Đến đền Đuổm nghe huyền tích về thánh Dương Tự Minh
Đền Đuổm tọa lạc tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, thờ Dương Tự Minh - thủ lĩnh người Tày có công lớn trong việc phòng thủ biên giới phươ...
“Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng, Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh trưởng tại làng Quan Triều, phủ Phú Lương (xưa), nay là phường Quan Triều, Tp Thái Nguyên. Thuở trẻ ông rất có tài, đã thành lập 1 đội dân binh để chống lại sự xâm chiếm của nhà Tống lúc đó". Anh Trần Minh Khương, hướng dẫn viên (HDV) khu di tích Đền Đuổm cho biết: "Đội dân binh của Dương Tự Minh đã lập nhiều công lao. Sau lập công, ông được vua Lý Nhân Tông mời về kinh đô ban thưởng, lần thứ nhất được gả công chúa Diên Bình vào năm 1227, điện thờ bên phải đây. Trong quá trình làm quan sau đó, ông đã giúp địa hạt Phú Lương và cuộc sống của nhân dân quanh vùng ấm no, hạnh phúc. Công lao đó một lần nữa được nhà Lý ghi nhận. Đến năm 1444 dưới thời vua Lý Anh Tông ông lần thứ 2 được gả công chúa cho là công chúa Thiều Dung, điện thờ bên trái đây”.
Không chỉ là một vị võ quan lập nhiều công trạng, Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh còn tạo được nhiều ân đức khi được giao cai quản phủ Phú Lương. Ông dạy dân khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết dân tộc, được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần”. Các triều đại về sau đều có sắc phong ông là “Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần”. Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Theo Đại Việt Sử ký toàn thư và nhiều hội thảo khoa học, nhân vật Dương Tự Minh là người được 2 triều Vua Lý giao cho trấn ải phủ Phú Lương, lúc bấy giờ rất rộng, bao gồm cả Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang… cả vùng phía Bắc này”.
Đền Đuổm được xây dựng từ thế kỷ XII, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc truyền thống. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Đuổm, có tam quan hướng ra quốc lộ. Các hạng mục chính gồm lầu chuông, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, được bố trí dựa vào sườn núi theo thứ tự từ thấp lên cao.
Đền Hạ là nơi thờ 2 công chúa Diên Bình và Thiều Dung; đền Trung là nơi thờ Dương Tự Minh, còn đền Thượng thờ các vị thân mẫu của ông. Phía trước đền là một không gian rộng lớn với cánh đồng, đồi cọ, đồi chè và con sông Cầu uốn khúc chảy qua. Tuy quy mô không lớn nhưng đền Đuổm là một quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.
“Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Đinh, vẫn giữ nguyên theo lối kiến trúc cổ thời nhà Lý. Đằng trước 3 gian, 1 gian hậu cung đằng sau", HDV Trần Minh Khương nói tiếp. "Trong hậu cung thờ Đức Thánh Đuổm. Bên ngoài, ở giữa thờ công đồng các quan. Phía bên phải theo hướng nhìn vào thờ các quan võ, bên tay trái thờ quan văn. Nói về phong thủy ngôi đền thì chúng ta đi từ phía cổng lên, phía bên tay phải ta thấy 1 tảng đá gọi là miếu Hàm Long, bên tay trái là 1 tảng đá khác hình dấu chân Hổ. Đây là 2 cảnh trí tự nhiên không ai tạo nên cả, mang tính chất phong thủy tâm linh lớn: ‘Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ’, tạo thành thế Long chầu Hổ phục, ngôi đền nằm ở giữa. Phía sau đền lại là 1 dãy núi đá. Theo phong thủy phương Đông đấy là thế rất đắc địa”.
Là một vị quan công lao bao trùm toàn bộ vùng phương Bắc, sở dĩ dân gian lập đền thờ Dương Tự Minh tại vị trí hiện nay vì nơi này chính là điểm được ông chọn làm nơi sống nốt những năm cuối đời, sau khi từ quan về quê: “Dương Tự Minh làm quan nhà Lý gần 30 năm, đến cuối đời từ quan về ở ẩn tại núi Điểm Sơn (còn gọi là núi Đuổm) nên ở đền hiện nay có 2 câu đối:
Quan triều hiển Thánh thiên thu tại
Động Đạt giáng thần vạn cố hương.
dịch nghĩa là:
Đất quan triều hiển Thánh từ ngàn năm vẫn còn đó,
Xã Động Đạt giáng làm thần muôn đời hương khói thơm ngát”.
Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993. Hằng năm, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại tổ chức Lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công lao của Dương Tự Minh. Ngoài ra, cư dân trong vùng còn bảo tồn nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa tín ngưỡng như: ngày đản sinh của Thánh Đuổm, lễ hạ điền và lễ thượng điền. Trong đó lớn nhất là ngày đản sinh vào mùng 6 tháng Giêng. Trước đó một ngày, dân làng làm lễ rước nước và rước đất. Theo ông Bùi Quang Sơn, nghi lễ này cũng nhằm chuẩn bị cho lễ đản sinh Thánh Đuổm: “Ở đây có nghi lễ rước hồn Thần Nước từ nơi khởi nguồn dòng nước trên núi Đuổm, đưa về làm vật linh thiêng trong hoạt động lễ hội của Đền Đuổm”.
Hiện nay, đền Đuổm là điểm sáng về du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên. Nếu du khách đến đúng vào lễ hội đản sinh thì không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên xung quanh, chiêm bái vẻ đẹp trầm mặc của ngôi đền mà còn nếm các sản vật mà dân địa phương thành kính dâng lên vị thánh phù hộ cho cả một vùng như: bánh chưng, gạo nếp, gạo tẻ, chè, nấm, mật ong… cũng như tham gia các trò chơi dân gian được tổ chức ngay sau phần lễ.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-den-duom-nghe-huyen-tich-ve-thanh-duong-tu-minh-22723.vov2