Phục hồi du lịch và bài toán nhân lực ngành

13/01/2022 09:08 643

Ngành du lịch đang bị thất thoát nhân lực trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, đã qua đào tạo. Đây thực sự là bài toán không dễ giải khi...

Trong 2 năm qua, tác động của dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp) trong khi số xin thu hồi tăng gấp 3 lần. Năm 2021, có 338 trong số 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Bên cạnh đó, hàng loạt các khách sạn trên toàn quốc đóng cửa vì không có khách, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chật vật chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long- Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, đây là con số đáng buồn nhưng cũng không ngạc nhiên vì du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch khi chúng ta nhìn trong chuỗi liên kết với một loạt các ngành kinh tế xã hội khác: giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, tài chính, ngân hàng… Bên cạnh đó, việc rời bỏ nghề du lịch hoặc chuyển sang làm ở một lĩnh vực hoàn toàn khác trong bối cảnh hiện nay đã dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, đã qua đào tạo, dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực du lịch khi bước vào giai đoạn phục hồi.

Hai năm qua, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm "bộ khung" cho sau này phục hồi. Khi phải lựa chọn giải pháp cuối cùng này, nhiều doanh nghiệp cũng đã lường trước được việc rất khó để “kéo” nguồn nhân sự cao cấp quay lại làm việc khi du lịch phục hồi. Tuy nhiên, dựa trên xu hướng du lịch mới, đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ để có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, hình thức du lịch này sẽ không cần quá nhiều nhân lực như trước. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh đã, đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này.

Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Hồng Long, nhân lực trong lĩnh vực du lịch thường là những người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng, tay nghề và kiến thức tốt, nhưng do thời gian nghỉ quá lâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì các lao động đã ổn định công việc mới, rất khó có thể quay trở lại nghề du lịch trước đây. "Điều đáng buồn là không chỉ sụt giảm số lượng mà còn làm “hao mòn” về chất lượng khi mà các kỹ năng nghề nghiệp của họ không được mài giũa thường xuyên". PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, đồng thời thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn, đặc biệt, việc tuyển sinh tại một số trường đào tạo du lịch thời gian qua cũng giảm, do đó không thể dễ dàng ngày một ngày hai có được lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu khi ngành Du lịch hồi phục.

Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, bên cạnh sự đồng hành, định hướng của Bộ VHTT&DL và các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng sản phẩm gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được các doanh nghiệp chủ động hơn nữa, trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn. Đây được xem là bước chuẩn bị cơ bản để giúp ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Việc đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao thích nghi với đại dịch Covid-19 là rất quan trọng và cần thiết, thậm chí có thể coi đây là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh khi du lịch hồi sinh.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/phuc-hoi-du-lich-va-bai-toan-nhan-luc-nganh-31916.vov2