Làm gì để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc?

02/06/2022 16:13 891

Khi đời sống đồng bào càng nâng cao, dưới sự tác động của văn minh hiện đại, liệu các giá trị văn hóa truyền thống bản địa có còn không gian để tiếp tục tồ...

Theo Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 2019 địa bàn Tây Nguyên có đủ 54 dân tộc của cả nước, là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống. Tuy nhiên trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chỉ còn chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc nơi khác đến chiếm 8,73%. 

Trong bối cảnh đó, làm thế nào để bảo tổn, gìn giữ các tinh hoa văn hóa các DTTS là một vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lí nhà nước. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch tỉnh Lâm Đồng – một tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên – về những chính sách mà địa phương này đã và đang thực hiện để bảo tồn trọn vẹn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Thưa ông, với đặc thù là một khu vực hiếm hoi của Việt Nam quy tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng có quan điểm chủ trương như thế nào để thúc đẩy việc các dân tộc anh em cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng văn hóa bản địa lẫn nhau?

Ông Trần Thanh Hoài: Ở tỉnh Lâm Đồng chúng tôi – một tỉnh Nam Tây Nguyên – có 47 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bảo DTTS gốc Tây Nguyên có 3 tộc người: Châu Mạ, K’Hor, Chu Ru. Những DTTS gốc Tây Nguyên này có những bản sắc văn hóa rất tuyệt vời, đáng được tiếp tục phát huy và tôn vinh, trong đó chia ra thành 2 loại: vật thể & phi vật thể.

Lễ hội của dân tộc Châu Mạ ở Lâm Đồng

Về văn hóa phi vật thể thì hiện nay tỉnh chúng tôi sở hữu 84 lễ hội. Từ năm 2005 Đà Lạt đã được Chính phủ chọn là nơi tổ chức Festival Hoa, bên cạnh đó còn có Lễ hội Trà & Tơ lụa của Bảo Lộc, các lễ hội này nhằm phát triển các huyện phía Nam của tỉnh, vì như bạn biết diện tích của tỉnh Lâm Đồng hơn 1 triệu ha (từ Đà Lạt xuống đến huyện cuối cùng dài cả 200km). Do đó việc phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi quy hoạch rất chi tiết phù hợp với địa chính trị của khu vực, đặc biệt phải dựa trên nền tảng văn hóa của từng vùng miền.

Hiện nay, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa-Thể thao& Du lịch và các cơ quan TW, chúng tôi đang tập trung phục dựng các lễ hội. Vì điều chúng ta băn khoăn nhất là, khi đời sống đồng bào càng nâng cao, dưới sự tác động của văn minh hiện đại, thì các giá trị văn hóa truyền thống bản địa có còn không gian để tiếp tục tồn tại và phát triển hay không? Đây không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà đòi hỏi một quá trình nghiên cứu lâu dài từ tất cả các giới: chính giới, học giới, quản lý, các doanh nghiệp...

Phóng viên: Ngoài việc phục dựng các lễ hội truyền thống thì Lâm Đồng còn có những hoạt động gì để thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc anh em đang cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hoài: Chúng tôi còn có các hoạt động thể thao như: bóng đá, điền kinh, võ thuật, boxing. Hàng năm chúng tôi đều tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc của tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của 12 đoàn (12 huyện thị). Trong thành phần các đoàn gồm các nghệ nhân, diễn viên người đồng bào DTTS trình diễn các bản sắc văn hóa riêng. Việc tổ chức hàng năm như thế giúp chúng tôi định vị lại bản sắc văn hóa của Lâm Đồng. Vì như bạn biết hiện nay các bản sắc văn hóa dân gian cũng thất truyền nhiều! Nhiều nghệ nhân giỏi lớn tuổi rồi mất đi. Hiện nay chúng tôi đang đề xuất những cơ chế hỗ trợ đặc biệt.

Lâm Đồng nằm trong không gian của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Làm sao để lưu giữ trọn vẹn di sản cồng chiêng Tây Nguyên cũng là một thách thức. Mà cồng chiêng phải có không gian mới có thể tồn tại phát triển. Cồng chiêng phải có núi rừng, chứ không thể là một không gian khác như thành phố đô thị là không phù hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bố trí quỹ đất, thậm chí là môi trường sinh thái lý tưởng nhất để cồng chiêng Tây Nguyên có thể có đời sống riêng với tất cả sự thiêng liêng của nó. 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/lam-gi-de-bao-ton-cac-gia-tri-di-san-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-35209.vov2