Phát triển Công nghiệp Văn hóa: Triển vọng tại các đô thị lớn
Phát triển Công nghiệp Văn hóa phải từ các đô thị vì chỉ có ở đây mới cung cấp đủ các yếu tố để phát triển: các nghệ sỹ sáng tạo, công cụ sản xuất sản phẩm...
Phát triển Công nghiệp Văn hóa đã được xác định sẽ là một trụ cột tăng trưởng của nước ta trong thời gian tới. Nhưng phát triển như thế nào, cách thức, đường hướng, khu vực, dựa trên yếu tố nào... thì vẫn là câu chuyện “ném đá dò đường”, “vừa đi vừa tìm hiểu”. Tham khảo bài học kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển Công nghiệp Văn hóa thành công thì có một bài học được ghi nhớ: Phát triển Công nghiệp Văn hóa phải bắt đầu từ các đô thị. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích: “Phát triển Công nghiệp Văn hóa cần sức sáng tạo, cần cơ sở hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng về đất đai, không gian, hạ tầng kỹ thuật số... và các cơ sở hạ tầng này thì thường nằm ở các đô thị”.
Đô thị - Môi trường lí tưởng ra đời sản phẩm văn hóa
Trên fanpage, họa sỹ Văn Công Duy vừa thông báo cuốn artbook Ma quỷ dân gian ký đã hoàn thành và chuẩn bị phát hành đến tay bạn đọc. Họa sỹ trẻ cũng hào hứng công bố về một triển lãm cá nhân đang được lên ý tưởng và sẽ sớm tổ chức tại một địa điểm ở Tp.HCM. Đây là 2 trong số những sản phẩm vật lý đầu tiên của dự án Ma quỷ dân gian ký, dù đã chạy được 2 năm nhưng chỉ có thể phát hành các sản phẩm trên môi trường số. Họa sỹ Văn Công Duy chia sẻ, dự này hướng đến mục tiêu tập hợp và kể lại những câu chuyện ma lưu truyền trong dân gian Việt Nam một cách có hệ thống.
“Đây là chủ đề mà nhiều bạn quan tâm. Em đã mong muốn ra artbook lâu rồi", họa sỹ Văn Công Duy nói. "Với một họa sỹ như em thì một cuốn artbook sẽ giúp em kể được nhiều câu chuyện hơn. Đây cũng là cơ hội để em khẳng định khả năng hội họa của mình thông qua việc cho ra đời một sản phẩm khai thác yếu tố văn hóa dân gian”.
Ma quỷ dân gian ký là một ví dụ cho những sản phẩm của ngành Công nghiệp Văn hóa, và nó chỉ có thể ra đời tại một thành phố lớn - đầu tàu về kinh tế của cả nước như Tp.HCM, bởi chỉ có ở đây mới cung cấp đầy đủ các yếu tố để nó thành hình: có đội ngũ những người sáng tạo, có các công cụ để sản xuất ra sản phẩm, có đội ngũ phân phối, phát hành, có không gian để tổ chức sự kiện, và quan trọng nhất là có lực lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Thiếu một trong các yếu tố này sẽ rất khó để các sản phẩm văn hóa sống sót trên thị trường.
Chúng ta cùng đến với một ví dụ khác: Đà Lạt – dù vẫn chỉ là một đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Lâm Đồng – nhưng từ 2 năm qua trở thành điểm sáng cho ngành nghệ thuật biểu diễn. Hàng loạt các ca sỹ, nghệ sỹ tìm đến “thành phố ngàn hoa” để tổ chức chương trình, từ Hà Anh Tuấn, Đức Trí, Mỹ Tâm, Trung Quân Idol, Văn Mai Hương, Hồ Ngọc Hà, Bùi Anh Tuấn, Hà Nhi... Nhiều ca sỹ khác tìm đến Đà Lạt để quay MV, ghi hình các sản phẩm âm nhạc. Theo anh Võ Nam, chủ quán café Lululola+ - một địa điểm tổ chức show ca nhạc chuyên nghiệp ở Đà Lạt thì lý do mà cả các nghệ sỹ lẫn khán giả đều muốn lên đây thưởng thức âm nhạc là vì không gian nơi này giúp họ phát triển được một sản phẩm mới đặc thù ít nơi nào ở Việt Nam có thể cung cấp.
