Tuần đại đoàn kết các dân tộc 2023 - Văn hóa có sức mạnh kết nối

30/11/2023 10:37 700

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” và ngày hội cây nêu với phương châm “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình” thêm một...

Tối 23/11/2023, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) Bộ VHTT&DL cùng UBTWMTTQVN phối hợp tổ chức lễ khai mạc “Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” và Ngày hội trình diễn cây nêu. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống của Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), 78 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2023).

Khai mạc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” với nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh Phạm Minh Khai mạc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” với nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh Phạm Minh

Tham dự lễ khai mạc có ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQVN, ông Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, UVTW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cùng đông đảo đại biểu đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng, đặc biệt sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng hơn 200 đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Cơ Tu, Xê Đăng, Gia Rai, Raglai, Dao, Mông... cũng như các đoàn nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Các đại biểu tại lễ khai mạc tối 23/11/2023. Ảnh: Phạm Minh Các đại biểu tại lễ khai mạc tối 23/11/2023. Ảnh: Phạm Minh

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTT& DL Nguyễn Văn Hùng thông tin: “Trước thềm Lễ khai mạc, chúng ta hết sức phấn khởi, vinh dự và tự hào khi đón nhận tin vui Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao trong số 21 thành viên được bầu. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào cơ quan điều hành then chốt về văn hoá của Tổ chức UNESCO, thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đây cũng là sự thể hiện sinh động khi đại diện UNESCO đánh giá: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hoá; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ khai mạc tối 23/11/2023. Ảnh: Phạm Minh Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ khai mạc tối 23/11/2023. Ảnh: Phạm Minh

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: “Văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng là di sản quý báu, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời nay đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc chung tay bảo tồn, củng cố và phát triển. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hoá có sức mạnh kết nối các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết”.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQVN phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Phạm Minh Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQVN phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Phạm Minh

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQVN đánh giá cao sự nỗ lực tổ chức “Tuần đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023”. Ông khẳng định: “Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, được bao thế hệ người Việt Nam bền bỉ xây dựng, vun đắp bằng mồ hôi, công sức, bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ và phát huy, không một thế lực thù địch nào, dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của chúng ta”.

Đồng bào Cơ-tu (Đà Nẵng) tái hiện nghi thức dựng cây nêu trong khuôn khổ "Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023”. Ảnh: internet Đồng bào Cơ-tu (Đà Nẵng) tái hiện nghi thức dựng cây nêu trong khuôn khổ "Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023”. Ảnh: internet

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề ra.

Các đồng chí lãnh đạo trao tặng quà cho các nghệ nhân, đồng bào tiêu biểu. Ảnh: Phạm Minh Các đồng chí lãnh đạo trao tặng quà cho các nghệ nhân, đồng bào tiêu biểu. Ảnh: Phạm Minh

Chuỗi sự kiện “Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” với phương châm “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình” còn diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài chương trình khai mạc còn có Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu VH-TT-DL các dân tộc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023; triển lãm ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam với 160 tác phẩm nhiếp ảnh về 54 dân tộc Việt Nam thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ VH-TT-DL.

Trong khuôn khổ tuần lễ, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ trình diễn các nghi lễ đặc biệt, trong đó có lễ Cấp sắc (lẩu pụt), hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn. Đồng bào dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa cũng sẽ tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa), giới thiệu nét đẹp trang phục Mường và một số nét văn hóa diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian đặc trưng.

Nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào các dân tộc tại "Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023”. Nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào các dân tộc tại "Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023”.

“Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” sẽ mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, để thêm trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa việt Nam thông qua kho tàng di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/tuan-dai-doan-ket-cac-dan-toc-2023-van-hoa-co-suc-manh-ket-noi-46052.vov2