Quạt giấy Canh Hoạch: Sức sống một làng nghề

15/03/2021 14:07 90

Người Canh Hoạch có câu: “Xuân phong hòa khí”, ý nói chiếc quạt giấy như linh hồn, là nguồn gió mát mẻ tạo khí hòa thuận, hưng thịnh cho cả làng. Nó không...

Ðối với người dân Việt, chiếc quạt là vật dụng gần gũi, thân quen trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ giúp xua đi cái nóng của những ngày hè oi ả mà nó còn trở thành đạo cụ phục vụ các nghi thức tôn giáo, là vật làm duyên của các thiếu nữ, chàng trai, thậm chí còn là vật bất ly thân của cụ già nông thôn vì chúng có thể thay nón che mưa, che nắng...

Chính từ tính chất đa dụng đó nên chiếc quạt giấy đã làm nên thương hiệu cho cả một làng nghề ở xứ Ðoài với những câu ca dao rất đỗi quen thuộc:

Hỡi cô thắt dải bao xanh

Có về Canh Hoạch với anh thì về

Canh Hoạch ít đất nhiều nghề

Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya.

Nằm cách Trung tâm Hà Nội chừng 30km, làng Canh Hoạch (còn có tên nôm là làng Vạc), thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai thời phong kiến không chỉ nổi tiếng với truyền thống khoa cử khi đã sản sinh ra 2 vị Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến - là những bậc hiền tài của đất nước mà còn là vùng đất của nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng, trong đó có nghề làm quạt giấy.

Đình làng Canh Hoạch nhuốm màu thời gian

Nghề làm quạt ở Canh Hoạch xuất hiện từ giữa thế kỷ 18 và hiện nay tại đình làng vẫn còn giữ được chiếc quạt cổ có niên đại gần 200 năm.

Ông Mai Văn Phuồn, hậu duệ của cụ Tổ nghề Mai Đức Siêu cho biết, chiếc quạt là vật thiêng nên được thờ trong cung cấm, là vật minh chứng cho sự tồn tại lâu đời, bền bỉ của nghề làm quạt làng Canh Hoạch cho đến tận ngày nay: “Dòng họ chúng tôi xuất hiện ở thôn này năm 1645. Cụ thủy tổ của chúng tôi là cụ Mai Hữu Hằng gốc ở Cao Lãm, Cao Thành, Ứng Hòa, cụ có 2 cháu nội được học hành tiến tới, đỗ Tiến sỹ và có bia ở Quốc Tử Giám. Đến đời thứ 5 thì có cụ Mai Đức Siêu là con cháu của cụ Hằng đã mang nghề quạt về cho dân Canh Hoạch và từ đó, dân Canh Hoạch có thêm thu nhập và phát triển ngày càng lớn mạnh”.

Chiếc quạt cổ được thờ trong Đình

Được cụ Tổ Mai Đức Siêu dạy dỗ nghề làm quạt, nhiều gia đình trong làng Canh Hoạch đã theo nghề và chẳng bao lâu cả làng đều làm quạt. Từ chỗ chỉ sản xuất để bán quanh vùng, dần dần quạt Canh Hoạch đã vượt ra khỏi cổng làng để đi nhiều nơi...

“Từ năm 1925 đến 1929, các cụ làng tôi làm 4 chiếc quạt để thờ thành hoàng làng. Xương quạt là nan cái làm bằng sừng trâu được gọt giũa và chạm khắc rất kỳ công. Thời kỳ năm 1950 đến 1954, giặc Pháp về chiếm đóng đình làng đã lấy đi 3 chiếc... Thời kỳ ấy, làng tôi từng đem quạt đi hội chợ để triển lãm mà ngày xưa gọi là đấu xảo thì cũng đã được tặng bằng khen của chính phủ Pháp” - Ông Đinh Phúc Nhạ, một người cao tuổi của làng tiết lộ.

Cũng theo ông Nhạ, còn một điều đặc biệt nữa trong ký ức mà người dân làng Canh Hoạch không thể nào quên, đó là vinh dự được làm một chiếc quạt để tặng Bác Hồ: “Năm 1946, nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, làng tôi làm một chiếc quạt phất bằng giấy dài 2 thước ta, các cụ gọi là quạt thước để biếu Bác. Sau đó thì Bác đã tặng lại cụ Hoàng Đạo Thúy, là Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Sau này, cụ Hoàng Đạo Thúy đã tặng lại cho Bảo tàng để lưu niệm”.

Chiếc quạt mà năm 1946 người dân làng Canh Hoạch tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Người

Theo ông Lê Văn Thứ, thợ làm quạt ở Canh Hoạch, để làm ra được một chiếc quạt phải trải qua khá nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ “Một cái quạt đẹp, chất lượng thì trước hết phải có tre già, ngâm thật kỹ nhằm tránh mối mọt và để được lâu dài. Nan quạt phải nhẵn, đẹp, đều nhau. Lớp hồ để gắn giấy và nan là loại nhựa cậy chứ không dùng keo, nhựa cậy lấy từ quả cậy xanh giã nát ngâm nước trong chung để một tháng lọc lấy nước thành nhựa cậy để dán quạt. Nhựa cậy được phết hai lần để tăng độ kết dính và chống mối mọt”.

Quạt làm xong được đem ra phơi nắng

Làng Canh Hoạch sản xuất ra nhiều loại quạt có mẫu mã khác nhau theo nhu cầu đặt hàng, tuy nhiên, loại quạt có hình lưỡng long chầu nguyệt; long, ly, quy, phượng; hoa sen; tùng, trúc, cúc, mai… được châm kim mới là truyền thống và được ưa chuộng nhất.

Ở làng Canh Hoạch, bà Mai Chị Choi được xem là giỏi châm kim nhất, mỗi chiếc quạt hoàn thiện nhìn chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật: “Nghề châm kim này thì ông cụ thân sinh tôi là người phát minh ra. Ông châm nhiều kiểu lắm. Từ lúc còn nhỏ tôi đã học cụ, rồi dần dần biết cách làm. Và tôi vẫn giữ nghề cho đến bây giờ...”.

Chiếc quạt châm kim chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật

Quạt làng Canh Hoạch giờ đây không chỉ sử dụng nguyên liệu giấy mà còn dùng cả vải, lụa để tăng độ bền, đẹp, để có thể vẽ tranh phong cảnh, viết chữ thư pháp theo các chủ đề khác nhau, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Vài năm gần đây, quạt Canh Hoạch còn trở thành đồ lưu niệm cho khách du lịch trong và ngoài nước. Dù vậy, đối với người dân thì vẫn cần có những đường hướng mới cho hành trình giữ nghề - dù có bấp bênh, thăng trầm nhiều nỗi.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/quat-giay-canh-hoach-suc-song-mot-lang-nghe-24994.vov2