"Chiếu hội sân đình" và tình yêu của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống
“Chiếu hội sân đình” với mong muốn “đem cả sân đình đến sân trường” đã thực sự khơi gợi tình yêu của các bạn trẻ đối với nghệ thuật truyề...
Trước sự phát triển ngày càng nhanh của môi trường, công nghệ và trước những biến thiên của xã hội, văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng vẫn luôn được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận 1 thực tế là nhiều bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng quay lưng lại với những loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì vậy để góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống ấy và đưa đến gần hơn với giới trẻ, khoa Du lịch trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sự kiện mang tên “Chiếu hội sân đình”.
Thầy Đỗ Trần Phương, Phó Chủ nhiệm khoa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội kỳ vọng những sự kiện như thế này sẽ góp phần lan tỏa giá trị, nhân lên tình yêu trong mỗi người về một môn nghệ thuật tưởng chừng đã xưa cũ.
Thông qua không gian "4 chiều" của sân khấu, khán giả như được trở về ký ức tuổi thơ dưới mái đình làng.
Với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức về việc chung tay hành động, cùng nhau giữ gìn và bảo vệ tôn vinh các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, nhóm bạn trẻ đã lên ý tưởng, khảo sát và kêu gọi tài trợ để hiện thực hoá bằng được mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với lớp trẻ.
Bạn Trịnh Minh Đạt, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội cho rằng: nghệ thuật truyền thống - khi đã hiểu thì chắc chắn sẽ yêu. Và yêu rồi thì ai cũng mong muốn được lan tỏa tình yêu đó tới tất cả mọi người...
Các bạn trẻ háo hức thử sức mình với những loại hình nghệ thuật truyền thống dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chính các nghệ nhân.
Sự kiện đã mang đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm sâu sắc về nghệ thuật truyền thống và bổ sung những kiến thức cần thiết về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Thông qua không gian “4 chiều” của sân khấu, khán giả như được trở về ký ức tuổi thơ dưới mái đình làng, trên chiếc chiếu đình. Họ được cùng nhau ngồi lại thưởng thức một đêm nghệ thuật đong đầy hoài niệm tuổi thơ.
Khi đến với “Chiếu hội sân đình”, khán giả còn được giao lưu, trò chuyện về chuyện nghề, chuyện đời với các nghệ sĩ, nghệ nhân; được thử sức mình với những loại hình nghệ thuật truyền thống dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chính các nghệ nhân. Ngoài ra, còn được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam; được mãn nhãn với màn Múa cổ “Con đĩ đánh bồng” của nghệ nhân làng Triều Khúc; được trải lòng mình với điệu Hát trống quân của đoàn nghệ nhân đến từ xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, TP Hà Nội); hay để cảm xúc trôi theo khúc hát Quan họ...
Tiết mục múa cổ "Con đĩ đánh bồng" của nghệ nhân làng Triều Khúc.
Điều khiến các bạn trẻ thích thú là còn được giao lưu những câu hát chèo dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân - khách mời đặc biệt trong chương trình. Những gương mặt háo hức, những nụ cười tươi tắn, những tràng pháo tay nhiệt thành, các bạn đã cho thấy một điều hết sức tuyệt vời, đó là trong sâu thẳm tiềm thức của giới trẻ ngày nay, luôn có một chỗ đứng vững chãi, một điểm tựa tinh thần sâu sắc dành cho nghệ thuật truyền thống.
Bạn trẻ Đỗ Văn Dương, đến từ trường Cao đẳng Du lịch chia sẻ, bản thân thường được tiếp cận với những nét văn hóa hiện đại, âm nhạc hiện đại nhiều hơn là những sản phẩm âm nhạc dân gian như thế này. Chính vì vậy, với Dương, đây là một cơ hội rất lớn để Dương có thể hiểu thêm về truyền thống văn hóa nghệ thuật quý báu của cha ông, từ đó nhân lên niềm yêu thích, tự hào dân tộc.
Sự kiện mang đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm sâu sắc về nghệ thuật truyền thống.
Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống hiện nay đang dần mai một, ngày càng kém hấp dẫn đối với các bạn trẻ thì mong rằng những “sân chơi” như “Chiếu hội sân đình” sẽ tiếp tục được phát triển, trở thành hoạt động thường niên, từ đó giúp thế hệ trẻ có thêm những cơ hội quý giá để tìm hiểu và gắn bó với nghệ thuật truyền thống.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/chieu-hoi-san-dinh-va-tinh-yeu-cua-gioi-tre-voi-nghe-thuat-truyen-thong-23340.vov2