Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại
TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long khẳng định: "Văn hóa dân gian không chỉ là chuyện đàn ca hát xướng hay những trò diễn x...
TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long
Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Viết Chức, ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước cũng đang phấn đấu thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Vậy theo ông trong bối cảnh chu đó, văn hóa dân gian đóng vai trò như thế nào trong đời sống xã hội?
TS Nguyễn Viết Chức: Văn hóa đương nhiên là có mối quan hệ rất gắn bó với chính trị, kinh tế, xã hội nhưng mà văn hóa có một dòng chảy riêng, nó xuyên suốt ngay cả trong dòng chảy biến động về chính trị, xã hội. Đó là một dòng chảy liền mạch và chỉ khi chúng ta gắn bó truyền thống với hiện đại thì nó mới đúng với diện mạo của nó.
Khi nói tới giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì đương nhiên là phải có văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian không phải chỉ là những chuyện đàn ca hát xướng hay là những trò diễn xướng dân gian mà là trí tuệ của cả một dân tộc, của một tộc người gửi gắm ở trong đó.
Trí tuệ dân gian sâu lắm, cao lắm, nó là sự đúc rút từ kinh nghiệm sống của mỗi dân tộc, là sự gửi gắm từ truyền thống, từ đời này qua đời khác. Có giữ được văn hóa dân gian thì mới nói chuyện là giữ được văn hóa dân tộc.
Phóng viên: Phải chăng khi mà xã hội càng ngày càng phát triển, công nghệ số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thì văn hoá dân gian mới nhiều người biết đến, đặc biệt là giới trẻ, và được nhìn nhận theo đúng giá trị của nó, thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi không nghĩ là như vậy. Phải cảm ơn công nghệ vì công nghệ đã giúp chúng ta giữ gìn và truyền tải văn hóa dân gian rộng khắp tới mọi người. Thực ra văn hóa dân gian nó có sức sống kỳ lạ lắm. Thực tế, có thời điểm có những người không thực sự coi trọng văn hóa dân gian lắm nhưng mà văn hóa dân gian vẫn đủ sức sống để sống, một sức sống rất kỳ diệu.
Đôi khi giới trẻ vẫn nghĩ rằng văn hóa dân gian nó cổ hủ, lạc hậu nhưng khi mà động vào nó thì hóa ra là động cả vào một bầu trời tri thức, tình cảm, cách nghĩ, cách làm, cách sống... thú vị lắm.
Phóng viên: Có một điều dễ nhận thấy là trong thời gian vừa qua, bên cạnh các loại hình văn hóa mới được du nhập vào nước ta thì văn hóa dân gian cũng đã có sự sống lại khá mạnh mẽ sau khi được “tái cấu trúc” bởi nhiều hình thức khác nhau như qua hội họa, âm nhạc, thời trang... Ông nghĩ sao về điều này ?
TS Nguyễn Viết Chức: Đây là điều rất đáng mừng, bởi vì, thực tế cuộc sống đã chứng minh nếu mà chúng ta biết khai thác thật tốt văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc thì chuyện chúng ta hội nhập với thế giới là câu chuyện hết sức thú vị chứ hoàn toàn không phải là chuyện hoài cổ. Thực tế, quy luật của văn hóa nó là dòng chảy liên tục, nó không thể bị cắt đoạn bởi vì văn hóa của một dân tộc là trường tồn, ai muốn làm đứt đoạn cũng không làm được.
Và điều rất đáng mừng là bây giờ, văn hóa dân gian đang đi vào cuộc sống, nó đang được phát huy mạnh mẽ hơn là bởi vì chúng ta có một nền tảng văn hóa lâu đời. Truyền thống phải sống được trong xã hội hiện đại thì nó mới có thể tiếp nối đời sau được và bây giờ nhiều bạn trẻ rất giỏi khi mà đã vận dụng, ứng dụng văn hóa dân gian vào trong các lĩnh vực nghệ thuật, làm cho chất truyền thống, chất dân tộc hòa vào nhau thành một dòng chảy mạnh mẽ cùng dòng chảy chung của dân tộc.
TS Nguyễn Viết Chức: "Văn hóa dân gian là dòng chảy liên tục và không thể bị đứt đoạn..."
Phóng viên: Và rõ ràng là qua đây văn hóa dân gian không chỉ được bảo tồn đúng các giá trị truyền thống mà còn phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mỗi người dân, thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Đúng là như vậy! Dường như bây giờ, càng sống, càng làm việc và càng gắn bó với văn hóa dân gian thì hình như chúng ta lại càng có một nội lực, cảm hứng mới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể giữ gìn theo kiểu cứ ôm khư khư, cất kỹ vào nơi nào đó mà phải biết phát huy nó trong cuộc sống hiện tại. Và thật mừng là bây giờ có rất nhiều người, trong đó có những nghệ sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà thiết kế thời trang... đã rất khéo, đã có đủ năng lực để phát huy nó trong đời sống.
Trước đây, giới nghiên cứu chúng tôi cũng có rất nhiều người rơi vào trạng thái cực đoan và cố gắng phân biệt đến mức độ quá rạch ròi, gần như là đối lập nhau giữa văn hóa Đông - Tây, nhưng mà theo tôi nếu đi vào bản chất thì sẽ thấy rằng không lệch đâu bởi vì văn hóa là nhân văn. Dù là ở phương Tây, dù là ở phương Đông thì đều là yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu những điều tốt đẹp, những cái chân, thiện, mỹ. Nếu thấy có điều khác nhau thì ta chọn cái tinh hoa của những cái khác để bổ sung cho mình, để làm cho mình tốt hơn. Và bây giờ, đáng mừng là chúng ta đang làm theo cách như vậy.
Càng gắn bó với văn hóa dân gian thì chúng ta lại càng có động lực, cảm hứng mới...
Phóng viên: Văn hóa dân gian nói riêng và văn hóa nói chung không phải là bất biến, mà chịu tác động rất lớn bởi thời gian, cũng như thường xuyên có sự chuyển tiếp, thay đổi phù hợp với thời đại mới. Trong quá trình đào thải theo quy luật thì những cái gì là căn cốt, tốt đẹp nhất sẽ được giữ lại. Tuy nhiên, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với các các di sản văn hóa dân gian, theo ông việc phổ biến, tuyên truyền cần phải được thực hiện như thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều những hình thức để mà bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân gian, nhưng theo tôi, chủ thể quan trọng nhất ở đây vẫn chính là người dân. Người dân có yêu thì mới giữ được.
Ngoài ra, chính các nghệ sỹ, nghệ nhân, các nhạc sỹ, họa sỹ, các nhà thiết kế thời trang cũng có vai trò hết sức quan trọng bởi chính họ sẽ làm cho văn hóa dân gian được sống trong đời sống đương đại. Họ sẽ tìm ra những cách thức tiếp cận mới để mà chuyển tải những thông điệp vào trong các tác phẩm của mình bằng nền tảng của văn hóa dân gian.
Đây là những cách thức tốt nhất và xin nhắc lại rằng, khi chúng ta càng yêu văn hóa dân gian bao nhiêu thì văn hóa dân gian càng sống khỏe bấy nhiêu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Viết Chức.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-dan-gian-trong-doi-song-duong-dai-24396.vov2