Ngư Phong Ngô Quang Bích: Vị thủ lĩnh miền Thao - Đà
Dòng họ Ngô cuối thế kỷ 19 có một danh sĩ có ảnh hưởng rất quan trọng trong phong trào Cần Vương vùng Tây Bắc, đó chính là Ngư Phong - Ngô Quang Bích (hay...
Ngô Quang Bích còn có tên là Nguyễn Quang Bích, tự là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong. Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn, tức 7 tháng 5 năm 1832. Quê hương ông thuộc làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Theo sử sách, Nguyễn Quang Bích thuộc dòng dõi họ Ngô Vương Quyền. Tại sao ông lại mang 2 họ như vậy? Nhà nghiên cứu, TS Ngô Quang Nam, hậu duệ cách ông 5 đời lý giải:
“Cụ Nguyễn Quang Bích vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và Ngô Từ, khai quốc công thần nhà Hậu Lê, ông ngoại vua Lê Thánh Tông, nhưng cách Nguyễn Quang Bích 4 đời thì dòng họ di cư về vùng Thái Bình ngày nay. Và do cụ nội đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn, để tri ân công ơn phù trợ, dưỡng dục, do vậy nên sử sách thường gọi cụ là Nguyễn Quang Bích. Đến đời con là Ngô Quang Đoan lấy lại họ Ngô (vì theo phong tục, nếu đổi họ ngoại thì sau 5 đời được phép lấy lại họ chính). Một số giả định là cụ được ban quốc tính hay đổi họ để đi thi đều không đúng".
Bên cạnh đó, xung quanh danh xưng Ngư Phong cũng ẩn chứa một câu chuyện ý nghĩa nhân văn về tấm lòng của một người con cả đời xa quê hương: “Ngư Phong là một ngọn đồi ở quê hương cụ, nó chính là gò Chài, là nơi cửa bể, những người dân chài đi biển về thường ngồi nghỉ ngơi và phơi chài lưới, nên gọi nôm là Gò Chài. Cụ lấy danh xưng Ngư Phong là để nhớ về quê hương mà từ khi đi thi Cụ không có dịp trở về nên lúc nào cũng nhớ quê” - TS Ngô Quang Nam nói.
Ngay từ nhỏ Ngô Quang Bích nổi tiếng thông minh học giỏi nhất trong vùng, ông là học trò của tiến sĩ Doãn Khuê. Năm 1858 ông đỗ tú tài, năm 1861 đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1869, ông đỗ Hoàng giáp và được cử làm Tri phủ tại phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay, rồi làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ngày nay.
Ngay sau khi đỗ đạt vào năm 1869, Đệ nhị giáp tiến sĩ Đình nguyên Nguyễn Quang Bích đã có buổi lễ nhậm chức khá đặc biệt. Trong buổi lễ này, thông thường những người đỗ đạt được vua ban thưởng và tâu biểu những điều mình mong muốn, sẽ được vua đáp ứng, ví như phong tước cho bố mẹ, hoặc cho quê nhà. Riêng Ngô Quang Bích không xin được ban gì mà dâng chiếu biểu lên nhà vua tỏ rõ lòng trung của mình, đại ý rằng, xin nguyện được làm con chim ưng để trừ loài ô thước (quạ đen). Ông ví quân Pháp xâm lược như loài ô thước và tỏ rõ tư tưởng kháng Pháp. Cũng trong chiếu biểu dâng lên vua, Ngô Quang Bích bày tỏ những kế sách dùng người và tư tưởng “trọng dân” chứ không chỉ là “thân dân”, “thương dân”…
Cuộc đời làm quan của ông còn trải qua các chức như: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc Tử Giám Huế, Án sát tỉnh Bình Định. Năm 1876 ông lại được cử kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa, thuộc vùng Phú Thọ, Yên Bái ngày nay. Ông là người cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp với thực dân Pháp (tức Hiệp ước Quý Mùi 25/8/1883) của triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1883 thực dân Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã chỉ huy binh lính giữ thành. Quân thì ít, thế thì nguy, Nguyễn Quang Bích định liều chết để giữ thành nhưng các tướng lĩnh bên cạnh đã kịp thời đưa ông lên ngựa, phá vòng vây của quân Pháp chạy về Tam Nông, Phú Thọ ngày nay, sau đó ông đến Cẩm Khê thu thập quân binh tính chuyện cố thủ lâu dài.
