Hiệp hội làng nghề Việt Nam coi trọng và tôn vinh lao động trẻ ở làng nghề

21/08/2024 14:08 346

Đại hội lần thứ V Hiệp hội làng nghề Việt Nam ngày 16/8 sẽ tiếp tục mục tiêu: Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn văn hóa - Phát triển du lịch - Đổi mới...

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho hội viên làng nghề trong cả nước. Những năm qua, hoạt động của Hiệp hội được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong 19 năm, trải qua 4 nhiệm kỳ đã tập hợp đoàn kết các làng nghề, các tổ chức kinh tế văn hóa, các nghệ nhân trong làng nghề, phố nghề, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo để cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khôi phục, phát triển làng nghề...

Linh hồn làng nghề là đội ngũ nghệ nhân có tuổi ở làng nghề khi họ nắm giữ trong tay những bí kíp làm nghề. Nhưng để phát triển làng nghề ở góc độ tiếp nối, lan tỏa lại cần đội ngũ người trẻ có kiến thức, có khả năng lan tỏa. Đây cũng là nội dung phóng viên VOV2 phỏng vấn ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trước thềm Đại hội lần thứ V.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên VOV2. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên VOV2.

PV: Thưa ông, nhìn lại nhiệm kỳ IV của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, xin ông đánh giá một cách cơ bản nhưng việc đã làm được và cả những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ V?

Ông Lưu Duy Dần: Trong nhiệm kỳ IV vừa qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã hoạt động tốt trên nhiều mặt như nỗ lực triển khai các hoạt, bám sát các chương trình hoạt động đã đề ra: chấn hưng và phát triển làng nghề; văn hóa du lịch làng nghề; xúc tiến thương mại, thông tin, đối ngoại. Các chương trình hành động, hoạt động của Hiệp hội đều gắn với các chương trình của Nhà nước như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và Chương trình “Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”…

Hiệp hội còn tham gia góp ý xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Bảo tồn và Phát triển làng nghề; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự thảo sửa đổi Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định sửa đổi, bổ sung về quy định phong tặng nghệ nhân quốc gia; báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia...

Thực hiện và phát huy Nghị quyết Đại hội IV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, xuyên suốt và là phương hướng hoạt động của Đại hội V: “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Đổi mới Sáng tạo - Hội nhập Quốc tế”.

Một vấn đề nữa cần phải được coi như thành công của các nhiệm kỳ trước, trong đó đặc biệt phải kể đến nhiệm kỳ IV ở việc tạo nên được hệ thống làng nghề cả nước, tác động lớn tới phát triển nông nghiệp, phát triển văn hóa nông thôn, tạo nên diện mạo nông thôn mới. Người lao động ai cũng có việc làm bằng việc phát huy nghề của tổ tiên. Thế hệ trẻ của các làng nghề đi học không ly hương nữa, các em các cháu quay về phát triển nghề của quê hương đồng thời nâng lên ở một tầm mới. Điều này thể hiện bằng việc sản phẩm làng nghề có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Nhìn chung, các chương trình đã có những tác động tích cực, hỗ trợ tốt cho hội viên và nhận được sự phản hồi tích cực từ cơ sở làng nghề. Đặc biệt nỗ lực thực hiện các công việc với các đầu mối cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại mà Hiệp hội cần khắc phục như: hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc chưa cao, chưa có sức lan tỏa rộng lớn; mối quan hệ thường xuyên với các hội viên, nghệ nhân ở một số vùng miền còn hạn chế; nguồn nhân lực, vật lực của Hiệp hội chưa đáp ứng được các công việc đòi hỏi chuyên môn cao… Chính quyền ở nhiều địa phương nhiều khi chưa xác định hết cũng như có những đầu tư chính xác cho nghề của làng, chưa biết kết nối du lịch, xuất khẩu sản phẩm.

PV: Với những làng có nghề truyền thống nhưng hiện tại chỉ còn vài ba hộ gia đình duy trì làm thì Hiệp hội làng nghề có những hỗ trợ ra sao để nghề thực sự sống lại ở làng, thưa ông?