Những show ca nhạc ngoài trời lúc hoàng hôn, một sản phẩm văn hóa đặc thù của Đà Lạt, giúp nơi này trở thành điểm sáng của ngành nghệ thuật biểu diễn.“Nghe nhạc ngoài trời ở Đà Lạt là một trải nghiệm mới, khác với khi bạn nghe nhạc trong phòng kín", Võ Nam chia sẻ. "Mình cũng trải nghiệm nghe nhạc ở cả 2 không gian rồi. Khi nghe nhạc trong nhà mình thấy rất bức bí, cảm thấy 2 tiếng rất dài và khó có thể ngồi nghe được. Nhưng khi nghe ngoài trời thì cảm giác rất chill, rất dễ chịu. Các show nhạc ngoài trời lại diễn ra vào khung giờ hoàng hôn từ 5 – 7 giờ chiều, thời điểm cảnh vật rất đẹp. Trong show nhạc 2 tiếng đấy mình có thể ngắm cảnh chuyển dần từ hoàng hôn sang mập mờ tối. Rất thú vị”.
Đó là 2 ví dụ về sản phẩm văn hóa, những thứ nếu không phải ở các đô thị như Tp.HCM và Đà Lạt thì rất khó ra đời.
Đô thị - Nơi tập trung đối tượng thụ hưởng các sản phẩm văn hóa
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, có một lý do quan trọng nữa khiến các đô thị lớn là động lực phát triển cho Công nghiệp Văn hóa, đó là lực lượng người tiêu dùng: “Tại sao Công nghiệp Văn hóa phát triển tại các đô thị? Vì ở đô thị nảy sinh ra tầng lớp trung lưu, là những đối tượng hướng thụ chính của CNVH. Họ có nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu PhươngNếu bạn đến các rạp chiếu phim, các nhà sách, quán café, khu vui chơi giải trí ở các đô thị như Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt... dịp cuối tuần sẽ thấy rất đông người đến để hưởng thụ sản phẩm văn hóa giải trí. Họ có nhu cầu và khả năng chi trả cho các hoạt động hưởng thụ văn hóa. Có nhiều ví dụ cho thấy điều này: một live concert ca nhạc của một ca sỹ hạng A như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương... mức giá vé thường ở mức 1 triệu đồng trở lên nhưng hầu như show nào cũng hết vé. Những chiếc vé xem phim có mức giá từ 70 đến 200 ngàn đồng, nhưng một cụm rạp lớn của Hàn Quốc vừa công bố mức doanh thu quý III năm 2022 đạt mức 9 tỷ đồng/ ngày, đã vượt qua thời điểm trước dịch Covid-19.
Một ví dụ tiêu biểu nữa cho thấy khả năng chi trả của tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn: từ vài năm qua, công ty sách Đông A là đơn vị khởi xướng trào lưu xuất bản các cuốn sách phiên bản giới hạn, in trên những loại giấy đặc biệt, đóng gáy bìa da, thực hiện theo hình thức vô cùng cầu kì và mức giá thì cũng trên trời: dao động từ cả chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng "cuộc chơi" này vẫn thu hút một lượng không nhỏ người mua.
Những cuốn sách giới hạn có hình thức đẹp mắt, thiết kế bằng những chất liệu sang, có giá thành hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn thu hút một bộ phận người mua.Nhà báo Yên Ba, một người "chơi" sách phiên bản giới hạn cho biết, khi được đáp ứng nhu cầu “no, đủ” thì người ta bắt đầu hướng đến tiêu chí “đẹp và sang”. “Khi sở hữu những ấn bản đặc biệt thì người mua thường hướng tới mấy giá trị: thứ nhất đó là những ấn phẩm có giá trị về mặt nội dung đã được công nhận qua thời gian, qua các bảng xếp hạng hay của chính bạn đọc; thứ hai là khi sở hữu những tác phẩm như thế thì không chỉ là giá trị về mặt nội dung mà có thể gọi là một tác phẩm mỹ thuật cũng được, một tác phẩm nghệ thuật cũng được”, nhà báo Yên Ba nói.
Từ các ví dụ trên, chúng ta có thể thấy tại sao các đô thị là động lực cho phát triển Công nghiệp Văn hóa. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ 2 chiều, không chỉ bản thân các ngành Công nghiệp Văn hóa được hưởng lợi từ các đô thị mà bản thân các đô thị cũng nhận những lợi ích nhất định từ Công nghiệp Văn hóa. Các sản phẩm từ Công nghiệp Văn hóa giúp cải tạo không gian đô thị, tạo ra những địa điểm thú vị góp phần tạo nên bản sắc cho các đô thị, giúp khai thác tối đa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong lòng đô thị để biến chung thành các không gian sống với nét riêng sinh động. Công nghiệp Văn hóa cũng góp phần tạo ra cơ hội việc làm cho cư dân đô thị. Vì vậy có thể nói đây là mối quan hệ hỗ trợ 2 chiều đôi bên cùng hưởng lợi.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/index.php/van-hoa-giai-tri/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-trien-vong-tai-cac-do-thi-lon-39013.vov2