Charlie Chaplin: Biểu tượng kinh điển của điện ảnh thế giới

25/02/2021 08:39 880

Charlie Chaplin (ở Việt Nam được biết tới với tên Vua hề Sác-lô) là một trong những diễn viên thành công và giàu ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành công ng...

Charlie Chaplin sinh ra vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19 ở khu vực phía Nam London. Hai chữ "đói nghèo" đeo đuổi gần như toàn bộ tuổi thơ Chaplin. Cha ông chết vì nghiện rượu, mẹ ông bị tống vào trại thương điên, cậu bé Chaplin không nơi nương tựa phải tự bấu víu vào bất cứ thứ gì để tồn tại. Năm lên 7 tuổi, ông ở trong 1 trại tế bần. Năm lên 8, ông ở trường dành cho trẻ vô gia cư. Năm 9 tuổi, ông ngủ vạ vật trên các con phố ở Nam London.

Chaplin khi mới bắt đầu sự nghiệp

Số phận tưởng như sẽ khiến cuộc đời Chaplin giống như hàng trăm kẻ vô gia cư ở London, nhưng cuộc đời ông rẽ sang hướng khác nhờ một lần được nhận vai diễn người hầu nhỏ tuổi trong gánh hát chuyên diễn vở Sherlock Holmes. Dù chỉ là một vai diễn nhỏ, nhưng Chaplin làm mọi cách để thu hút sự chú ý của khán giả. Nhân vật của ông được nhiều người ưa thích, chủ gánh hát sau đó đã phải đồng ý để ông gia nhập với tư cách thành viên thường xuyên. Từ đó, ông liên tục phát triển, gia nhập các gánh hát lớn hơn và khẳng định tài năng bằng lối diễn xuất tự nhiên.

Bí quyết thành công của Chaplin là sự cầu thị và biết cách làm hài lòng khán giả. Sau mỗi đêm diễn, ông đều dành thời gian đi hỏi khán giả và các nhà phê bình xem họ đánh giá thế nào về vai diễn của mình. Sau đó, Chaplin ghi chép lại tất cả vào một cuốn sổ tay. Ông còn cắt những bài báo viết về mình, lưu lại để tự điều chỉnh.

Nhân vật "Kẻ lang thang" do Chaplin sáng tạo ra được xem là một trong những nhân vật kinh điển của ngành công nghiệp điện ảnh

Nói về Charlie Chaplin không thể không nhắc đến hình tượng kinh điển “Kẻ lang thang” do chính ông sáng tạo ra. Có lần được giao đóng vai một người say, Chaplin bị thu hút bởi một chiếc quần rộng thùng thình. Ông hình dung về một nhân vật hội tụ tất cả những điểm đối lập: “quần rộng, áo chật, mũ nhỏ, giày to”. Vậy là nhân vật “Kẻ lang thang” ra đời, thể hiện cách nhìn của Chaplin đối với những người đàn ông trung lưu.

Biểu cảm của Charlie Chaplin trong vai diễn này trở thành hình mẫu cho nhiều thế hệ diễn viên

Chiếc mũ quả dưa thể hiện lòng tự trọng, dù nghèo khó, vất vả, nhưng đội mũ để thể hiện mình là con người có văn hóa ứng xử; bộ ria thể hiện sự phù phiếm, muốn theo đuổi một chút lịch lãm của giới thượng lưu; cây gậy hướng đến sự đỏm dáng khi xuất hiện trước phụ nữ. Đó là những ý niệm mà Chaplin muốn gửi gắm vào nhân vật hài kinh điển của mình.

Một lý do khác khiến Chaplin thành công là phương pháp lao động nghệ thuật một cách khắc nghiệt, không chỉ với chính mình mà với cả những cộng sự xung quanh. Đối với mỗi cảnh phim, Chaplin không ngại quay đi quay lại cả chục lần. Khi phim đã đóng máy, ông cũng biên tập đi biên tập lại đến tận sát thời điểm ra rạp.

Ví dụ như trong phim “Đèn đường” (ra mắt năm 1931), có một cảnh nhân vật Kẻ lang thang lần đầu gặp cô gái mù đứng bán hoa trên phố. Chaplin đã yêu cầu nữ diễn viên đóng cặp với mình đóng cảnh này tới 360 lần. Ban đầu, phim dự kiến chỉ quay trong vài tuần, sau kéo dài tới gần 6 tháng. “Đèn đường” là bộ phim quay lâu nhất trong sự nghiệp của Chaplin.

Charlie Chaplin thành công bởi quan niệm làm nghề khắt khe đến mức nghiệt ngã. Ông từng yêu cầu bạn diễn thực hiện một cảnh quay tới 360 lần

Chaplin đã viết, đạo diễn, sản xuất, biên tập, diễn xuất và sáng tác nhạc hầu hết các bộ phim của mình. Đặc trưng trong phim của Chaplin là sự kết hợp giữa hài hước và cảm động, thể hiện cái nhìn nhân văn, thấu cảm với số phận con người. Nhiều phim còn mang yếu tố tự truyện.

Năm 1972, Chaplin được trao giải Oscar danh dự với “tác động không thể đo đếm trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỷ này”.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/charlie-chaplin-bieu-tuong-kinh-dien-cua-dien-anh-the-gioi-24787.vov2