Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An

01/03/2024 09:24 708

Trong hai ngày mùng 8 và 9 Tết (17-18/2), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình Hội An tổ chức...

Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng cho biết, chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An” nhằm tạo cơ hội cho công chúng khám phá về Tết truyền thống và di sản văn hóa của Hội An. "Việc phối hợp với thành phố Hội An giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa nơi đây trong hành trình gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Chương trình mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, giúp tăng cường hiểu biết về Tết truyền thống nói chung và các di sản văn hóa của Hội An nói riêng. Từ đó, các bạn trẻ thêm hiểu, trân quý văn hóa truyền thống của cha ông và nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản trong xã hội đương đại”.

Bài chòi- loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời du khách không thể bỏ lỡ khi đến Hội An

Tham gia chương trình, người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống như: làm đèn lồng, làm gốm Thanh Hà, làm mộc Kim Bồng cùng các nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hò xứ Quảng, hát sắc bùa, diễn xướng Bả trạo cầu Ngư, trò chơi bài chòi của người dân đến từ Hội An. Các món ăn truyền thống cũng được giới thiệu đến công chúng qua hương vị của mỳ Quảng, Cao lầu, bánh đập, bánh bông hồng...

Ngoài ra, hoạt động sáng tạo điêu khắc gốc tre có nguồn gốc từ nghề mộc Kim Bồng cũng được trình diễn trong dịp này. Tất cả các hoạt động này sẽ được 40 người con của Hội An thể hiện trong chương trình năm nay.

Du khách trải nghiệm nghề làm gốm Thanh Hà

Đặc biệt năm nay chương trình có hoạt động Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản mở cửa miễn phí từ 17h30 đến 21h, ngày mùng 8 và 9 Tết (ngày 17 và 18/2/2024). Hoạt động này tạo cơ hội cho công chúng khám phá về nghệ thuật dân gian và nghề thủ công truyền thống gắn với khu phố cổ Hội An. Không gian phố cổ Hội An được tái dựng trong ánh đèn lồng rực rỡ gắn với hình ảnh các nghệ nhân đang làm gốm, mộc, đèn lồng, tượng gốc tre. Những người yêu thích hoạt động có thể tham gia trò chơi bịt bắt đập niêu, hô bài chòi, tập hát dân ca…

Ngoài ra, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu về Tết truyền thống và văn hóa của Hội An với sự hỗ trợ của công nghệ bằng các trải nghiệm qua màn hình tương tác và thi vẽ rồng khám phá về những đứa con của rồng… Du khách sẽ có những bức ảnh check-in ấn tượng tại không gian phố cổ Hội An ngay trong lòng Hà Nội.

Nghệ nhân làm đèn lồng Hội An

Một nét mới trong chương trình lần này là hoạt động áp dụng công nghệ trong việc khai thác và khám phá di sản văn hóa truyền thống. Công chúng có cơ hội tham gia Vui đón quà khám phá ý nghĩa Tết; QR Tour: Khám phá Tết Rồng trong không gian trưng bày của Bảo tàng; Tranh tài họa rồng và khám phá những đứa con của rồng... Các hoạt động vừa áp dụng công nghệ để tạo ra đa dạng trải nghiệm tương tác thu hút giới trẻ vừa lồng ghép giới thiệu các thông tin văn hóa liên quan. Qua đó đã truyền tải những ý nghĩa của các di sản văn hóa đến đông đảo công chúng một cách đơn giản, dễ hiểu.

Hoạt động STEM hướng dẫn các em nhỏ cách làm một số đồ chơi gắn với chủ đề Tết để tìm hiểu các kiến thức khoa học cũng được giới thiệu làm phong phú thêm các trải nghiệm. Các hoạt động này góp phần làm đa dạng hình thức tiếp cận công chúng trẻ tuổi để đưa di sản văn hóa đến với thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Lanh- PCT UBND thành phố Hội An Ông Nguyễn Văn Lanh- PCT UBND thành phố Hội An

Ông Nguyễn Văn Lanh- PCT UBND thành phố Hội An cho biết, Hội An rất trân trọng khi được tham gia sự kiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thông qua chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An” với sự tham gia của hơn 40 nghệ nhân đến từ Hội An, trong đó có chương trình đặc biệt “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản”.

"Chúng tôi đã cố gắng chắt lọc để giới thiệu, biểu đạt những giá trị rất bình dị nhưng tiêu biểu nhất của di sản văn hóa Hội An, Quảng Nam tại sự kiện này. Trong một không gian nhỏ sắp đặt mô phỏng hình hài một góc phố Hội An, chúng ta cùng nhau tham gia các hoạt động làm đèn lồng, làm gốm Thanh Hà, làm mộc Kim Bồng, tìm hiểu những làn điệu vừa dí dỏm vừa sâu lắng của những câu hò, điệu lý dân ca, diễn xướng Bả trạo cầu Ngư, trò chơi dân gian Bài Chòi, hay thưởng thức, chiêm nghiệm một Hội An “trăm vật trăm ngon” qua hương vị của Mì Quảng, Cao lầu, bánh đập, bánh bông hồng trắng...", ông Nguyễn Văn Lanh- PCT UBND thành phố Hội An chia sẻ.

Du khách nước ngoài thích thú xin chữ của ông Đồ

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An chia sẻ, đây là cơ hội tốt cho người dân Hội An giới thiệu di sản văn hóa của mình trực tiếp đến công chúng ở Thủ đô. "Chúng tôi mong muốn được tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của địa phương cũng như tạo ra những cơ hội giao lưu, hợp tác cho Hội An. Qua các hoạt động thiết thực này sẽ góp phần khẳng định những giá trị thủ công và nghệ thuật dân gian trong hành trình Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Hội An đến đông đảo du khách Việt Nam và quốc tế”.

Nghệ nhân giới thiệu nghề làm phỗng đất

Chương trình kỳ vọng đem đến sự hài lòng cho đồng bào Thủ đô vốn nặng lòng yêu mến và muốn tìm hiểu về văn hóa Quảng Nam, văn hóa miền Trung; đồng thời góp phần làm ấm thêm tình cảm và tâm thức hướng về cố hương của bà con phố Hội, bà con Quảng Nam xa xứ đang sinh sống tại Thủ đô. Đây cũng là dịp giới thiệu những nét đặc sắc của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian trong hành trình Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/vui-xuan-giap-thin-sac-thai-van-hoa-hoi-an-47103.vov2