Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An "người thầy của mọi thời đại"

20/11/2020 11:05 269

Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An - một nhà giáo dục có tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại. Ông là 1 trong 4 danh nhân kiệt xuất của Việt Nam được UNE...

Năm nay, lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An (1370-2020) được UNESCO phối hợp tổ chức vào dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh người thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam.

Theo sử sách ghi lại, Chu Văn An sinh năm 1292, tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, thụy là Văn Chinh, hiệu là Tiều Ẩn. Ông quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Liên Hương, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Quốc Tử Giám cho biết: “Chu Văn An có tư tưởng về giáo dục rất tiến bộ, là người Thầy tiêu biểu của mọi thời đại. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp dạy học với triết lý đó là giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với hành và học tập suốt đời, học để biết, học để làm việc và để cống hiến cho xã hội, rất gần với giáo dục thời đại nay mà UNESCO đã đúc kết và đề xuất đó là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”.

Văn Miếu Quốc Tử Giám nơi Chu Văn An đảm nhận chức Tư nghiệp 

Ở thời Chu Văn An, trường học còn rất hiếm, con em nhân dân phần lớn thất học, ông đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà để dạy học. Học trò của ông theo học rất đông lên tới hàng nghìn người. Trong cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” viết: “Chu Văn An là thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần”. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.

Khi nói về danh nhân Chu Văn An, người đời còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện và cả những giai thoại. Trong đó có câu chuyện về người học trò là Thủy Thần. Tương truyền, khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tung tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì thấy cứ đến khu đầm Ðại có hình vành khuyên, nằm giữa các làng Ðại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung thì biến mất. Ông biết là thần nước.

Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: "Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gặp không hay, mong thầy chu toàn cho". Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Ðêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Thầy Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ, nay ở Thanh Liệt quê ông vẫn còn dấu vết mộ thần.

Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống biến thành đầm, nước lúc nào cũng đen nên có tên là Ðầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến nơi đây thành một làng văn học, quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm. Theo TS Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, những giai thoại này thể hiện tài năng, đức độ của Thầy giáo Chu Văn An đã làm rung động cả thủy thần.

Sau khi danh tiếng của Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết tới, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước. Bên cạnh đó là kèm cặp thái tử Trần Vượng, đào tạo vua mới cho nước nhà. Sau khi Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông) lên ngôi năm 1329, Chu Văn An thực sự chuyên tâm vào công việc ở trường Quốc Tử Giám. Ông cho mở mang trường, viết Tứ thư thuyết ước, tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, làm giáo trình dạy học. Kể từ thời Chu Văn An trở về sau, Quốc Tử Giám mỗi ngày được củng cố, mở rộng.

Thời gian làm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám đem đến cho Chu Văn An nhiều vinh quang mới, nhưng cũng khiến ông gặp đầy sóng gió. Vua Hiến Tông, học trò của ông ở ngôi được hai năm thì qua đời, vua Trần Dụ Tông lên thay, triều chính đất nước rối ren. Vua ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn. Trong triều, quyền gian liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc. Thấy chính sự bê bối, nhà giáo Chu Văn An phẫn nộ. Ông đã viết Thất trảm sớ, đòi chém 7 kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Tuy nhiên lời can gián của ông không được vua nghe theo.

Đền thờ danh nhân Chu Văn An tại Chí Linh, Hải Dương 

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi dâng Thất trảm sớ nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An rời kinh thành về vùng đất Chí Linh (Hải Dương ngày nay) mở trường tiếp tục dạy học. Dù là nơi thâm sâu cùng cốc, số học trò đến với thầy Chu vẫn đông. Lúc này, Chu Văn An lấy hiệu là Tiều Ẩn, chỉ lấy việc dạy học, làm thơ cho vui.Từ khi Chu Văn An về, Chí Linh dấy lên phong trào học tập, nhiều người học giỏi nổi tiếng. Đặc biệt, ở đời nhà Mạc, huyện này có bà Nguyễn Thị Duệ thi đỗ tiến sĩ, là nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thời phong kiến. Ngoài ra còn có Nguyễn Phong, mới 14 tuổi đã cùng cha thi đỗ kỳ thi Hương, 26 tuổi đỗ tiến sĩ. Cuối đời, Chu Văn An sống thanh thản trong cảnh nghèo, vui với lớp học, văn chương. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, ông vẫn là một người yêu nước.  

Tuổi cao, sức yếu lại sống ẩn dật nơi rừng núi Phượng Hoàng, Chí Linh vào những ngày cuối tháng 11/1370, ông trút hơi thở cuối cùng. Sau khi mất, triều đình đã đưa Chu Văn An vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa. 

Tượng thờ  "Vạn thế sư biểu" Chu Văn An tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội

Để tưởng nhớ danh nhân Chu Văn An, nhiều đường phố, trường học khắp cả nước được đặt theo tên ông. Tại xã Thanh Liệt hàng năm đều có những hoạt động tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương. Nhân cách nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam, cho tới ngày nay không chỉ hậu duệ nội tộc mà người đời sau luôn nhắc tới Chu Văn An là một nhà Nho, nhà hiền triết với lòng kính trọng sâu sắc. 

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/danh-nhan-van-hoa-the-gioi-chu-van-an-nguoi-thay-cua-moi-thoi-dai-23053.vov2