Ông Lưu Duy Dần: Vấn đề này thực sự cần đến vai trò của Ủy ban, chính quyền sở tại bởi hơn ai hết, họ là người của địa phương, họ cần thấy được vai trò của nghề truyền thống của làng, nhìn nhận được lịch sử hình thành cũng như những gia đình, cá nhân có khả năng tiếp nối làm nghề. Thêm nữa chính là những người trẻ được học hành bài bản, lại được trang bị về khoa học công nghệ, được lớn lên và chứng kiến sản phẩm của làng mình, phát hiện tiềm năng liên kết văn hóa du lịch... mới hi vọng khôi phục và phát huy nghề truyền thống của làng. Cần tạo điều kiện cho những người trẻ được tham gia vào phát triển làng nghề. Đây là hướng đi của Hiệp hội làng nghề Việt Nam trong giai đoạn này và tiếp tục trong những năm tiếp theo.

Gốm Hương Canh khi có bàn tay và sức sáng tạo từ đội ngũ lao động trẻ của làng nghề sẽ chinh phục thị trường bằng những sản phẩm mang hơi thở đương đại Gốm Hương Canh khi có bàn tay và sức sáng tạo từ đội ngũ lao động trẻ của làng nghề sẽ chinh phục thị trường bằng những sản phẩm mang hơi thở đương đại

PV: Ông vừa nhắc tới thế hệ trẻ ở làng nghề. Việc họ trở về sau khi tốt nghiệp trường nghề, cao đẳng, đại học và đem kiến thức mới về sản phẩm, về thị trường, về thương hiệu... đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo làng nghề ra sao?

Ông Lưu Duy Dần: Sự trở về của những trí thức trẻ làm cho nông thôn “bừng tỉnh” bằng việc đem những sáng tạo cho sản phẩm làng nghề, cập nhật xu hướng trong nước và quốc tế để có khả năng xuất khẩu, đem về việc làm, nguồn thu và cả tiếp tục bồi đắp văn hóa truyền thống. Bởi lẽ đó, chúng ta phải tính đến việc vinh danh, khen thưởng người trẻ.

Ở đây chính quyền địa phương lại phải cần một sự khách quan, công bằng và dám tôn vinh những gương mặt trẻ, khuyến khích họ tham gia đóng góp nhiều hơn nữa. Có như vậy mới hi vọng thành công trong phục hồi, phát triển mạnh mẽ sản phẩm làng nghề. Và như vậy được coi như "có phúc" cho làng nghề. Từ danh sách địa phương đưa lên Hiệp hội mới có thể công nhận danh hiệu nghệ nhân. Nghệ nhân có tuổi đồng thời có kinh nghiệm, tay nghề nhưng người trẻ lại giỏi nhiều thứ khác và cần phải trân trọng họ.

PV: Việc vinh danh các nghệ nhân trẻ sẽ xóa đi quan điểm sống lâu lên lão làng hay cứ già mới là nghệ nhân. Và chính điều này có tác động thúc đẩy phát triển làng nghề trong giai đoạn mới này, thưa ông?

Ông Lưu Duy Dần: Tôi ví dụ thế này, gỗ này, đất này nghệ nhân già biết phù hợp lên dạng sản phẩm nào. Nhưng để đưa sản phẩm ấy đi xa thì phải có kết nối, có ngoại ngữ, có thị trường... Sản phẩm làng nghề nếu chỉ quanh quẩn trong làng hoặc đến vài ba địa phương sẽ không thể nuôi nổi người làng nghề, không thể thu hút lao động địa phương và rồi cuối cùng nghề sẽ mai một. Đó là thực tế chúng ta chứng kiến ở nhiều làng nghề trong nhiều thập kỉ trước. Chính người trẻ chứ không phải ai khác đã làm được việc giới thiệu, kết nối sản phẩm của làng mình đến các thị trường khác nhau và cũng chính họ khơi gợi lại nghề từ những người già từng làm nghề bắt tay tạo lại những sản phẩm đã dừng sản xuất từ lâu.

