Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu là người góp công biên soạn 2 bộ sách lớn: Hoàng triều đại điển và Luật Hình thư. Không những vậy, ông còn nổi tiếng với Bạch Đằng giang ph...
Trương Hán Siêu tên tự là Thăng Phủ hoặc Thăng Am, hiệu Đôn Tẩu, quê ở Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông làm quan dưới 4 đời vua nhà Trần là: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trương Hán Siêu là môn khách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, ông có những đóng góp lớn cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba. Ông đã đề ra những sách lược mà sau này được phản ánh trong Hịch tướng sĩ, trong nhiều tác phẩm của Trần Hưng Đạo, đó là: "Đối với đội quân lớn đánh đâu thắng đó, vó ngựa chinh phục khắp Nam Bắc, Đông Tây như thế thì phải làm vườn không nhà trống, lấy ít địch nhiều, lấy nhu thắng cương, và Trần Hưng Đạo là một trong những thiên tài quân sự cũng đã tiếp thu và đã thắng 2 trận, đuổi được quân xâm lược Nguyên Mông".
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, đến năm 1308, Trương Hán Siêu được vua Trần Anh Tông phong chức Hàn lâm học sĩ, soạn thảo chiếu cáo văn từ cho nhà vua. Năm 1314, vua Trần Minh Tông phong ông giữ chức Hành khiển. Tới năm 1339, vua Trần Hiến Tông phong ông là Hữu ty Lang trung. Năm 1342 vua Trần Dụ Tông phong Trương Hán Siêu làm Tả ty Lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi tới năm 1345, phong ông làm Tả Gián nghị đại phu. Năm 1351, cũng vua Trần Dụ Tông đã phong Trương Hán Siêu làm Tham tri Chính sự (như chức Thượng thư)… Ông được vua Trần rất mực kính trọng và gọi là thầy chứ không gọi tên húy.
Theo PGS.TS Trịnh Sinh, là nhà chính trị, nhà sử học danh tiếng, học thức sâu rộng, trong suốt cuộc đời, Trương Hán Siêu đã đem hết tài năng, tâm huyết ra phục vụ đất nước và ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu, đóng góp lớn. Ông đã cùng với Nguyễn Trung Ngạn cũng là vị danh tướng soạn ra bộ Quốc Triều đại điển và Luật Hình thư.
"Ở góc độ văn hóa, Trương Hán Siêu sáng tác rất nhiều tác phẩm văn chương, thơ phú, trong đó nổi tiếng nhất là Bạch Đằng giang phú. Đây cũng là tác phẩm được xem là đỉnh cao của thể Phú trong văn học và là áng Thiên cổ hùng ca trong lịch sử văn học Việt Nam".
Còn theo PGS.TS Triệu Thế Việt- Trường ĐH KHXH&NV, Bạch Đằng giang phú thể hiện lòng yêu nước và tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc. Bài phú này của Trương Hán Siêu gần như thay mặt cả dân tộc nói về sự vươn dậy của cuộc chiến tranh và công sức lớn lao của nhà Trần cũng như toàn dân tộc lúc bấy giờ.
Tháng 11 năm 1353, Trương Hán Siêu sau hơn một năm lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm thành công ở đất Hóa Châu (Huế) đã xin nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi chưa về đến kinh thành ông đã qua đời. Khi mất, ông được truy tặng chức Thái phó và được thờ tự ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Như vậy là cho đến năm 1371 thời vua Trần Nghệ Tông, Trương Hán Siêu là người Việt thứ hai được thờ ở Văn Miếu. Điều này đã chứng minh phần nào sự ghi nhận tài năng và nhân cách của ông đối với các thế hệ sau này.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/danh-nhan-van-hoa-truong-han-sieu-30412.vov2
Có thể bạn thích
-
Cảm ơn anh
-
Các nước quản lý các hãng xe công nghệ như thế nào?
-
Đào tạo nông dân chủ động tham gia nông nghiệp 4.0. Bài 2: Chính sách thúc đẩy nông nghiệp 4.0: Không để “cái khó bó cái khôn”
-
Ngoại tình và sự hấp dẫn tình dục
-
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng