Bình đẳng giới và an toàn của phụ nữ khi tham gia giao thông công cộng

27/04/2020 16:06 838

Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng có nguy cơ cao bị quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng, theo nhiều hình thức khác nhau

Nhiều nước đã triển khai các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn khi đi lại cho nữ giới.

Vậy hiệu quả của những giải pháp này ra sao? Phụ nữ đã thực sự an toàn khi đi lại bằng phương tiện công cộng?

Một cô gái trẻ giấu tên, cho biết cô bị quấy rối tình dục ở bến xe buýt năm 17 tuổi. Hôm đó, cô trở về nhà một mình sau khi tham gia một bữa tiệc và đứng đợi tại một bến xe buýt ở phía tây London (Anh). Một người đàn ông khoảng 60 tuổi đi về phía cô và bắt đầu phô bày phần cơ thể tế nhị trước mặt cô. Hoảng loạn, cô chạy như điên tới bến xe buýt tiếp theo để bắt xe về nhà.

Cô bị ám ảnh suốt 10 năm qua, thời điểm đó cô thực sự không biết phải làm gì.

Thực tế, rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái gặp phải sự việc tương tự khi họ lựa chọn phương tiện công cộng để di chuyển.

Một cuộc khảo sát tại Anh mới đây cho thấy, 28% phụ nữ sử dụng phương tiện công cộng trong năm qua phải chịu những cái nhìn chằm chằm, những nhận xét về giới tính, đụng chạm cơ thể, lời nói khiếm nhã. Đáng chú ý, hơn 1/2 phụ nữ được hỏi cho biết họ “cố gắng bỏ qua” những điều này vì không biết phải làm gì.

Nghị sĩ Jess Phillips, cho biết những con số này không làm bà “ngạc nhiên” và kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn để giải quyết nạn quấy rối tình dục. Cùng với đó, các công ty cung cấp các dịch vụ công cộng như nhà ga, toa tàu và xe buýt cần phải có một địa chỉ để người dân có thể phản ánh, khiếu nại.

“Trong suốt thời đi học, tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc tương tự. Một lần, khi đi bộ ra bến xe buýt cạnh trường, một người đàn ông đứng ở công viên đối diện đã phô bày cơ thể trước mặt tôi và tất cả các bạn nữ khác. Khi ấy, chúng tôi không biết phải làm gì, cố gắng quên nó đi. Bây giờ, chúng ta cần chấm dứt việc cố gắng phớt lờ như vậy, cần phải báo cáo sự việc để chúng không còn tiếp diễn”.

Trong khi đó, tại Pháp, một báo cáo do Cơ quan giám sát tội phạm cho hay, hơn 260 nghìn phụ nữ là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2015. Hầu hết các trường hợp xảy ra khi phương tiện đang di chuyển nên nạn nhân không thể thoát thân.

Các chuyên gia cho rằng xã hội cần thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận về hành vi quấy rối tình dục, bởi trên thực tế, khi các cô gái lên tiếng, thì những người xung quanh lại khuyên nên bỏ qua; thay vì nói rằng “những kẻ quấy rối cần phải chịu trách nhiệm về hành động”.

Một bé gái kể lại câu chuyện gây ám ảnh của mình:

“Một người đàn ông ngồi cạnh cháu trên xe buýt. Khi đó, trên xe không còn khách nào khác. Ông ta đã bất ngờ cho tay vào trong áo len rồi luồn tay qua áo ngực của cháu. Cháu đã cố gắng đẩy tay ông ta ra khỏi người cháu nhưng không được. Và khi cháu kể chuyện này cho lái xe, người này nói với cháu là không thể giúp gì được. Sau đó, kẻ xấu kia rút tay lại rồi nói với cháu, phụ nữ có ngực, vì vậy họ có thể chạm vào nó”.

Một chuyến tàu chỉ phục vụ khách hàng nữ.

Được biết, nhiều quốc gia đã đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Iran, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Tiểu vương quốc các nước Arab, Mexico, xuất hiện các toa tàu điện, xe bus và taxi dành riêng cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, theo quan điểm của Rosario Carmona, một nhà báo người Mexico, thì đó không phải là giải pháp lâu dài. Vấn đề quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với nữ giới.

Tại Việt Nam, vấn nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng cũng diễn ra phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh của không ít người. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại Hà Nội và Tp.HCM, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt, những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt.

Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục, tăng cường tuần tra, kiểm soát…

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chỉ khi đưa ra được các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới thì mới giúp giải quyết tận gốc của quấy rối tình dục.