Tôi đánh giá cao lớp trẻ trong suốt giai đoạn vừa rồi trong hành trình khôi phục và phát triển làng nghề. Chính bởi thế Hiệp hội làng nghề luôn coi trọng sự công bằng trong xét danh hiệu, trong cả phần việc làm tấm bằng xác nhận danh hiệu nghệ nhân cần có sự tham gia của những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà khoa học uy tín chứ không phải chỉ một mình ông chủ tịch Hiệp hội ký. Hội đồng xét duyệt cũng ngồi họp công khai, lấy biểu quyết rõ ràng, không thiên vị ai, cá nhân nào. Rồi đến cả khâu tổ chức vinh danh cũng làm trang trọng để người nhận danh hiệu nghệ nhân cùng làng nghề của họ cũng cảm thấy tự hào.

PV: Vậy thưa ông, trong số những nghệ nhân làng nghề được vinh danh, nghệ nhân trẻ, nhất là những người đã học tập và trở về xây dựng quê hương chiếm tỉ lệ ra sao?

Ông Lưu Duy Dần: Qua 10 lần tổ chức phong tặng Nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam từ năm 2007 đến 2022, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phong 1.041 danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam. Qua các đợt, tôi cho rằng những cá nhân xứng đáng đều lần lượt được vinh danh. Và như tôi đã nói việc vinh danh được thực hiện công khai, minh bạch, không có chuyện kiện cáo. Trong nhiệm kì IV thì nghệ nhân trẻ chiếm khoảng 30%. Mừng nhất ở việc các em trẻ yêu nghề, đồng thời giàu lên từ nghề bằng những sản phẩm phong phú, nhiều sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Một thế hệ làng nghề hội nhập.

Làng nghề hương ở Hà Nội hút khách du lịch, gia tăng thu nhập cho người lao động từ mô hình kết hợp phát triển làng nghề với du lịch.

PV: Làng nghề không chỉ tập trung vào sản phẩm bán ra thị trường. Đây còn được coi như không gian phát triển du lịch trải nghiệm. Nhiệm kì vừa rồi đã chứng kiến quá trình kết nối giữa làng nghề với du lịch ra sao, thưa ông?

Ông Lưu Duy Dần: Ở đây tôi vẫn nhấn mạnh tiếp vai trò của người trẻ của làng nghề. Phần lớn việc kết nối nằm ở họ bằng khả năng ngôn ngữ, bằng các dịch vụ đón du khách tham gia vào các hoạt động làng nghề như tạo nên không gian để du khách trực tiếp làm sản phẩm. Ví dụ như làng nghề gốm Bát Trang, Hương Canh có những buổi làm gốm cuối tuần để ai cũng có thể được hướng dẫn tự tay làm nên sản phẩm của riêng mình, rồi đến các xưởng ngắm quy trình tạo nên một sản phẩm gốm đạt tiêu chuẩn ra thị trường... Rồi khách du lịch mua sản phẩm làng nghề mang về, các dịch vụ nhà hàng, quán cafe cũng vì thế có thể phát triển ngay tại làng nghề phục vụ khách đến trải nghiệm. Rồi cả những tấm ảnh về làng nghề, về sản phẩm làng nghề được du khách đưa lên trang cá nhân có giá trị quảng bá rất tốt và lại miễn phí. Nếu không có lớp trẻ sẽ không thể khôi phục và tiếp tục duy trì làng nghề trên nhiều góc độ.

PV: Trong nhiệm kỳ V sắp tới, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đặt những trọng tâm gì và cá nhân ông kì vọng gì ở những nhân tố mới trong Ban chấp hành Hiệp hội?

Ông Lưu Duy Dần: Chính phủ ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Những chủ trương, chính sách ấy của Chính phủ đem đến cho làng nghề những cơ hội để phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Tuy nhiên, để chương trình đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, thời gian qua, Hiệp hội đã đồng hành cùng các làng nghề, nghệ nhân trên khắp cả nước vượt qua những khó khăn, chủ động nắm những cơ hội, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn còn vướng mắc; theo dõi sát sao các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đề xuất, góp ý và tuyên truyền, phổ biến tới làng nghề.

Trong nhiệm kỳ 2024- 2029, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm như: Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg, ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”; Vận động để các cơ quan Nhà nước xây dựng “Luật về Làng nghề”… Và một nội dung quan trọng chính ở đội ngũ lao động trẻ ở các làng nghề. Họ cần được đầu tư, quan tâm, khích lệ và cả vinh danh.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hiep-hoi-lang-nghe-viet-nam-coi-trong-va-ton-vinh-lao-dong-tre-o-lang-nghe-49594