Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội
Với Thăng Long - Hà Nội, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn. Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Hành...
Cùng với sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa bản địa, đây là dòng họ nổi tiếng về cả văn chương, khoa bảng dưới thời Lê trung hưng, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng.
Theo Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Chủ tịch chi hội Kiều học Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam, dòng họ Nguyễn Tiên Điền có rất nhiều người nổi tiếng và gắn bó với vùng đất kinh kỳ như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều là những danh tướng, những công thần giúp vua chúa hoạch định kế hoạch xây dựng bảo vệ đất nước, triều đại. Còn Nguyễn Hành, Nguyễn Du được xem là những nhà văn hóa lớn của đất Thăng Long.
“Dòng họ này xuất hiện rất nhiều người làm quan và đứng hàng đầu ở Việt Nam, trong đó Nguyễn Du được xem là doanh nhân số một của dòng họ. Tuy chỉ đỗ tam trường thôi, song Nguyễn Du đã sáng tác nên những áng văn bất hủ, tiền vô cổ nhân, hộ vô lai giả, từ trước chưa từng có và về sau này rất khó có người có thể vượt được Nguyễn Du. Và có một điều đặc biệt là lúc nào cũng thế người ta đọc cái gì trong thơ Kiều, ngẫm là thấy mình ở bên trong, luôn luôn như vậy, đấy là một đặc điểm”.
Thân phụ của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, người góp phần mở mang nền học vấn nước nhà khi làm Tế tửu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của nước ta.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nguyễn Nghiễm đã chịu ảnh hưởng phong khí học hành khoa cử của quê hương. Bề dày tri thức cùng sự từng trải, lịch lãm và phong cách nghiêm cẩn của ông là tấm gương cho con cháu dòng họ noi theo.
Ông Hoàng Xuân Khoá, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cho biết: “Cụ Nguyễn Nghiễm cha đẻ cụ Nguyễn Du quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhưng sớm đỗ đạt làm quan, chức vụ rất to ở chính quyền Lê Trịnh. Ông có nhiều đóng góp cho văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, chẳng hạn như di tích Văn Miếu hiện nay đang còn, Nguyễn Nghiễm đã cho đúc các chuông lớn ở đây. Đó là dấu hiệu cho thấy ông rất quan tâm đến văn hóa nơi đây”.
Đền thờ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm
Nối tiếp cha, góp phần làm cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt và được biết đến như một dòng họ văn hóa ở đất kinh kỳ Thăng Long là Nguyễn Khản. Ông được nhiều sách ghi lại là người tài hoa và phong lưu rất mực, vừa giỏi thơ nôm, vừa có tài hội họa, đỗ đạt sớm, làm quan đến Nhập thị Bồi tụng.
Quãng thời gian sống với Nguyễn Khản ở phường Bích Câu Thăng Long, Nguyễn Du đã tiếp xúc với rất nhiều ca nương, từ đó đã thôi thúc ông sáng tác Truyện Kiều, một tác phẩm đạt đến đỉnh cao tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Theo nhà văn Phương Văn, Hội Kiều học Việt Nam: “Từ ngày xưa con cả cụ Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khảm đã dạy học, làm việc ở đây nhiều nhiệm kì tế tửu Quốc Tử Giám. Về sau Nguyễn Du lớn lên có hoạt động thanh thiếu niên và tiếp xúc với nhiều ca nương và thương cảm cuộc đời các cô, nên lui lại vùng Bích Câu, Quốc Tử Giám này, giao du văn hóa, thơ phú, ca hát... Chính điều đó đã giúp Nguyễn Du tôn cao lời lẽ trong Truyện Kiều và tác phẩm khác, để làm nên những áng văn chương bất hủ”.
Đối với Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho đất kinh kỳ nhưng đến nay, những tư liệu về niên biểu của Nguyễn Du và dòng họ không mấy được lưu trữ.
Vì vậy, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần xây dựng một không gian di sản văn hóa Nguyễn Du và gia tộc Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội, đồng thời phải trả lại không gian xứng tầm cho Tấm văn bia Đại thi hào Nguyễn Du.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” như vậy đánh giá rất cao di sản văn hoá là tiếng nói của dân tộc. Hiện nay văn bia đang ở vị trí quá khuất lấp, tôi đến tôi rưng rưng cảm động. Chúng tôi muốn sự vào cuộc của tất cả mọi người liên quan tới một công trình văn hoá, hiện nay đang bị lãng quên”.
Đồng quan điểm với PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, TS Trần Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: Cần phải có những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đang bị “cất kho” này: “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Nguyễn Du chính là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Bởi vì, những giá trị của Truyện Kiều không phải cho một lĩnh vực văn học mà còn liên quan đến lối sống con người xã hội hiện nay và nhiều vấn đề khác. Càng từng trải mới càng thấu hiểu tác dụng của Truyện Kiều trong cuộc sống mỗi gia đình, con người”.
Hiện nay ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Quỳnh Phụ (Thái Bình), Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình… đã và đang có kế hoạch xây dựng các khu lưu niệm và bia tưởng niệm Nguyễn Du. Những đóng góp này mang giá trị nhân văn, tạo dựng được nhiều ảnh hưởng tốt trong cộng đồng.
Trải qua bao thế kỷ, con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền vẫn tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã nuôi dưỡng bao người tài cho đất nước, trong đó đặc biệt là Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguyen-du-va-dong-ho-nguyen-tien-dien-voi-thang-long-ha-noi-23709.vov2