Nét quê hương trong gốm làng Ngòi
Không nổi tiếng như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng hay Thổ Hà, gốm làng Ngòi mới có tuổi đời chưa tới 20 năm. Tuy nhiên, với những nét độc đáo, giản dị,...
Khác với gốm Bát Tràng là vẽ và trang trí bằng màu, gốm Phù Lãng vuốt và dội men... gốm làng Ngòi được trang trí bằng họa tiết hoa văn đắp nổi trên chất liệu gốm nâu sành với hai màu rất đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Và chính nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến với những kiến thức được học ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cùng với quá trình học hỏi các làng gốm nổi tiếng khắp từ Bắc vào Nam đã tìm ra một lối đi riêng cho gốm làng Ngòi.
Một tác phẩm mới đang được nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến thể hiện
Với năng khiếu trời phú và đôi bàn tay tinh xảo, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến đã biến nguyên liệu từ “cục đất sét” thành những sản phẩm gốm làng Ngòi có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Theo ông, những viên đất sét đỏ phải được lựa chọn, xử lý thật kỹ, không lẫn tạp chất thì mới được sử dụng. Ở làng Ngòi, những bức tranh gốm được xem là hồn cốt, là những câu chuyện có ngôn ngữ riêng và tất nhiên là phải mất rất nhiều thời gian và công sức. “Tôi được sinh ra trong một làng xã và đã tiếp nhận được cả một nền văn hóa. Văn hóa lúa nước, nét sinh hoạt lối sống, đặc trưng vùng miền của Kinh Bắc là nguyên liệu chính để tôi đưa vào trong các tác phẩm”, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến chia sẻ.
Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến bên một tác phẩm quê hương vừa hoàn thành
Những đề tài thôn dã như dòng tượng dân gian Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, phù điêu hoa sen, cây cỏ, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, nét văn hóa vùng miền như liền anh liền chị quan họ, các lễ hội, các hình tượng dân gian “Tứ quý”, “Tam ngưu ngũ tử”, “Ngũ hổ quần cư”, “Ngư tiều canh mục” hay “Mã đáo thành công”... được khéo léo đưa vào trong gốm làng Ngòi, vừa mang nét dân gian cổ truyền, vừa mới lạ, ngộ nghĩnh, dí dỏm và mộc mạc giản dị. Điều đó khiến cho những du khách như chị Ngô Vũ Bích Hà, đến từ Hà Nội rất thích thú: “Tranh gốm làng Ngòi có một đặc điểm rất dễ nhận thấy đó là đắp nổi. Nó mộc mạc hơn so với dòng tranh Phù Lãng hay Bát Tràng. Những bức tranh rất đẹp cho thấy sự sáng tạo, chau chuốt với nghề của các nghệ nhân”. Còn ông Nguyễn Mạnh Quý, du khách tỉnh Bắc Ninh thì có cảm nhận: “Gốm làng Ngòi rất tinh túy, rất có hồn. Càng nhìn càng đẹp, càng nhìn càng thu hút”.
Nhiều năm nay, gốm làng Ngòi đã trở thành một thương hiệu uy tín, nhận được sự mến mộ của bạn bè trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm còn sang cả Nhật Bản, Dubai, Ai Cập, châu Âu... “Đất chẳng phụ lòng người”, gốm làng Ngòi được hun đúc bởi văn hóa tự ngàn đời nên nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến và những người thợ khác trong làng coi đây là trách nhiệm để cùng nhau gìn giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/net-que-huong-trong-gom-lang-ngoi-22766.vov2