Lê Văn Hưu: Vị sử gia đầu tiên của nước Đại Việt
Thời nhà Trần, vào năm 1272 có một tác phẩm đặc biệt được hoàn thành, đó chính là Đại Việt sử ký.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, từ nhỏ, Lê Văn Hưu đã là người rất thông minh; và có nhiều giai thoại gắn với sự thông minh của ông:
"Đây là người “thông minh vốn sẵn tính trời” ta có thể dùng Kiều để nói về Lê Văn Hưu như thế. Khi còn nhỏ học ở làng thầy giáo đã phải thốt lên câu: Con đã học hết chữ của thầy rồi, thầy không còn gì để dạy con nữa, đặc biệt là những lần đi chơi, dạo ở quanh làng, làng này có nghề rèn thì đã có 1 giai thoại về câu đối người thợ rèn ra cho Lê Văn Hưu: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”. Lê Văn Hưu đối liền: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.
Với tư chất hơn người như vậy nên sau này khi lớn lên Lê Văn Hưu đi thi và đỗ Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta có đặt danh hiệu Tam khôi, tức là 3 người đỗ đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Năm đó ông mới 17 tuổi và kể từ đó ông có những đóng góp to lớn cho triều đại nhà Trần. Mở đầu với chức vụ Kiểm pháp quan - là chức quan trông coi việc Hình luật, rồi đến Binh bộ Thượng thư, Hàn lâm Viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu. Ông cũng là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải – một trong những danh tướng của cuộc chiến chống Nguyên Mông. Tuy nhiên, vai trò của ông lại gắn liền với quá trình hình thành và hoàn thiện cuốn Đại Việt sử ký.
Trong suốt quãng thời gian làm việc ở Quốc sử viện, vào năm 1272 ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - Bộ Quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển được hoàn thành vào năm 1272, ghi lại những sự kiện quan trọng chủ yếu suốt 15 thế kỷ của đất nước.
Trong Đại Việt sử ký của Ngô Sĩ Liên hiện đang lưu hành vẫn còn 29 đoạn ghi rõ là: “Lời của Lê Văn Hưu”, rất tiếc qua thời gian, Bộ Quốc sử Đại Việt đầu tiên đến nay không còn nhưng vẫn còn có thể thấy thấp thoáng Bộ Quốc sử này trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên - vị sử thần thời Lê.
Với những đóng góp của Lê Văn Hưu cho lịch sử nước nhà, trong “Đại Việt sử ký ngoại kỉ toàn thư” Ngô Sĩ Liên đã đánh giá về vị sử gia tài năng này như sau: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.
Về già, Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà. Ông mất ngày 23 tháng 3 năm 1322, thọ 92 tuổi. Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867 đề “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”, phần nội dung bia ghi tiểu sử, bài minh ca ngợi tài đức, sự nghiệp của ông.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-van-huu-vi-su-gia-dau-tien-cua-nuoc-dai-viet-24621.vov2