Hoàng Văn Thụ - Tấm gương sáng đạo đức cách mạng
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944) là người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự...
Ngay từ nhỏ Hoàng Văn Thụ đã có tiếng là người thông minh, hiếu học, ham hiểu biết, sống chân thành và dũng cảm. Từ năm 1923, ông theo học tại trường tiểu học Việt Pháp ở Lạng Sơn. Sau phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Sau đó, ông tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội, Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Hải Dương...
GS.TS Mạch Quang Thắng cho rằng: "Hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng. Ông là người có công lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh Bắc Kỳ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tiểu sử đồng chí Hoàng Văn Thụ
Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Ông đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của ông về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo, một người cộng sản mẫu mực suốt đời trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Đây cũng là nhân tố quyết định toàn bộ thành công của tiến trình Cách mạng Việt Nam từ trước đến nay.
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt ông phải khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình, song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ.
PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học cho biết, dù bị tra tấn khủng bố hết sức dã man, Hoàng Văn Thụ vẫn kiên trung, quyết tâm không khai báo và nhắc nhở các anh em bạn tù cũng như những người ở bên ngoài là phải luôn luôn giữ vững khí tiết, sự trung thành với Đảng với Tổ quốc. Ngay cả khi bị thực dân Pháp tiến hành xử án ở tòa án binh, trước khi đưa ra xử bắn, Hoàng Văn Thụ vẫn hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm”. Ông đã nói với tên Thám Pháp: “Chúng tôi là những người bị mất nước, còn các ngài là những kẻ cướp nước. Chúng tôi đấu tranh, chúng tôi có thể hi sinh nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ giành chiến thắng”.
"Trong những lúc gian khổ như thế mà Hoàng Văn Thụ vẫn lạc quan tinh thần cách mạng và tin tưởng vào sự chiến thắng cuối cùng của cách mạng”, PGS.TS Đinh Quang Hải nhấn mạnh.
Hoàng Văn Thụ khi bị đưa ra pháp trường
Rạng sáng ngày 24/5/1944, Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-van-thu-tam-guong-sang-dao-duc-cach-mang-30485.vov2