Màu son gốm Quế
Ở Hà Nam, có lẽ làng Quyết Thành là nơi duy nhất có nghề làm gốm. Gốm Quyết Thành (còn gọi là gốm Quế) nhộn nhịp từ những năm 60, nhà nhà đỏ lửa nên mới có...
Cách thành phố Phủ Lý chừng 6 km về phía Tây Bắc, khi vừa đi qua cầu Quế, chúng tôi được chào đón bằng chiếc cổng làng khá lớn có dòng chữ “Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành”. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) gốm Quyết Thành vui vẻ giới thiệu: “Những năm 60 thì cả làng này có hơn 1 chục lò sản xuất nhộn nhịp lắm. Hàng hóa lúc ấy đi bằng đường thủy là chính, tàu thuyền cập bến lúc nào cũng dày đặc vào ra tấp nập”. Theo ông Phú, nét độc đáo của gốm Quyết Thành thì có nhiều, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chất đất: “Đất sét ở đây có nhiều khoáng chất nên độ dẻo rất cao. Chính vì vậy các sản phẩm làm ra cũng rất khác biệt so với những làng khác”.
Nghệ nhân cao tuổi đang làm gốm Quế
Trong khu xưởng sản xuất rộng rãi, chúng tôi gặp nghệ nhân Lại Văn Tiến đang miệt mài sáng tác một tác phẩm tượng thờ. Những hoa văn, họa tiết hình rồng, phượng nhìn vô cùng uyển chuyển và đẹp mắt: “Đất khai thác tại chỗ mà chỉ có vùng bán sơn địa này mới có đất sét vàng. Chất đất rất dẻo kết hợp với son nên khi cầm sản phẩm lên thì người ta sẽ biết ngay đây là của Quyết Thành, chỉ Quyết Thành mới có” - Nghệ nhân Lại Văn Tiến chia sẻ.
Sản phẩm gốm Quyết Thành hiện nay khá đa dạng và phong phú, từ các sản phẩm gốm dân dụng như: chum, vại, nồi niêu… cho tới những loại gốm mỹ nghệ tinh xảo trang trí hoặc đồ sinh hoạt trong nhà như: ấm trà, chén, đĩa, tượng thờ, linh vật… Tất cả đều được những người thợ chau chuốt tỉ mẩn, các đường chỉ, hoa văn họa tiết rất thật và sinh động.
Không khí lao động trong xưởng gốm Quyết Thành
Theo nghệ nhân Lại Văn Tiến thì quy trình làm ra sản phẩm gốm phải trải qua nhiều công đoạn từ ngâm đất sét trong bể, sau đó làm nhuyễn đất bằng giẫm chân hoặc máy nghiền. Đất nhuyễn được đặt lên bàn xoay tạo rồi tạo ra sản phẩm. Sau khi phơi khô thì sẽ đắp họa tiết, đánh bóng vào son, vẽ men và cuối cùng là đưa vào lò nung: “Nó không phải đơn giản lấy hòn đất lên xong ra thành sản phẩm. Phải biết nhiệt nằm ở chỗ nào để nó tồn tại và nằm chỗ nào nó không tồn tại, hoặc ra được mầu theo ý muốn. Chứ còn nếu chỉ làm cho xong việc thì sẽ không thể ra sản phẩm đẹp được”.
Còn theo ông Lại Văn Kiểm, một người thợ lâu năm của xưởng, thì gốm Quế nếu nung bằng công nghệ cổ truyền bằng than hoặc củi thì thời gian sản phẩm ở trong lò phải mất 15 ngày mới hoàn thành. Mỗi lò cần khoảng 10 tấn củi thì mới có được lượng nhiệt cần thiết: “Cấu tạo của lò gốm ở đây khác với mọi nơi. Nó từng bầu một, từng khoang một, sau khi khoang đầu tiên đốt xong thì nhiệt xông lên bầu trên, khoang trên tận dụng được nhiệt giữ lại. Mình muốn lấy được màu da lươn đẹp cần phải có củi khô, biết tầm nào phải đưa nhiệt lên để chảy men tự phát”.
Men của gốm Quế cũng là một điều đặc biệt, vì được khai thác trong lòng đất nên không hề có hóa chất độc hại. Theo nghệ nhân Lưu Văn Tiến, loại men này chỉ cần ngâm nước rồi bóp nhẹ trên tay sẽ ra một màu đỏ rất đẹp: “Đất men mang về giã ra hoặc nghiền nhỏ để nhúng vào sản phẩm. Đặc điểm của son khi qua nhiệt là không bao giờ bị mất màu nên hàng đưa ra thị trường phủ lên một lớp men rất đều và bắt mắt”.
Các sản phẩm được phơi nắng trước khi đem vào lò nung
Gốm Quế sau khi được nung chín khi thử va chạm vào nhau sẽ phát ra tiếng đanh như kim khí. Vì là đất sét tự nhiên nên các sản phẩm dùng để đựng rượu hay pha trà đều giữ được hương vị thơm ngon và có khả năng giải được độc tố.
Làm gốm là nghề "đánh bạc với giời", bởi vì trải qua rất nhiều công đoạn nhưng khi cho vào lò nung thì không ai nói hay được. Có nhiều lò thành công cho ra sản phẩm đẹp nhưng cũng có lò không may bị hỏng thì bao công sức coi như bỏ. Tuy nhiên, những người thợ làng Quyết Thành vẫn quyết tâm gắn bó, bám trụ với nghề, để thương hiệu “Gốm Quế” mãi vang xa.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/mau-son-gom-que-23129.vov2