Vũ Hữu - Thần đồng toán học ở thế kỷ XV
Ở thế kỷ thứ XV, nước ta có hai người giỏi toán, viết sách toán đầu tiên để lại cho đời sau là Trạng nguyên Lương Thế Vinh và Hoàng giáp Vũ Hữu.
Vũ Hữu (1437 – 1530), người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo TS Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học, từ thuở nhỏ, Vũ Hữu đã sớm bộc lộ trí thông minh, tư chất tinh anh. Tài tính toán nhanh và chính xác của ông đã làm sáng tỏ nhiều vụ việc tranh chấp, kiện tụng về đất đai trong làng. Năm Quang Thuận thứ 4 đời vua Lê Thánh Tông (Quý Mùi 1463), ông đỗ Hoàng giáp, khi đó ông mới 23 tuổi, và sau trở thành đại thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông.
Vũ Hữu đã kinh qua các chức vụ như Khâm hình viện lang trung, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo.
"Cả đời làm quan của mình, Vũ Hữu có tính cẩn thận, cần mẫn, sống rất liêm khiết nên luôn được vua tin dùng. Mặc dù về hưu năm 70 tuổi, đến năm 90 tuổi (1527), ông vẫn được vua cử mang cờ tiết đi phong vương cho Mạc Đăng Dung. Khi đó ông có tước là Tùng Dương hầu", TS Nguyễn Hữu Tâm cho biết.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/vu-huu-than-dong-toan-hoc-o-the-ky-xv-30264.vov2