Đông Dương, đầu năm 1934, đồng chí Phạm Hùng được chuyển từ án tử hình sang tù chung thân và đày ra nhà tù Côn Đảo. Trong quãng thời gian bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, ông đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”.

Chị Phạm Ngọc Anh, thuyết minh viên khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng kể lại: Tại Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng đã trải qua 12 năm của "địa ngục trần gian" nhưng suốt quãng thời gian đó, đồng chí Phạm Hùng đã biến chốn lao tù của thực dân thành trường học cách mạng. Có rất nhiều câu chuyện về "bác Hai", "anh hai Hùng" (biệt danh thân thương mà mọi người đặt cho đồng chí Phạm Hùng trong thời gian này). Bác Hai đã rất nhiều lần lấy thân mình để che chở cho bạn bè, đồng chí. Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Côn Đảo được giải phóng, đồng chí Phạm Hùng được tín nhiệm cử đứng đầu Ủy ban phòng thủ Côn Đảo.

Cách mạng tháng 8 thành công, Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí khác được đón trở lại đất liền. Ông được chỉ định tham gia vào Xứ ủy Nam Bộ và năm 1946 được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ông được giao đảm nhận nhiều trọng trách như: Bí thư xứ ủy Nam Bộ, phó bí thư Trung ương cục miền Nam kiêm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ, Ủy viên bộ Chính trị, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng… Năm 1967, Phạm Hùng được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh cho biết: Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

"Trong chiến dịch Hồ Chí Minh thì tháng 4/1975, đồng chí Phạm Hùng nhận chức trách là chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Hùng có một khả năng là giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành dù là nhiệm vụ khó khăn. Trong chiến tranh đấu tranh cách mạng là như thế cũng hoàn thành xuất sắc. Đây là một con người rất là kiên cường", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Hùng cùng lãnh đạo Bộ Công an đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội (Xuân Quí Hợi - 1983)

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây… thế nhưng trên cương vị đứng đầu Chính phủ, ông đã cùng Trung ương Đảng làm hết mình để đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới để tiến lên. "Lúc đó kinh tế của Việt Nam vô cùng khó khăn, lạm phát tới 600-700%/năm cho nên đồng chí Phạm Hùng đã cùng với tập thể Hội đồng Bộ trưởng từng bước tìm ra các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam phát triển, ra khỏi cuộc khủng hoảng. Không may đồng chí mất đột ngột, nhận nhiệm vụ này chưa đầy một năm nhưng dấu ấn trong 9 tháng giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng rất đáng ghi nhận vì nó nằm trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn". 

Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển...

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/pham-hung-vi-lanh-dao-tai-nang-mau-muc-35508.vov2