Khi người dân tộc thiểu số tham gia quảng bá du lịch văn hoá địa phương

09/07/2024 08:10 456

Với mô hình homestay phục vụ phát triển du lịch, các món ăn, các làn điệu dân ca, dân vũ được ông Dương Công Chài, người dân tộc Tày, thôn Nà Riềng, xã Bắc...

Sau khi về hưu năm 2010, nhận thấy thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn quê hương mình có nhiều di tích, thắng cảnh cũng như có những phong tục tập quán đặc trưng có thể phát triển du lịch, ông Dương Công Chài đã mạnh dạn triển khai mô hình homestay. Không những vậy ông còn hỗ trợ các hộ gia đình xung quanh cùng phát triển mô hình homestay để giúp bà con cùng vươn lên trong cuộc sống. Ban đầu chỉ là ngôi nhà sàn cổ của gia đình, sau nhờ được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về văn hóa - du lịch do địa phương tổ chức, ông đã cải tạo dần dần, biến ngôi nhà sàn cổ đơn sơ thành khu homestay được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích.

Ông Dương Công Chài trong căn nhà cổ gần trăm tuổi của gia đình Ông Dương Công Chài trong căn nhà cổ gần trăm tuổi của gia đình

"Xã Bắc Quỳnh có những điều mà du khách rất thích thú, ví dụ lên đỉnh Nà Lay ngắm toàn cảnh của thung lũng của huyện Bắc Sơn, đây là thung lũng đẹp nhất là vào mùa lúa chín hoặc là ẩm thực, cách sống nếp sinh hoạt của người dân ở đây. Khi khách đến thì có các món như gà quay, vịt, rau thì rau rừng… và tất cả các đặc sản của của dân tộc bản địa này. Đây là đặc điểm thu hút du khách, cũng là hướng phát triển mang lại thu nhập" - ông Dương Công Chài chia sẻ.

Thời gian qua, những chủ trương chính sách, giải pháp bảo tồn giá trị di sản văn hóa, xúc tiến quảng bá văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn lấy người dân làm trung tâm, do đó đã bước đầu hình thành đội ngũ những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, thực hành truyền dạy là người dân tộc thiểu số, người bản địa. Lực lượng này luôn tiên phong đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa, tham gia trực tiếp phát triển các sản phẩm du lịch, trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh du lịch.

Những năm trước khi chưa có dịch Covid-19, riêng việc cho thuê dịch vụ nghỉ tại gia đình, ông Chài thu gần 100 triệu đồng, nếu tính cả dịch vụ ăn uống thì trên dưới 200 triệu đồng. Đây là con số ấn tượng không chỉ với gia đình ông mà còn với cả bà con trong thôn. Thấy được tiềm năng và lợi thế từ bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông Chài đã hướng dẫn bà con trong thôn cùng làm, cùng phát triển và được bà con hưởng ứng nhiệt tình.

Thuộc thế hệ 9X, anh Dương Công Cồ, chủ nhân của BacSonHomestay ở thôn Nà Riềng cũng mạnh dạn theo ông Chài, bước đầu mở homestay nhà mình. Anh Cồ đã được tận tình hướng dẫn, từ cách làm thức ăn cho đến vệ sinh môi trường… Làm sao để vừa phát triển du lịch, thu hút du khách, phát triển kinh tế gia đình, lại vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá của địa phương.

Anh Dương Công Cồ (áo vàng), chủ nhân của BacSonHomestay ở thôn Nà Riềng cũng mạnh dạn theo ông Chài Anh Dương Công Cồ (áo vàng), chủ nhân của BacSonHomestay ở thôn Nà Riềng cũng mạnh dạn theo ông Chài Anh Cồ đã được Bác Chài tận tình hướng dẫn, từ cách làm thức ăn ra sao cho đến vệ sinh môi trường như thế nào... Anh Cồ đã được Bác Chài tận tình hướng dẫn, từ cách làm thức ăn ra sao cho đến vệ sinh môi trường như thế nào...

Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghiên cứu khai thác giá trị văn hóa phục vụ hoạt động du lịch cần thiết phải có sự tham gia trực tiếp, liên tục của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là những hạt nhân tiêu biểu như nghệ nhân, những nhà nghiên cứu, am hiểu về văn hóa và du lịch là người bản địa. Ông Chài là một trong số những người như vậy.

Ông Dương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: "Ông Dương Công Chài là người dân tộc Tày, có vốn hiểu biết lớn sâu sắc về văn hoá của người dân tộc Tày địa phương. Ông có rất là nhiều công lao đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để đưa vào khai thác du lịch của địa phương…

“Còn sức là còn làm, còn uy tín thì vẫn tiếp tục cống hiến”. Với tâm niệm đó, ông Dương Công Chài tuy tuổi đã cao nhưng vẫn ngày ngày tiếp tục hành trình của mình để quảng bá du lịch, văn hoá địa phương, giúp cho cộng đồng dần có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, đặc biệt giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn di sản trước trào lưu du nhập.

Ông Dương Công Chài đang chuẩn bị đón khách đến nghỉ lưu trú tại gia đình Ông Dương Công Chài đang chuẩn bị đón khách đến nghỉ lưu trú tại gia đình

Người dân vừa là chủ nhân sáng tạo, sở hữu và tiếp tục phát triển những di sản văn hóa, vừa là chủ thể lưu giữu, bảo tồn các giá trị văn hóa đó, ông Dương Công Chài là nhân chứng sống, chứng kiến sự thay đổi của thời đại và có thể bảo lưu một cách bền vững nhất hồn cốt văn hóa của gia đình, cộng đồng. Chỉ có họ mới hiểu và có thể truyền đạt được đầy đủ nhất những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc trong văn hóa mà họ đang lưu giữ.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/khi-nguoi-dan-toc-thieu-so-tham-gia-quang-ba-du-lich-van-hoa-dia-phuong-49097.vov2