Sắc gốm Mường Chanh
Đã có một thời, các sản phẩm gốm của đồng bào Thái Đen ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nổi tiếng khắp cả vùng đất Tây Bắc. Ngày nay, dù đã bị...
Các sản phẩm gốm của đồng bào Thái Đen ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã từng nổi tiếng khắp cả vùng đất Tây Bắc. Dù chỉ là những sản phẩm khá thô sơ, mộc mạc nhưng gốm Mường Chanh vẫn được yêu thích bởi độ bền cao và gần gũi với cuộc sống.
Gốm Mường Chanh có màu đặc trưng là xám đen
Nhưng thật đáng tiếc, Mường Chanh - nơi từng được coi là “thủ phủ” của gốm Tây Bắc giờ chỉ còn lại có 2 gia đình là còn giữ nghề, trong đó có gia đình bà Vì Thị Đanh. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu nên giờ đây, thi thoảng bà mới chạm tay vào đất để đỡ nhớ nghề.
Theo bà Vì Thị Đanh thì thời kỳ đỉnh cao, gốm Mường Chanh bán rất chạy và chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày như: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, muối dưa, đựng hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn và làm công cụ chăn nuôi gia cầm... “Tôi làm nghề gốm này từ năm 1977. Trước đây thì cả bản, cả xã làm. Có nhà làm không hết việc phải đi thuê cả người ngoài” - bà Vì Thị Đanh nhớ lại.
Rời nhà bà Vì Thị Đanh, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Phương, một thợ gốm khác của xã Mường Chanh. Tiếp chúng tôi, ông không khỏi bùi ngùi khi nhắc về “thời kỳ huy hoàng” của làng nghề: “Từ nhiều đời trước, tổ tiên của chúng tôi đã làm gốm rồi. Khi tôi sinh ra cũng thấy ông, thấy cha ngồi nặn gốm. Cả ngày làm chưa hết việc, ăn cơm tối xong lại tranh thủ ngồi nặn. Sau này, củi đốt lò ngày một hiếm nên nhiều người đã bỏ nghề”.
Thực tế, số người bỏ nghề làm gốm ở Mường Chanh không chỉ vì lý do thiếu củi đốt mà còn có một nguyên nhân khác, đó là đất. Đất làm gốm phải là loại đất sét dẻo, pha cao lanh có màu đen, vàng, hanh đỏ, tuy nhiên, bây giờ cũng không còn nhiều. Anh Hoàng Văn Mắn, cháu ông Hoàng Văn Phương cho biết, loại đất này ở Mường Chanh giờ vẫn còn, tuy nhiên, nằm khá sâu, phải đào bằng tay 5-6 mét mới lấy được một ít...
Công đoạn tạo hình và vuốt gốm
Theo ông Hoàng Văn Phương, kỹ thuật làm gốm Mường Chanh có những cái khác so với các nơi. Đất sau khi lấy lên phải lọc sạch tạp chất, sau đó sẽ cho vào cối gỗ giã cho thật mịn. Đến khi đất dẻo, nhuyễn thì sẽ cho lên một chiếc bàn xoay bằng thớt gỗ tròn có đường kính khoảng 40 cm đặt trên một trụ gỗ chôn chặt dưới đất rồi mới tiến hành nặn.
Sau khi rắc một lớp tro mịn chống dính, người thợ sẽ đặt một miếng đất hình vuông lên miết xung quanh cho dính chặt vào bàn xoay rồi dùng gậy gỗ tròn dát mỏng. Sau đó, sẽ dùng dao tre cắt đáy kết hợp với quay bàn xoay tạo thành một vòng tròn. Đáy làm xong thì đến công đoạn vê từng thỏi đất dài be dần lên phía trên. Trong quá trình làm phần thân sản phẩm, người thợ sẽ dùng những dụng cụ là “vi kiểng” và “vi cha” bằng gỗ, nhìn giống hình trăng khuyết để tạo hình và miết cho liền mạch.
“Khó nhất là khâu miết làm đẹp. Nặn lên hình mẫu thô sơ thì ai cũng làm được, nhưng miết không đúng kỹ thuật thì sản phẩm sẽ bị méo và không đẹp. Khi làm, tay bên trong và bên ngoài phải ăn khớp với nhau...” - ông Hoàng Văn Phương tiết lộ.
Đưa gốm vào lò chìm chuẩn bị nung
Sản phẩm sau khi đã thành hình sẽ tạo những đường hoa văn, họa tiết lên bề mặt, đợi khô kiệt thì đem nung. Anh Hoàng Văn Mắn cho biết, khác với những nơi khác, lò nung ở đây là lò chìm, tức là đào hầm sâu xuống dưới lòng đất và chỉ để một chiếc lỗ đủ để chui xuống đặt sản phẩm cần nung cũng như có chỗ đốt củi.
“Công đoạn nung này là quan trọng nhất, phải biết điều tiết nhiệt độ ở trong lò. Phải tăng dần dần thì mới được, nếu không sẽ hỏng và vỡ hết. Thời gian nung khoảng 48 tiếng mới xong”.
Nguyên liệu nung đốt chủ yếu là dùng củi
Làm thủ công và nung thủ công nên không phải lúc nào cả mẻ gốm cũng chín và đạt 100% như mong muốn, vì thế, mỗi sản phẩm gốm Mường Chanh lại càng đáng quý.
Nghề gốm Mường Chanh khi xưa là nghề chính nhưng bây giờ chỉ là nghề phụ. Công việc cũng vất vả nên lớp trẻ chẳng có mấy ai mặn mà muốn theo.
Những người như bà Đanh, ông Phương... nếu chẳng may khuất núi, gốm Mường Chanh không biết liệu có còn?
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/sac-gom-muong-chanh-23712.vov2