Số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi. Đồng thời, giảm tối đa các phương tiện lưu...
Ở các quốc gia châu Âu và những nước gần gũi với chúng ta về mặt địa lý như Hàn Quốc, Nhật Bản... số hóa đã được áp dụng rộng rãi trong việc lưu giữ và bảo tồn di sản, giúp cho việc trưng bày, giới thiệu lịch sử trở nên sống sộng hơn. Còn ở nước ta, trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ thì việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn nữa. Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi, làm giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả trước đây...
Phóng viên VOV 2 đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL về nội dung này.
GS.TS Trương Quốc Bình trả lời phóng viên VOV 2
Phóng viên: Thưa GS.TS Trương Quốc Bình, là người gắn bó với với lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trong một khoảng thời gian khá dài, ông đánh giá thế nào về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong thời gian trước đây?
GS.TS Trương Quốc Bình: Trong thời gian vừa qua thì việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu. Nhờ có đường lối đúng đắn mà chúng ta đã tổ chức được cả một hệ thống các cơ quan bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương, huy động được sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia vào công cuộc hết sức là có ý nghĩa này. Từ đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, tôn tạo, trùng tu và phát huy giá trị, trở thành những di sản quan trọng.
Bên cạnh đó thì chúng ta cũng đã xây dựng được một hệ thống gần 200 bảo tàng từ trung ương đến địa phương đã và đang phát huy giá trị. Một trong những điểm nữa cần phải nhắc đến đó là sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là sau khi mà gia nhập UNESCO thì đã có những thành tựu đáng khích lệ, không những tôn vinh được giá trị của quốc gia dân tộc mà còn tôn vinh kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú và đa dạng.
Phóng viên: Dù nước ta có một hệ thống di sản văn hóa rất đồ sộ nhưng việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dường như chưa đáp ứng được sự mong đợi, thưa ông?
GS.TS Trương Quốc Bình: Thời gian qua chúng ta mới sử dụng những giải pháp rất là thủ công, rất là thông thường trong việc nghiên cứu về di sản và bảo tồn các di sản. Chúng ta từng phát động phong trào tổng kiểm kê di tích tức là đi đến từng đình, đền, chùa, miếu... để đo vẽ rồi lập hồ sơ nhưng mà công việc này mất nhiều thời gian. Mãi đến những năm 90, đặc biệt là từ năm 2013, Bộ VH-TT&DL phát động chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực di sản văn hóa thì công việc này mới bắt đầu có những chuyển biến. Nhưng mà tôi cho rằng đấy mới là những cái bước đầu thôi và chưa thể nào đáp ứng được như mong muốn.
Một số dự án số hóa di sản văn hóa trong thời gian gần đây
Phóng viên: Thời gian qua đã có những tổ chức và cá nhân thực hiện một số dự án số hóa di sản văn hóa và bước đầu đã nhận được những đánh giá và hồi âm tích cực. Vậy ông có đánh giá thế nào về những dự án này?
GS.TS Trương Quốc Bình: Những dự án đã được triển khai có một tác động hết sức to lớn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc quảng bá, bảo vệ các di sản văn hóa. Tôi lấy một ví dụ rất là cụ thể, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một di sản hết sức quý đó là 82 bia tiến sỹ. Những năm 80 của thế kỷ trước có cụ Trương Công Giang là một giáo viên quê ở Hà Nam dạy học ở Hòa Bình cứ mỗi một lần nghỉ hè thì cụ lại huy động con cháu đến các bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tìm tên của ông Tổ nhà mình là cụ Trương Công Giai được khắc vào tấm bia nào đó và mãi đến tấm bia thứ 52 thì mới tìm thấy. Từ tấm bia này còn phát hiện ra Tiến sỹ Trương Công Giai chính là Tế Tửu Văn Miếu Quốc Tử Giám, là một trong những Hiệu trưởng sau cụ Chu Văn An.
Trước đây, bao nhiêu công sức mới tìm ra được một tư liệu khắc ở trên bia nhưng bây giờ, khi đã được số hóa thì tất cả những tư liệu ấy sẽ nhanh chóng được tìm ra và không phải vất vả như cụ Trương Công Giang nữa. Việc sử dụng mã QR code cho công trình, hiện vật, di tích, cây xanh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một điều hết sức phấn khởi và đáng mừng. Thế hệ trẻ của chúng ta là những người làm chủ được khoa học công nghệ thì họ mới có điều kiện để làm chứ còn trước đây thì rất là vất vả.
Thử nghiệm hệ thống quét mã QR code trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Phóng viên: Số hóa di sản văn hóa là xu thế tất yếu, tuy nhiên, với số lượng di sản văn hóa đồ sộ như ở nước ta thì theo ông, việc này liệu có trở thành thách thức lớn hay không khi mà nguồn lực, nhân lực, tài chính, thiết bị công nghệ hiện chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế?
GS.TS Trương Quốc Bình: Đúng là phải cần đến những khối lượng nhân tài, vật lực khá lớn để mà có thể triển khai công việc này bởi khối lượng di sản của nước ta rất đồ sộ. Nhưng từ hiệu quả ban đầu ấy mà chúng ta tiếp tục đầu tư một cách xứng đáng thì nó sẽ có một hiệu quả hết sức to lớn trong tương lai. Những dự án vừa qua giống như là động lực để cho những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có thêm quyết tâm trong thời gian tới. Số hóa các di sản nó sẽ làm giảm đi các phương tiện thủ công trước đây, đồng thời, giúp cho việc bảo quản các hồ sơ di tích sẽ dễ dàng hơn, giảm tối đa các chi phí và vật liệu... Các công trình, kiến trúc, hiện vật được tái hiện sẽ trở thành những tư liệu lịch sử sống động, hấp dẫn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/so-hoa-de-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-28683.vov2