Đền Trấn Vũ nơi lưu giữ nhiều di sản quý

04/05/2022 15:43 738

Đền Trấn Vũ là một trong những ngôi đền cổ của kinh thành Thăng Long xưa. Đền không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn hội tụ nhiều di sản quý như tượng Huyền...

Đền Trấn Vũ ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội được khởi dựng vào thời vua Lê Thanh Tông. Theo lời kể của những người cao niên trong làng thì vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt phương Nam có đóng quân ở Cự Linh, đức vua được Thánh Tổ ứng mộng. Ngài bèn cho lập đền thờ, tượng và bài vị bằng gỗ ghi chữ vàng “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Lê Văn Cự, người cao tuổi ở phường Thạch Bàn cho biết: Đền được xây dựng làm 3 phần là tiền tế, trung đường và hậu cung. Đặc trưng của ngôi đền là xây dựng quay về hướng Bắc, trong hậu cung có thờ đức thánh Huyền thiên Trấn Vũ. 

Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc gồm tiền tế, trung đường và hậu cung. Hai tòa trước đều có 5 gian, dưới dạng tường hồi bít đốc, chung một máng nước. Trên mái đền, tại vị trí bờ nóc đắp trang trí hình tượng rồng chầu mặt trời. Trên đỉnh bờ nóc, phía hai đầu đốc có gắn hai đầu kìm. Tiền tế có khoảng hiên rộng, nối với sân bằng bậc tam cấp. Tòa trung cung, kiến trúc về cơ bản giống tòa đại bái, vẫn giữ được nhiều nét chạm trổ của kiến trúc gốc từ thế kỷ XIX. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thần Trấn Vũ, được nối với trung cung bằng một hệ mái tại vị trí gian thờ, xây dựng theo kiểu phương đình, hai tầng tám mái, nhưng chủ yếu các cấu kiện chỉ được bào trơn đóng bén. Theo ông Nguyễn Quang Khải, Trưởng tiểu Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ thì cho đến nay đình vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc từ thời Nguyễn. Trải qua các thời kỳ lịch sử, qua quá trình trùng tu vẫn giữ được các câu đối, hoành phi, các đầu đốc... Và hiện nay đền vẫn giữ được rất nhiều tài liệu quý giá như là 50 quẻ thẻ khắc trên gỗ, trong đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong đã được công nhận là tài liệu quý hiếm, những sắc phong đó có từ năm 1470 vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Ngoài kiến trúc đặc sắc và những di vật quý, đền Trấn Vũ còn lưu giữ pho tượng đức Huyền thiên Trấn Vũ - đây là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình), tượng Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Theo ông Ngô Quang Khải thì đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Năm 1747, nhân dân đúc lại tượng đồng đức thánh để thờ, thế nhưng so với công lao to lớn của ngài thì thấy chưa đủ xứng tầm cho nên đến năm 1788, các hương lý và các quan chức sắc của làng đã quyên góp nhân dân để xây dựng và đúc lại tượng đồng của ngài. Sau 14 năm, đến năm 1802, bức tượng được hoàn thành. Đây là một công trình nghệ thuật, điêu khắc đạt được đỉnh cao. Năm 2015,Nhà nướcv đã công nhận bức tượng Huyền thiên Trấn Vũ là bảo vật quốc gia.

Tượng Huyền thiên Trấn Vũ tại đền Trấn Vũ

Không phải ngẫu nhiên mà đến Trấn Vũ được gọi là nơi lưu giữ những di sản quý, bởi ngoài pho tượng Huyền thiên Trấn Vũ được công nhận là bảo vật quốc gia thì trò chơi kéo co ngồi của lễ hội đền Trấn Vũ cũng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kéo co ngồi là một lễ hội có từ xa xưa. Tương truyền, xưa kia phường Thạch Bàn có 12 giếng nước. Vào năm hạn hán, 11 giếng cạn hết nước, chỉ còn giếng nước ở xóm Đìa. Trai xóm Đường và xóm Chợ đến giếng gánh nước về dùng. Xóm Đìa sợ hết nước nên không cho lấy. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên cả hai bên cùng ngồi xuống đất mà ôm thùng nước. Từ việc ngồi giằng co nhau để giữ thùng nước, nhân dân trong vùng đã sáng tạo ra lễ hội kéo co ngồi. Ông Vũ Hồng Phi, Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Thạch Bàn cho biết: Cứ vào ngày 3/3 hàng năm, đền Trấn Vũ tổ chức lễ hội gắn liền với sự tích kéo co ngồi. Thời kỳ đầu chỉ có 2 mạn là mạn Đường và mạn Chợ tổ chức với nhau, sau có thêm mạn Đìa tham gia. Theo truyền thuyết các cụ kể lại, nếu tổ chức kéo co mạn Đường thắng thì những năm đó người dân làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Về không gian thực hành kéo co ngồi thì kéo bằng dây song, dây song được luồn qua cột gỗ lim được chôn xuống đất, các mạn ngồi phệt xuống đất để kéo co. Đặc biệt nữa là nghi thức kéo co phải thực hiện ở trên ruộng nền đất.

Lễ hội kéo co ngồi đền Trấn Vũ được NESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị nghi lễ, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa đặc sắc. Trước khi kéo co, người dân làm nghi lễ tôn vinh, vào tế trước đền, cầu sức khỏe. Sau đó đến lễ tế dây song, các đội tham gia kéo co cùng rước dây song ra xới kéo co. Hoạt động này mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng, mong mùa màng tươi tốt. Người dân tham gia với hy vọng tốt đẹp cho tương lai của bản thân, cho làng xóm láng giềng. Đây cũng chính là lý do mà những người dân như ông Vũ Văn Trung ở phường Thạch Bàn tự hào, trân trọng và rất có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản này. Lễ hội kéo co là cơ hội để phát huy truyền thống anh hùng giữ nước và đoàn kết tạo thành một sức mạnh vô địch.

Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm cũng chính là dịp để những người cao niên trong làng kể lại những câu chuyện về làng, về vị thánh Huyền thiên Trấn Vũ cũng như sự tích trò chơi kéo co ngồi để các thế hệ trẻ tự hào về truyền thống của làng cũng như tinh thần cố kết cộng đồng để cùng vượt qua khó khăn.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-tran-vu-noi-luu-giu-nhieu-di-san-quy-34153.vov2