Giải phóng Hải Phòng: Những ngày không quên

17/05/2021 12:48 452

Ngày 13/5/1955 được đánh dấu là sự kiện giải phóng Hải Phòng. Từ đây mở ra một chương sử mới, đưa thành phố bước vào thời kỳ cách mạng mới để khôi phục kin

Cách đây 66 năm, ngày 13/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng buộc phải cúi đầu rời Hải Phòng, nhân dân thành phố cảng hân hoan chào đón Bộ đội Cụ Hồ tiến vào tiếp quản thành phố. Đây là ngày có giá trị lịch sử rất quan trọng, chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ, không chỉ của Đảng bộ nhân dân Hải Phòng mà còn của nhân dân toàn miền Bắc và của cả nước.

Những người lính “Bộ đội cụ Hồ” tiến vào tiếp quản Hải Phòng từ tay quân đội Pháp vào ngày 13/5/1955. Kể từ đó, ngày này cũng được lấy làm ngày giải phóng thành phố. Nguồn ảnh: Flickr.

Từ đây mở ra 1 chương sử mới, thời kỳ phát triển mới trong lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng và lịch sử của thành phố Hải Phòng, đưa thành phố bước vào thời kỳ cách mạng mới để khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội...

Để hiểu rõ hơn về sự kiện với những giá trị lịch sử quý báu này, phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Quang Hiển, nguyên chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội...

PV: Thưa ông, giải phóng Hải Phòng được tiến hành trong bối cảnh như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Chúng ta đều biết ngày 21/7/1954 hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và theo hiệp định này thì các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia được công nhận, đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định cũng quy định rằng chấm dứt chiến tranh ngừng bắn và thực hiện tập kết chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định.

Lúc bấy giờ ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để lực lượng 2 bên sẽ tập kết về 2 phía và sau 1 khoảng thời gian thì quân Pháp sẽ rút khỏi miền nam là 2 năm. Nhân dân 2 miền Nam - Bắc tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước và để có thời gian cho các bên thực hiện tập kết chuyển quân ở mỗi vùng…

Hải Phòng nằm trong khu vực này. Bởi vậy sau hiệp định Giơ-ne-vơ thì Hải Phòng chưa được giải phóng và vẫn là nơi đóng quân của quân đội Pháp... Chúng một mặt luôn tìm cách dụ dỗ và cưỡng bức quần chúng di cư vào nam, nhất là với quần chúng tôn giáo, mặt khác tiến hành những hoạt động phá hoại trên các mặt cơ sở kinh tế, văn hóa... trước khi chúng rút đi. Chính vì thế cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ nói chung, tiếp quản Hải Phòng nói riêng tuy là không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó, nhưng cũng hết sức cam go. Đấy là bối cảnh chung của sự kiện giải phóng Hải Phòng ngày 13/5/1955.

PV:  Cuộc đấu tranh giải phóng Hải Phòng được diễn ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Trước hết cuộc đấu tranh này gắn liền với cuộc đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Lúc bấy giờ Đảng bộ thành phố Hải Phòng cùng với nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, dụ dỗ cưỡng bức… di cư vào Nam, tuyên truyền để làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Tuy là không ngăn chặn được toàn bộ nhưng cũng làm thất bại 1 phần ý đồ của đối phương.

Ngoài các hình thức tuyên truyền, tích cực vận động quần chúng đấu tranh bảo vệ các cơ sở kinh tế, các cơ sở văn hóa mà trong đó nổi lên là đấu tranh giai cấp công nhân trong thành phố, bảo vệ các nhà máy, cơ sở sản xuất, không cho địch tháo dỡ các chi tiết, kỹ thuật hoặc các bản sơ đồ về máy móc, trang thiết bị nhằm giữ vững và ổn định sản xuất sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.

Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955 quân Pháp rút khỏi Hải Phòng thì vừa kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên XHCN.

PV: Thưa ông, sự kiện giải phóng Hải Phòng có ý nghĩa giá trị lịch sử như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Sự kiện này đã mở ra 1 chương sử mới, thời kỳ phát triển mới trong lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng và lịch sử thành phố Hải Phòng… Tuy là chúng ta chưa giải phóng hoàn toàn đất nước nhưng giải phóng Hải Phòng, giải phóng miền Bắc chính là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này… Theo 1 tinh thần chung mà đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng khái quát, đó là: đi từ giành thắng lợi từng bước – tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn thì giải phóng Hải Phòng chính là bước thắng lợi hết sức quan trọng, mở ra 1 thời kỳ phát triển mới của cách mạng đất nước. Trong đó, cũng góp phần để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12/1972.

PV: Thưa ông, giải phóng Hải Phòng đã để lại bài học gì trong việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Sự kiện giải phóng Hải Phòng đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm quan trọng và quý báu. Trước hết là để ép đối phương phải thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Giơ-ne-vơ – 1 phần chúng ta dựa vào cơ sở pháp lý của địch nhưng phần thứ 2 là thực lực cách mạng, thực lực đó là lực lượng vũ trang nhân dân. Và chỉ có sức mạnh ấy thì mới buộc đối phương phải thi hành nghiêm túc hiệp định, tránh những hành động phá hoại, tuyên truyền xuyên tạc và đặc biệt là tạo ra sức ép, sức mạnh buộc đối phương phải thi hành và phải rút quân theo đúng thời gian quy định của hiệp định.

Lực lượng vũ trang ở đây chúng ta nói đến lúc bấy giờ là lực lượng vũ trang Hải Phòng ngoài bộ đội chủ lực thì còn có bộ đội địa phương của thành phố, bộ đội địa phương của các huyện, rồi lực lượng dân quân du kích xây dựng rộng khắp ở các khu phố, làng xã - tức là hình ảnh 1 lực lượng vũ trang 3 tướng quân vốn là nòng cốt để phát động toàn dân đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây. Đây chính là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa về mặt sức mạnh để Đảng bộ nhân dân Hải Phòng tạo nên sức mạnh đấu tranh, chống lại mọi hoạt động phá hoại của kẻ thù.

Đó là bài học kinh nghiệm quan trọng vừa giữ nghiêm kỷ luật vừa tranh thủ điều kiện pháp lý nhưng đồng thời tăng cường sức mạnh củng cố lực lượng về mọi mặt đặc biệt là lực lượng vũ trang và chỉ dựa trên cơ sở thực lực đó thì cuộc đấu tranh ở Hải Phòng mới có thể đạt được thành quả quan trọng.

PV:  Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Một số hình ảnh tư liệu về những ngày lịch sử không thể nào quên ở Hải Phòng ngày ấy - 13/5/1955:

Những lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng dưới sự giám sát của hai sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam tại Bến Nghiêng.  

 

Quân Pháp rút đến đâu, quân đội ta lập tức tiếp quản Hải Phòng đến đó.

 

Do làm tốt công tác dân vận và tuyên truyền trước, người dân nội thành thông suốt chính sách của chính quyền cách mạng, hân hoan chuẩn bị đón bộ đội tiếp quản thành phố ngày 13/5 trong cờ hoa náo nức. Nguồn ảnh: Flickr.

 

Những bức ảnh hiếm hoi vào ngày giải phóng Hải Phòng cho thấy một Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ và không ngừng trưởng thành sau nhiều gian khó. Nguồn ảnh: Flickr.

Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/giai-phong-hai-phong-nhung-ngay-khong-quen-26029.vov2