Di sản và nỗi lo "tước danh hiệu"

06/08/2021 10:09 169

Nếu ai đó cho rằng: danh hiệu chỉ có thể được ghi danh chứ không có chuyện bị tước bỏ… thì có lẽ đã đến lúc cần phải nghĩ lại.

Liverpool: Từ “di sản thế giới đang bị đe dọa” đến bị tước danh hiệu di sản

Cuối cùng thì sau 9 năm được cảnh báo, thành phố cảng Liverpool (Anh) mới đây đã chính thức bị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra khỏi danh sách các di sản thế giới vì sự phát triển quá mức của những công trình mới xây dựng.

Trước đó, vào năm 2012, UNESCO từng xếp Liverpool là “di sản thế giới đang bị đe dọa” sau những lo ngại về sự phát triển của dự án Liverpool Waters. Trong đó, bất chấp sự phản đối của các cơ quan bảo tồn, kế hoạch xây dựng sân vận động mới của câu lạc bộ bóng đá Everton trên một phần của các bến tàu cũ vẫn được phê duyệt xây dựng. Và điều này đã làm ảnh hưởng tới tính xác thực cũng như tính toàn vẹn của khu vực di sản, để rồi dẫn đến phán quyết đáng tiếc vừa qua của UNESCO.

Thực tế là Liverpool đã không thể chứng minh được rằng mình vẫn xứng đáng được coi là di sản thế giới, dù các bến cảng và thành phố rộng lớn này đã đóng vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử. Trong khi đó, thành phố Venice của Italia - thành phố “của những cây cầu” thì may mắn hơn, khi vừa chính thức thoát khỏi việc bị UNESCO xếp loại “di sản thế giới đang bị đe dọa” (hay còn gọi là “bản danh sách đỏ của UNESCO”), dù hồi tháng trước đã bị đưa vào diện cảnh báo. Dẫu vậy thì Ủy ban Di sản Thế giới, nhóm họp tại Phúc Châu (Trung Quốc) mới đây cũng đã ra hạn chót cho Chính phủ Italia đến tháng 12 năm nay phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.

Di sản: Có xem xét công nhận thì cũng có tước bỏ danh hiệu

Như vậy là UNESCO đã rất nghiêm khắc, chứ không hề có chuyện nương nhẹ, xuê xoa hay “giơ cao đánh khẽ” như nhiều người vẫn lầm tưởng bấy lâu nay. Nếu ai đó cho rằng: danh hiệu chỉ có thể được ghi danh chứ không có chuyện bị tước bỏ… thì có lẽ đã đến lúc cần phải nghĩ lại.

Từ câu chuyện của Liverpool và cả Venice, nhiều ý kiến lo ngại trước thực trạng di sản Việt Nam hiện nay – liệu đến một lúc nào đó có phải chịu “chung cảnh ngộ”? Khi mà công tác quản lý di sản ở nhiều nơi vẫn còn bị xem nhẹ và nguy cơ không đảm bảo được tính toàn vẹn của khu vực di sản là điều khó tránh khỏi?

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, “trông bạn mà ngẫm đến ta”, đây thực sự là lời cảnh tỉnh với Việt Nam. Bản thân ông những năm qua cũng đặc biệt quan ngại việc UNESCO thường xuyên có những nhắc nhở về vấn đề lấn biển ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), như việc xây cất trên bờ vịnh thiếu sự kiểm soát, rồi tình trạng đổ cát lấn biến… Theo ông, nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, thì nguy cơ Vịnh Hạ Long bị đưa ra khỏi khỏi danh sách di sản thế giới là rất cao.

Những cảnh báo từ GS.TS Trương Quốc Bình có lẽ là điều mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều di sản - không riêng gì Vịnh Hạ Long - đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi hoạt động của chính con người.

Nguyên do thì có nhiều, nhưng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 15, mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở công tác quản lý di sản. Và nếu chúng ta còn xem nhẹ quản lý di sản, thì nỗi ám ảnh về “bản danh sách đỏ của UNESCO” sẽ vẫn còn hiện hữu.

"Bài học Liverpool là bài học thực sự đắt giá, đối với thế giới và với cả Việt Nam… Bảo tồn và phát triển luôn là bài toán đầy thách thức, đặc biệt trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, đòi hỏi phải có những nguyên tắc nhất định, nhưng dù nguyên tắc gì thì bảo tồn di sản vẫn phải là ưu tiên trên hết. Di sản một khi đã bị tổn thương thì việc chúng ta tìm lại được giá trị của nó sẽ là vô cùng khó khăn".

Di sản Việt Nam: Đã đến lúc cần một “bản danh sách đỏ” cho riêng mình

Một di sản được tôn vinh – đó là quyền lợi, trách nhiệm của cả quốc gia dân tộc chứ không riêng gì địa phương nào, cá nhân nào.

Do vậy, theo GS.TS Trương Quốc Bình, không thể đặt lợi ích kinh tế lên trên hết, không thể để đầu tư phát triển kinh tế lấn át bảo tồn, ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của di sản. Muốn vậy, Việt Nam trước hết cần thực hiện nghiêm các luật định trong nước cũng như công ước quốc tế đã cam kết.

"Mục đích của chúng ta là bảo tồn các di sản này cho nhân loại. Và nếu vậy thì mọi hoạt động đều phải tính toán làm sao cho ít tác động nhất đến quá trình bảo tồn di sản"Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn thì cho rằng, đã đến lúc chúng ta cũng cần có một “bản danh sách đỏ” cho riêng mình – theo đúng nghĩa – như cách mà UNESCO đã và đang làm. 

Bởi khi xếp hạng được thì chúng ta sẽ có những giải pháp, kế hoạch ưu tiên trong công tác bảo tồn… Cách nhìn, cách tiếp cận di sản cũng sẽ khác nhau. Đây là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể triển khai trong thực tiễn hoạt động của mình

Một “bản danh sách đỏ” có lẽ là chưa đủ, song thực sự cần thiết lúc này, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Để thấy rằng, Việt Nam – đất nước của những di sản – đang nỗ lực để có những hành động vừa mang tính khẩn cấp, vừa mang tính lâu dài, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/di-san-va-noi-lo-tuoc-danh-hieu-28049.vov2