Lung linh sắc màu văn hóa dân tộc Chăm

07/11/2024 10:58 74

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước” ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lấn thứ VI hứa hẹn...

Thông tin từ cuộc họp báo chiều 9/9/2024 tại Hà Nội do Bộ VH-TT& DL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì phối hợp cùng các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, tp Đà Nẵng và tp Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI (2024), sẽ diễn ra từ ngày 27/9 đến hết ngày 29/9/2024 tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ngày hội có sự tham gia của 9 địa phương có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống với gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên là đồng bào Chăm đại diện cho hơn 179.000 đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước.

Họp báo thông tin về ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI. Ảnh Tuấn Minh Họp báo thông tin về ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI. Ảnh Tuấn Minh

Điểm nhấn trong Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI (2024) là chương trình “Lung linh sắc màu văn hóa dân tộc Chăm” trong tối khai mạc diễn ra vào lúc 20h00 ngày 27/9/2024, tại Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận (Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận).

Cũng trong đêm khai mạc sẽ công bố quyết định công nhận 2 bảo vật Quốc gia là tượng thờ vua Pô Klong Garai và bia ký Phước Thiện. Tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại thế kỷ 13-14, là công trình điêu khắc đá bằng chất liệu sa thạch gồm có bệ Yoni, trụ Linga có hình mặt thần. Công trình được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Bia ký Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Hai mặt bia khắc nhiều ký tự Chăm cổ xác định niên đại thế kỷ 8. Hiện bia Phước Thiện được bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH-TT& DL tỉnh Ninh Thuận: Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh: Tuấn Minh Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH-TT& DL tỉnh Ninh Thuận: Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh: Tuấn Minh

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội của các địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm; Hội thảo về du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”.

Văn hóa, nghệ thuật dân tộc Chăm chứa đựng sự đa dạng đặc sắc. Văn hóa, nghệ thuật dân tộc Chăm chứa đựng sự đa dạng đặc sắc.

Đặc biệt, tại ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI sẽ trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hóa đa dạng của người Chăm (người Chăm có 3 tôn giáo là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam).

Trong ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm nay còn có cuộc thi ẩm thực giữa các tỉnh, thành phố để quảng bá những món ăn đặc sắc và đáng chú ý nhất của mỗi vùng miền.

Ngoài ra, BTC cũng sẽ tổ chức thi đấu 6 môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ) và Giải Golf mở rộng tỉnh Ninh Thuận.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ VH-TT& DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI được tổ chức nhằm góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL tại cuộc họp báo chiều 9/9/2024. Ảnh: Tuấn Minh Thứ trưởng Bộ VHTT&DL tại cuộc họp báo chiều 9/9/2024. Ảnh: Tuấn Minh

Những năm qua, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp cùng các địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức được ngày hội văn hóa các dân tộc: Mông, Dao, Thái, Mường, Hoa …. Và ngày hội văn hóa các vùng miền: Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đây là những hoạt động thiết thực quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa và nhân lên những giá trị văn hóa, lịch sử các dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/lung-linh-sac-mau-van-hoa-dan-toc-cham-49973.vov2