Nguyễn Cư Trinh với "hành trình mở cõi phương Nam"

30/09/2024 10:19 569

Ngoài việc để lại những tác phẩm văn học chữ Nôm nổi tiếng như Sãi Vãi, Đạm Am thi tập, Quảng Ngãi thập nhị vịnh... Nguyễn Cư Trinh là người khép lại “hành

Hơn 300 năm định hình và phát triển vùng đất Phương Nam, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII dưới triều các chúa Nguyễn đã có nhiều tên tuổi những người anh hùng của dân tộc được ghi dấu. Nếu như Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người tiên phong dựng dinh ở trấn Biên Hòa, Gia Định thì Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là người hoàn thiện bản đồ hình chữ S đến vùng Hà Tiên, Kiên Giang, Cà Mau như ngày nay.

Theo sử sách, Nguyễn Cư Trinh sinh năm 1716 ở xã An Hòa, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - nay là phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tên thật của ông là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, hiệu là Đạm Am, Đường Qua và Hạo Nhiên. Tổ tiên ông xưa kia là Trịnh Cam, làm quan thời nhà Lê đến Binh bộ Thượng thư. Cha Nguyễn Cư Trinh là Nguyễn Đăng Đệ, nổi tiếng về tài văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm Tri huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa, được chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mến tài ban cho quốc tính.

Mộ Nguyễn Cư Trinh tại Huế. Ảnh: Internet Mộ Nguyễn Cư Trinh tại Huế. Ảnh: Internet

Là con út trong gia đình có truyền thống văn học, ngay từ nhỏ Nguyễn Cư Trinh đã nổi tiếng hay chữ. Năm 18 tuổi, Nguyễn Cư Trinh được sung làm Huấn đạo. Năm 24 tuổi (1740), ông thi đỗ Hương cống, được cử làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Một năm sau (1741) ông được thăng Văn chức (chức đại thần bên văn). Năm 1750, ông được phong làm Tuần phủ Quảng Ngãi tước Nghi Biểu hầu.

Năm Quý Dậu 1753, ông được bổ làm Ký lục dinh Bố Chính. Cùng năm này, ông được triệu làm tham mưu, cùng Thống suất Thiện Chính chinh phạt Chân Lạp. Đến năm Ất Dậu 1765, ông được triệu về Kinh nhận trách nhiệm tại bộ Lại.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học nhận định, với tài năng văn võ song toàn nên cuộc đời quan lộ của Nguyễn Cư Trinh khá hanh thông hiển đạt. “Chỉ không đầy 10 năm tham chính, năm 1750 Cư Trinh đã được giao giữ chức Tuần phủ (Tuần vũ) Quảng Ngãi, với trọng trách tiễu trừ giặc cướp, ổn định an ninh biên giới ở miền Tây Quảng Ngãi. Ông tiến hành xây dựng hệ thống đồn lũy nơi hiểm yếu, kết hợp chính sách kinh tế với an ninh quốc phòng. Nguyễn Cư Trinh là gương mặt điển hình của một quan chức - trí thức khai hóa trong quá trình mở nước của chúa Nguyễn”.

Miếu thờ Nguyễn Cư Trinh tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Internet Miếu thờ Nguyễn Cư Trinh tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Internet

Nguyễn Cư Trinh được đánh giá là một nhà chính trị khôn khéo. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), tộc người thiểu số ở Đá Vách (Quảng Ngãi) nổi dậy chống đối, quấy phá người Việt thời gian dài nhưng chưa dẹp được. Năm 1750, chúa Nguyễn phong Nguyễn Cư Trinh làm Tuần phủ những mong tài năng của ông có thể dẹp loạn tặc. Nhiệm vụ này không dễ, bởi tộc người thiểu số hung tợn. Với tài năng của một quan văn, Nguyễn Cư Trinh đã sáng tác bài vè Sãi Vãi rồi cho phổ biến rộng rãi. Khi lòng quân hăng hái ông liền cho tiến quân đến tận hang ổ, nhóm loạn tặc sợ hãi trốn sạch.

Sau đó ông không rút quân mà dựng trại, khẩn hoang vỡ đất, vừa tăng gia sản xuất vừa canh phòng các nơi xung yếu, làm vẻ như sẽ đóng quân lâu dài. Nhóm phản loạn thấy vậy sợ hãi đành kéo nhau ra hàng. Nguyễn Cư Trinh lúc này dùng đạo lý đối đãi, vỗ về và chỉ hướng làm ăn. Tộc người này từ đó quy thuận, vấn nạn được giải quyết triệt để mà không hao binh tổn tướng khiến ai nấy nể phục.

Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh, Khoa Văn học, Đại học Huế cho rằng Nguyễn Cư Trinh chính là người đã tổng kết lại một phương thức ngoại giao đầy khôn khéo, đi đúng theo con đường của cha ông và phù hợp với thực lực của chính quyền lúc bấy giờ. “Nguyễn Cư Trinh đã thực hiện chính sách thuyết phục kêu gọi, để đối phương phải nhượng bộ và chúng ta sẽ bước dần những bước để mở đất chứ không phải là dùng lực lượng mạnh để đàn áp gây đổ máu, chết chóc”.

