Đền Nội với sự tích con Rồng cháu Tiên

01/12/2021 10:23 285

Đền Nội (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) là một ngôi đền cổ gắn liền với sự tích con Rồng cháu Tiên, đây là mảnh đất đầu tiên mà L...

Đền Nội - nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tọa lạc trên khuôn viên rộng 10 nghìn m2, hồ sen trước đền nở rộ hoa sen khi hè về thơm ngát cả một vùng. Cây đa, cây muỗm sừng sững tỏa bóng mát, cứ chiều đến trẻ con, người già quây quần vui chơi tạo nên không khí yên bình nơi mảnh đất cổ xưa của dân tộc.

Đền Nội không rõ chính xác được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng, thời nhà Hán đô hộ nước ta đã tàn phá đền Nội, đến khi Đinh Tiên Hoàng giành lại được độc lập đã cho trùng tu lại. Từ đó, đền Nội trải qua tất cả 5 lần trùng tu, lần thứ 2 năm 1430 dưới triều Lê Sơ, lần thứ 3 năm 1918 dưới triều vua Khải Định, lần thứ 4 năm 1986, lần thứ 5 năm 2010.

Đền Nội soi bóng bên ao sen

Đất Bình Đà bây giờ chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc tổ về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).

Là người trông giữ đền Nội nhiều năm, cụ thủ từ Nguyễn Chính Chinh, 78 tuổi, tự hào cho biết: Đền Nội được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, ngoài cùng là ao sen rộng 500m2, được ví như lẵng hoa khổng lồ đặt trước cửa đền. Mùa hè đến, hoa sen nở, tỏa hương thơm ngát khắp vùng.

 Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngau Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt đồ thờ, tiếp đến là địa bái phương đình nơi đặt lễ

Tiếp đến là tòa đại đình gồm hậu cung, tiền tế, đại bái, thiêu hương, tiền môn cùng hai dãy tả mạc, hữu mạc. Đặc sắc nhất trong hậu cung phải kể đến bức phù điêu quý hiếm, được làm từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979). Bức phù điêu chạm khắc tinh xảo hình ảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền trên nền gỗ quý sơn son thếp vàng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

 Phương đình đền Nội

 Nghi môn nội đền Nội

Trong đền Nội thờ Quốc tổ có nhiều cổ vật quý như: thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, hoành phi, câu đối, đồ tế tự từ thời Lý đến Lê Trung Hưng. Đặc biệt, bức phù điêu "có một không hai" làm bằng gỗ vàng tâm, chạm khắc cảnh Quốc tổ Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền là di vật có giá trị nghệ thuật độc đáo. Năm 2015, bức phù điêu này được Thủ tướng Chính phủ công

 Trong Đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, hoành phi, đồ tế tự…

Bức phù điêu có niên đại trên 1.000 năm, được vua Đinh Tiên Hoàng giao cho hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, cùng các thợ giỏi chế tác khi mới giành lại được độc lập. Trên bức phù điêu, Quốc Tổ Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng ở chính giữa, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt” với khuôn mặt hiền từ, nhân ái, mình khoác long bào oai phong, lẫm liệt. Bức phù điêu có dòng chữ “Hùng Vương sơn nguyên Thánh tổ”...

 

Bức phù điêu Lạc Long Quân và các lạc hầu, lạc tướng xem đua thuyền đã hơn 1000 năm tuổi 

Về ý nghĩa và giá trị của bức phù điêu, ông Bùi Đăng Thịnh, nguyên thủ từ đền làng Bình Đà nêu rõ: "Bức phù điêu còn được gọi là bức giá tượng hay giá thánh, có từ thời nhà Đinh, cách đây hơn 1000 năm. Bức phù điêu có nội dung sâu sắc, gồm 5 tầng, tầng trên cùng có 18 thị nữ đang dâng hòm sớ và hàng thứ 2 có 20 quan văn đang đứng hầu, hàng thứ 3 có 16 quan võ. Ở chính giữa là chân dung đức Quốc tổ Lạc Long Quân đang ngồi xem hội đua thuyền. Trước mặt là cảnh sông nước và các đoàn thuyền đang ở trạng thái đua. Ngoài ra còn có các đội quân bảo vệ Ngài. Trong đó có voi, hổ, ngựa và đặc biệt 1 đôi bạch hổ đứng để bảo vệ Ngài, chứng tỏ là từ xa xưa, tổ tiên đã thuần hóa được các loài thú dữ để bảo vệ con người".

  

  Bức phù điêu giá tượng mẹ Âu Cơ tại đền Nội

Lễ hội đền Nội là một lễ hội lớn thể hiện tín ngưỡng dân gian của người Việt. Lễ hội có đầy đủ các nghi thức từ cổ xưa thu hút hàng nghìn khách du lịch thập phương. Riêng phần lễ với nhiều phần độc đáo như lễ Mã hoàn ký, Lễ Trào, lễ tế bò đến Ngoài, lễ rước ngai, dâng hương tại ngôi mộ Lạc Long Quân…

Ngoài lễ trào, lễ hội làng Bình Đà còn có tục thả bánh thánh vô cùng độc đáo. Cụ thủ từ Nguyễn Chính Chinh chia sẻ thêm: Hàng trăm năm nay, bí quyết làm bánh thánh dâng nhà ngài chỉ do một gia đình duy nhất ở thôn Chua nắm giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác. Không ai biết bánh được làm từ nguyên liệu gì. Trong ngày hội làng, chỉ có cụ tế chủ mới được thực hiện nghi thức thả bánh thánh xuống giếng Ngọc với mong ước một năm mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an, sung túc. Những phong tục này cho đến nay vẫn được giữ gìn và là niềm tự hào của dân làng...

Chính vì lễ hội thể hiện tín ngưỡng thờ “Cha” độc đáo nên lễ hội đền Nội thôn Bình Đà đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, từ 27/2 đến 6/3 âm lịch, gần đây lễ hội được rút gọn xuống 3 ngày nhưng vẫn bao gồm đầy đủ các phần chính như tế lễ, dâng hương, chúc văn, rước ngai…

Đền Nội là một ngôi đền cổ gắn liền với sự tích con Rồng cháu Tiên, đây là mảnh đất đầu tiên mà Lạc Long Quân và các con xây dựng cơ nghiệp rồi sau cũng là nơi ngài hóa về trời. Vậy nên, nhân dân Bình Đà tự hào được hàng ngày hương khói cho Quốc Tổ và bảo vệ gìn giữ khuôn viên của di tích. Du khách thập phương ghé qua quê hương thắp nén nhang thơm rồi vãn cảnh làng quê, tận hưởng cảm giác yên bình, mộc mạc tại Bình Đà.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-noi-voi-su-tich-con-rong-chau-tien-30991.vov2