Tăng cường hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới
Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 được quan tâm triển k...
Thực hiện đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030”. Trong những năm gần đây, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dành sự quan tâm đặc biệt tăng cường hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào địa phương gắn phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân nơi đây.
Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào Cơ Tu ở A Lưới được bảo tồn và tái hiện trong các dịp lễ quan trọng của đồng bào. Ảnh: Vinh ThôngĐịnh kỳ tổ chức 2 năm một lần, Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên - Huế được tổ chức. Năm nay sự kiện diễn ra từ ngày 14-16/5 tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, thị trấn A Lưới đã thu hút hàng nghìn người là các nghệ nhân, diễn viên và đồng bào các dân tộc Pa Kô, Cơ Tu, Tà Ôi…tham dự, tạo không khí sôi động trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con nhân dân. Chị Hồ Thị Thu Giang ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới chia sẻ:“Em rất hào hứng, phấn khởi khi được tham gia lễ hội năm nay. Em tham gia chương trình với tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi với các anh chị các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế”.
Trong những dịp ngày hội văn hóa các dân tộc, nhiều tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ, biểu diễn trang phục dân tộc và các trận thi đấu tranh tài các môn thể thao dân tộc, trưng bày trình diễn nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như: dệt Dèng, đan lát hay các món ăn mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào đã góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch cho huyện A Lưới.
Bánh a-quát có mặt trong hầu hết các ngày lễ quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới- Thừa Thiên Huế. Ảnh: Vinh ThôngĐặc biệt, trong hơn 2 năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống của đồng bào A Lưới như: Ariêu Caar, Ariêu Piing , Ariêu Aza được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Từ đó khơi gợi tình yêu văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao huyện A Lưới cho biết: “Huyện A Lưới đã tái hiện rất nhiều lễ hội của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu …. Những người tham gia tái hiện lễ hội này là các nghệ nhân của đồng bào”.
Cùng với việc tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, những năm qua ngành văn hóa huyện A Lưới rất chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào. Hoạt động chiếu phim lưu động vẫn luôn được duy trì luân phiên ở các xã trên địa bàn. Chỉ tính riêng dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 10 bộ phim gồm 5 phim truyện (Hoa Ban đỏ, Thầu Chín ở Xiêm, Nhìn ra biển cả, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nhà tiên tri) và 5 phim tài liệu (Toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội - Điên Biên Phủ trên không, Địa chấn Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh năm 1946, Nguyễn Tất Thành - Những dấu ấn lịch sử) đã được trình chiếu hàng chục lượt trên địa bàn huyện A Lưới. Những buổi chiếu phim lưu động cùng nhiều hoạt động văn hoá đã khơi dậy niềm tự hào và lòng biết ơn của đồng bào đối với Bác Hồ kính yêu, như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội trưởng Đội chiếu phim số 1 A Lưới: “Bà con rất phấn khởi khi được xem lại truyền thống hào hùng của ông cha qua các bộ phim Cách mạng. Bà con rất vui đón nhận”.
Những buổi chiếu phim lưu động thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con. Ảnh: Vinh ThôngTheo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế việc tăng cường các hoạt động văn hóa nghệ thuật có những tác động rất tich cực tới đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới:“Ngày hội là cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở nhằm bồi dưỡng, làm nòng cốt cho tuyên truyền cũng như lưu giữ và lan toả những nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc; nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc, thúc đẩy du lịch phát triển”.
Không chỉ ở A Lưới mà ở bất cứ nơi đâu, thực tế nhiều năm qua đã chứng minh rằng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ các buổi biểu diễn chuyên nghiệp đến các hội diễn văn nghệ quần chúng, những buổi chiếu phim lưu động… luôn là liều thuốc tinh thần cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những hoạt động này vừa giúp đồng bào được tiếp cận, hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng mối đại đoàn kết, vừa góp phần thay đổi nhận thức, nhân lên niềm tự hào và nâng cao tinh thần làm chủ của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/tang-cuong-hoat-dong-van-hoa-nghe-thuat-phuc-vu-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-49104
Có thể bạn thích
-
Việt Nam sẽ có những cử nhân đạt “văn võ song toàn”
-
Đối mặt với làn sóng ngăn cấm tại châu Âu và Mỹ, Tiktok chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á
-
Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” tại Hoàng Thành Thăng Long
-
Học cách chấp nhận sau khi tan vỡ
-
Ban đêm, biến bãi đỗ xe ngầm thành bảo tàng nghệ thuật, sân khấu…