Tài năng của Nguyễn Cư Trinh càng thể hiện rõ nét khi phụng lệnh vào Nam, hoàn thành công nghiệp mở nước, an dân cho chúa Nguyễn. Nguyễn Cư Trinh vốn là một văn quan nhưng khi tham gia vào công cuộc công mở đất, ổn định Đàng Trong của Chúa Nguyễn thì lại phải giữ vai trò của một tướng quân võ bị. Ông đã kết hợp cả văn lẫn võ, kết hợp giữa chí khí sống của người quân tử với một võ tướng ngoài biên thùy, từ đó tạo nên một bản lĩnh Nguyễn Cư Trinh, vừa có cái ngang tàng mạnh mẽ của người quân tử, dám phản đối lại những quan lại chuyên quyền trong triều đình, nhưng lại cũng là một con người rất dịu dàng trước thiên nhiên, dễ rung động trước cảnh đẹp có chiều sâu có nội lực văn hóa trong hành xử của mình.

Việc khắc số hiệu lên đầu thuyền để quản lý do Nguyễn Cư Trinh đề xuất được áp dụng đến ngày nay. Ảnh: Internet Việc khắc số hiệu lên đầu thuyền để quản lý do Nguyễn Cư Trinh đề xuất được áp dụng đến ngày nay. Ảnh: Internet

Chỉ trong 10 năm, Nguyễn Cư Trinh cùng với cộng sự đã mang thêm về cho Chúa Nguyễn các vùng đất từ Châu Đốc kéo dài đến Sa Đéc và dải đất chạy từ Rạch Giá đến Cà Mau. Đến năm 1753 dưới triều đại của Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Cư Trinh với tư cách là tham mưu đã giúp xây dựng được đảo Tấn Châu Dinh Long Hồ nối một cái vòng lớn để chúng ta có một rải lãnh thổ trọn vẹn, hoàn thành bước đường Nam Tiến về phương Nam.

Trong 11 năm trấn giữ biên cương phía Nam, ngoài công lao mở đất an dân, ông còn có nhiều sáng kiến nhằm phát triển Nam bộ về mọi mặt. Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng là người thương dân, trong tất cả mọi việc, từ việc doanh điền đến dẹp loạn biên cương, ông đều lấy việc thu phục nhân tâm làm đầu. Vì yêu quý dân mà ông từng tấu lên chúa Nguyễn. Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm kể lại: “Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 10) chép sự việc này như sau: "Mùa đông, tháng 10 năm Tân Mùi (1751), Nguyễn Cư Trinh (khi ấy đang giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi) có dâng một bức thư nói về tình trạng khốn đốn của dân gian. Ông cho rằng: Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước chẳng thể yên, cho nên nếu ngày thường không chăm dùng ân huệ để cốt kết lòng người, thì đến khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu? Trộm nghĩ, thói tệ bạc chất chứa trong dân gian đã nhiều, nếu cứ thủ thường như cũ, không biết tùy thời thêm bớt và thiết lập kỷ cương, thì một ấp cũng khó giữ được, huống chi một nước. Nay, có ba việc gây tệ hại cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án kiện, chưa kể những sự nhũng nhiễu khác không sao kể xiết...".

Sãi Vãi - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Cư Trinh Sãi Vãi - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Cư Trinh

Nguyễn Cư Trinh còn được biết đến trong một vai trò là nhà thơ, thường xướng họa ngâm vịnh với nhóm Tao đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên. Nguyễn Cư Trinh đã để lại Đạm An thi tập chữ Hán, "Quảng Ngãi thập nhị vịnh" (12 bài thơ vịnh cảnh Quảng Ngãi) và Truyện Sãi Vãi viết bằng chữ Nôm... đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn học và vai trò của Nguyễn Cư Trinh trong văn học.

Năm 1767, Nguyễn Cư Trinh tạ thế trong một ngày ảm đạm. Hậu thế ngưỡng vọng và truy tặng ông là bậc Tá lý Công thần, Vinh lộc Đại phu, thụy Văn Định. Đến đời vua Minh Mạng, ông được truy tặng là Khai quốc Công thần, Hiệp biên Đại học sĩ, đổi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh hầu, cho tòng tự ở Thái miếu (Huế). Khu mộ Nguyễn Cư Trinh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1998.

Tên của Nguyễn Cư Trinh đã được đặt cho đường phố ở các thành phố lớn. Ảnh: Internet Tên của Nguyễn Cư Trinh đã được đặt cho đường phố ở các thành phố lớn. Ảnh: Internet

Lịch sử ghi nhận Nguyễn Cư Trinh là người cuối cùng khép lại “hành trình mở cõi” về phương Nam, “kéo” nét bút cuối cùng khép lại bản đồ hình chữ S của Việt Nam ta như hiện nay. Bên cạnh đó, với sự nghiệp và uy danh vượt bậc, Nguyễn Cư Trinh được sử sách ghi nhận, là bậc “khai quốc công thần” hiển hách. Tên của ông đã được đặt cho rất nhiều ngôi trường, đường phố ở các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Thêm nữa, cho đến nay ông vẫn được nhân dân nhiều nơi, nhất là ở Nam bộ như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… sùng kính, phụng thờ.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguyen-cu-trinh-voi-hanh-trinh-mo-coi-phuong-nam-48991.vov2