Khu di tích quốc gia căn cứ Tiên Động - Nơi thờ tự Ngư Phong Ngô Quang Bích
Năm 1885, khi vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương đã kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đứng dậy chống thực dân Pháp cứu nước. Cùng lúc đó có dụ khai phục và thăng chức cho các quan văn võ ngoài Bắc. Nguyễn Quang Bích được phong cấp Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ. Ông tập trung lực lượng, lập căn cứ mới tại vùng Nghĩa Lộ để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Với uy tín của mình, ông vừa trực tiếp chỉ huy phong trào, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với các phong trào khác của các sĩ phu, tù trưởng như Cầm Hánh, Bố Giáp, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh và đông đảo người dân gồm các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Dao, Mông…
Nghĩa quân ngày càng tăng, nên quân Pháp mấy lần càn quét hai huyện Văn Bàn và Văn Chấn (đầu tháng 12/1886), đánh vào Đại Lịch (1/1887) đều bị nghĩa quân của Ngô Quang Bích phục kích đánh, quân Pháp thiệt hại phải rút lui. Bị thất bại, quân Pháp một mặt dùng quân đội đàn áp, một mặt cho tay sai là Bố chánh ngụy tỉnh Hưng Hóa và Tri phủ ngụy Lâm Thao đến dụ dỗ nhưng Nguyễn Quang Bích đã cự tuyệt.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Quang Nam, không chỉ tỏ rõ thái độ kháng Pháp, Ngô Quang Bích còn là người có tài thao lược: “Tài thao lược của Ngô Quang Bích được thể hiện ở 2 điểm lớn đó là : Thứ nhất, cụ đã biết dựa vào rừng núi để thực hiện kháng chiến, thứ hai đã thu phục được rất nhiều tướng tài là người dân tộc thiểu số bản địa vùng Yên Bái, Sơn La như Cầm Hánh, Bố Giáp, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh… và thu hút được nhân dân khắp các vùng đó ủng hộ phong trào kháng Pháp…”
Văn bia ghi lại ý chí chống giặc ngoại xâm của Ngô Quang Bích tại khu căn cứ Tiên Động, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Khi làm quan, Nguyễn Quang Bích luôn tỏ ra là một vị quan thanh liêm, có đức độ nên được nhân dân các địa phương rất ngưỡng mộ và thường gọi ông là “hoạt Phật” có nghĩa là Phật sống. Cùng với tài thao lược, thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích còn là người giỏi thu phục nhân tâm, trong đó đã cảm hoá được một số “tướng giặc khách” lúc bấy giờ, mà tướng Lưu Vĩnh Phúc là một ví dụ.
“Lưu Vĩnh Phúc vốn là một tướng “giặc khách” lúc bấy giờ, là người Trung Quốc, nổi tiếng hung ác, đem quân sang đánh phá vùng biên giới phía Bắc, còn gọi là “giặc cờ đen”. Ngô Quang Bích cho mời Lưu Vĩnh Phúc đến bản phủ của mình, thiết đãi tiệc rượu và dùng nhiều cách để nói chuyện.
Biết được Lưu Vĩnh Phúc là học trò của Lý Phúc, một người bạn mà Ngô Quang Bích quen biết và kết thân trong những lần được giao đi sứ, hai người có mối thâm tình và Lý Phúc đã tặng Ngô Quang Bích chiếc kiếm quý. Lưu Vĩnh Phúc được nhìn thấy vật quý của sư phụ mình, lại thêm biết nhiều hơn về Ngô Quang Bích nên đã bị thu phục.
Sau này Lưu Vĩnh Phúc còn được Ngô Quang Bích tiến cử với triều đình, cho cầm quân về thành Thăng Long đánh Pháp và có thành tích tốt trong trận Cầu Giấy…” - Ông Ngô Quang Nam kể lại.
Tuy phong trào kháng Pháp ở vùng Tây Bắc cuối thế kỷ 19 bị giảm sút nặng nề sau cái chết của Nguyễn Quang Bích, nhưng công cuộc do ông và các cộng sự đã dày công gây dựng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn mà còn được tiếp tục ở miền hạ lưu sông Đà cho đến năm 1893. Dù chưa đạt được thắng lợi hoàn toàn nhưng với tinh thần yêu nước và tài thao lược quân cơ, Nguyễn Quang Bích đã để lại những bài học quý cho hậu thế.
Không chỉ là một vị một tướng tài, Ngư Phong Nguyễn Quang Bích còn sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn có giá trị góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn thơ yêu nước thời cận đại. Những tác phẩm thơ văn của ông thể hiện tấm lòng yêu nước, trọng dân
Ông có 3 tập thơ “Ngư phong thi tập” 1,2,3 nhưng hiện nay ở Thư viện Hán Nôm chỉ còn lưu giữ được tập 3, được viết năm 1885, có hơn 100 bài thơ. Còn về văn xuôi, ông có 3 tác phẩm nổi tiếng là “văn sách thi đình” thể hiện khá rõ tư tưởng của ông, bức thư trả lời thực dân Pháp được các nhà nghiên cứu sau này đánh giá là “áng hùng văn” và tác phẩm “Tự tình” ông viết trước lúc mất, được GS Trần Huy Liệu dịch. Có thể nói ông là một con người tự khiêm. Thơ văn của ông là tiếng lòng của một sĩ phu yêu nước, thể hiện tình cảm của mình với đồng bào, dân tộc.
Tiếc thay, công cuộc đang thu được một số kết quả, thì bất ngờ ông lâm bệnh nặng rồi mất tại núi Tôn Sơn, thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ngày rằm tháng Chạp năm Canh Dần, tức năm 1890. Tưởng nhớ ông, nhân dân lập nơi thờ tự ông tại khu căn cứ Tiên Động, nay thuộc xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 12/02/1999, khu căn cứ Tiên Động được Nhà Nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay nơi đây là địa điểm tham quan mang ý nghĩa lịch sử tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của tướng quân Ngô Quang Bích và các nghĩa sỹ.
Cột cờ tại khu căn cứ Tiên Động
Cùng với những tư tưởng tiến bộ và những di tích còn lại đến ngày nay mang đậm dấu ấn Ngô Quang Bích như cống lưu thủy Tam Đồng ở vùng Tiền Hải, Thái Bình, khu căn cứ Tiên Động thuộc xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, tên của ông được đặt cho một con phố ở Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm và nhiều đường phố và trường học ở các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Bình để hậu thế lưu nhớ một vị danh nhân tài ba của đất nước.
Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/index.php/van-hoa-giai-tri/ngu-phong-ngo-quang-bich-vi-thu-linh-mien-thao-da-26272.vov2